Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Trả lương cao, nhiều em sẽ theo Sử

Trả lương cao, nhiều em sẽ theo Sử


Câu chuyện kết quả thi đại học môn Lịch sử thấp, xã hội thờ ơ và quan điểm coi "hàng ngàn điểm 0" môn thi này là điều bình thường tiếp tục là tâm điểm giáo dục trên các báo hôm nay.
Tìm đến nhà sử học Đinh Xuân Lâm, người từng dạy sử 60 năm phổ thông, chủ biên nhiều cuốn sách giáo khoa lịch sử, Tuổi Trẻ nhận được đề nghị “cần có một cuộc cách mạng trong môn sử”. Gặp đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Sài Gòn Giải Phóng nhận thêm những kiến giải từ nguyên nhân những hành vi ngoài xã hội. Còn Thông tấn xã Việt Namđã viết lại những lời Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận vừa phát ngôn với báo giới cuối tuần trước. Trong khi đó, những người đã từng hoặc đang tiếp tục dạy, học và quan tâm tới lịch sử lại có dịp bày tỏ.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Hệ thống giá trị hiện nay khó khuyến khích việc học sử 
Nếu chúng ta coi lịch sử chỉ là một bộ nhớ, quan tâm đến lịch sử theo kiểu chỉ đánh đố trí nhớ thì hiệu quả sẽ không cao. Tất nhiên  nhớ kiến thức là cần thiết, việc đánh đố có thể tạo ra cảm giác vui vẻ. 
      Nhà sử học Dương Trung Quốc
Nhưng lịch sử không phải chỉ là nhớ. Không dạy theo kiểu nhồi nhét, nhưng phải bảo đảm học sinh vận dụng kiến thức, tiềm năng của mình như thế nào để con người phải có hoài bão, có mưu sinh. 
Các em học sinh đầu tư cũng phải có tính toán. Bây giờ có doanh nghiệp nào đó cam kết thí sinh thi nhất môn sử, trả lương 3.000 USD/tháng chẳng hạn, tôi tin chắc sẽ có nhiều em theo sử.
Hiện nay, học sinh phải học ngoại ngữ, tin học, vì không giỏi những thứ đó không kiếm được tiền. Các em có quyền được đầu tư theo lợi ích của các em, trong khi hệ thống giá trị hiện tại không thể khuyến khích các em học sử. Nếu nhìn vào lương bổng, phân công công việc trong xã hội thì sẽ thấy rất rõ.
Tôi đã từng cố gắng thuyết minh với các em học sử là rất cần thiết, vì sử không chỉ giúp các em làm nghề sử, mà có thể làm nhà báo, làm chính trị, kể cả làm khoa học mà tư duy về sử tốt thì cũng có lợi. 
Thế nhưng, không thể thuyết phục được các em, vì không nhìn đâu xa, thầy cô giáo dạy sử thuộc người nghèo nhất, ít cơ hội nhất. 
Nhưng theo tôi, kể cả điều này cũng không hề đơn giản, vì ngay việc đào tạo đội ngũ giáo viên dạy sử ở các trường đại học cũng rất khó khăn. Tôi biết có nhiều thầy cô dạy sử nhưng chưa hề đặt chân đến Điện Biên Phủ, vì thế chỉ dạy theo SGK, mà SGK thì cũng có nhiều vấn đề phải thay đổi.
Khi chúng ta dạy rất nhiều điều tốt đẹp về lịch sử trong nhà trường thì ra đường, các em không thấy điều đó. Chúng ta nói về di sản này di sản kia, nhưng khi các em đến nơi chỉ thấy việc lấn chiếm di tích, ăn cắp cổ vật... thử hỏi làm sao các em thấy được giá trị của lịch sử. 
Vì vậy, đây là câu chuyện của tổng thể xã hội chứ không riêng việc dạy sử. Mặc dù giới sử học rất day dứt, cảm thấy mình có lỗi phần nào ở đây nhưng đúng là chúng ta phải có sự thay đổi một cách toàn diện thực trạng này.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Phải nhìn thấy rõ những nguy cơ và thách thức của thời đại 
Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá  đất nước và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải dạy và học ngoại ngữ, tin học ngay từ các cấp học dưới. Trong hoàn cảnh đó, việc dạy và học lịch sử, văn học và một vài môn khác không được như trước cũng là điều dễ hiểu.
Còn có một nguyên nhân khác nữa: Các bạn hãy nhìn rộng ra các nước khác sẽ thấy, không chỉ ở Việt Nam có hiện tượng thế hệ trẻ  xao nhãng, thờ ơ với văn học, lịch sử, cũng như các môn khoa học xă hội nói chung. Điểm thi môn lịch sử thấp và ngành sử không thu hút được nhiều người là một hiện tượng chung của nhiều nước trên thế giới. Vì sao?
      Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Theo tôi, vì tiếng nói của ngành khoa học lịch sử trong cuộc sống hiện đại hôm nay, cũng như cơ hội tìm việc làm, cơ hội có thu nhập tốt của những người giỏi sử, giỏi văn, không nhiều như các lĩnh vực khác...Đó là vấn đề mang tính thời đại, do tác động của cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi của đời sống xã hội và đòi hỏi của thị trường lao động.
Trong khi đó ngoại ngữ và tin học được giới trẻ đón nhận rất nhiệt tình. Có phải vì nội dung và phương pháp dạy - học tin học và ngoại ngữ hay hơn lịch sử không?  Theo tôi thì câu trả lời là không. Nhưng trong xã hội hiện đại   không thể thiếu tin học được, và người ta phải học . Khi giỏi tin học, các em dễ tìm được việc làm cho thu nhập cao hơn . Từ đó người ta có động lực tự thân để học và giỏi tin học. 
Tôi cho rằng,  chúng ta phải nhìn rõ xu thế tác động của thời đại, nhìn rõ quy luật khách quan này, để có các định hướng đúng và chú ý xây dựng một môi trường giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ.
Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng (người phát ngôn Bộ GD-ĐT): "Được điểm 0 là một thực tế không thể xem nhẹ"
 Bộ GD - ĐT nhận thấy, kết quả nhiều bài thi môn Lịch sử của các em học sinh đã tốt nghiệp THPT, tham dự kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng không đạt yêu cầu, thậm chí chỉ được điểm 0 là một thực tế không thể xem nhẹ.
                    Chánh văn phòng Phạm Mạnh Hùng.
Thực tế này, cần được quan tâm tìm hiểu, phân tích nguyên nhân, từ đó có những giải pháp phù hợp, khắc phục những tác động tiêu cực của các nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy - học môn Lịch sử, thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh.
Bộ GD-ĐT sẽ có thời gian tiếp tục nghiên cứu, tìm những giải pháp, chỉ đạo, khắc phục tình trạng trên; đồng thời sẽ tiếp thu ý kiến của công luận qua các hội thảo và website của Bộ.





GS Đinh Xuân Lâm: Cần một cuộc cách mạng về môn sử
Từ lâu, chúng tôi đã rất đau đầu để chứng minh một cách khoa học và giản dị với các nhà quản lý giáo dục là chúng ta đang hiểu sai về môn lịch sử.
Đó không phải là một môn giáo dục, tuyên truyền chính trị thông qua các sự kiện và con số, mà là một môn khoa học với tất cả sự hấp dẫn và khó khăn của nó.
Lịch sử cần được nghiên cứu và trình bày một cách khách quan, không thiên kiến thì mới tạo ra sức hấp dẫn được. 
Tôi dạy sử hơn nửa thế kỷ, tôi biết trẻ em đứa nào cũng yêu thích môn lịch sử. Chính người lớn làm cho chúng hết yêu.
Chúng tôi, mà đại diện là cơ quan của Hội Khoa học lịch sử, đã nhiều lần đề đạt với Bộ GD-ĐT, Ban Khoa giáo trung ương, các cơ quan chức năng khác phối hợp nghiên cứu để sửa lại chương trình SGK lịch sử phổ thông. 

                                GS Đinh Xuân Lâm

Cần phải viết một bộ SGK lịch sử theo yêu cầu của thời đại, với tinh thần hòa nhập và đổi mới. Chương trình cũ chỉ thích hợp với một giai đoạn lịch sử nhất định, trong thời chiến tranh mà thôi.
SGK môn lịch sử, xưa nay vẫn chỉ sửa chữa theo kiểu vá víu, chỉnh sửa những chi tiết, sự kiện, năm tháng, địa điểm, tên người... Sửa những cái đó thì dễ, nhưng nó không căn bản.
Điều chủ yếu là sửa những quan điểm, đánh giá sai thì lại chưa được đặt ra. Đúng hơn là các nhà sử học đặt ra nhưng chưa nhận được câu trả lời thích đáng từ Bộ GD-ĐT và các cơ quan thẩm quyền khác. 
Có những vấn đề rất lớn của lịch sử, sai rõ ràng, các hội thảo khoa học chuyên ngành đã chỉ ra nhiều lần, nhưng vẫn chưa được bật đèn xanh để chính thức sửa trong SGK. 
Hiện tại Bộ GD-ĐT vẫn soạn SGK sử theo phương pháp không giống ai. Ví dụ sách lớp 7 mời ba giáo viên dạy sử ở ba miền Bắc Trung Nam cùng viết chung, mà ba ông này không quen biết và rất ít điều kiện gặp nhau. Như vậy làm sao có phong cách trình bày thống nhất và hấp dẫn? 
Trước mắt, theo tôi, các ban chuyên môn của bộ nên có sự hợp tác chặt chẽ với Hội Khoa học lịch sử để có được sự thống nhất chung trong việc đánh giá thực trạng nghiên cứu, dạy học lịch sử mới có hi vọng tạo nên cuộc cách mạng triệt để cho môn sử học nước nhà.
Ninh Hạnh

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Ở Singapore, môn sử được dạy và học như thế nào?


Ở Singapore, môn sử được dạy và học như thế nào?


Điểm thi môn lịch sử là chuyện được bàn sôi nổi trong vài tuần qua trên các trang báo, trên các diễn đàn. Các nhà quản lý, các chuyên gia về lĩnh vực xã hội, giáo dục, lịch sử đã đưa ra ý kiến nhận định, đánh giá về sự kiện được nhiều người coi là “thảm họa” này. Singapore là quốc gia láng giềng có nhiều điểm tương đồng về văn hóa với VN. Hệ thống giáo dục ở đây được đánh giá cao. Chúng ta cùng “ngó” qua Singapore để xem người ta dạy & học môn Sử như thế nào ở trường phổ thông qua cuộc trò chuyện với những người trong cuộc.

Ở đất  nước của bạn, trong suốt quá trình phổ thông, môn lịch sử được dạy như thế nào?

Angeline Marie Therese Tan (người Singapore, 19 tuổi) vừa tốt nghiệp trường National Junior College: Ở Singapore, các chủ đề chính được dạy trong giáo trình A level (giống như giáo trình trung học phổ thông ở Việt Nam – PV ) là Thời kì Chiến tranh lạnh, Kinh tế thế giới, Liên hợp quốc và Lịch sử Đông Nam Á. Mặc dù môn lịch sử được chia ra thành các chủ đề khác nhau, học sinh được dạy để đánh giá nhiều cách nhìn đa dạng về cùng một vấn đề và cố gắng để tìm ra cách nhìn cân bằng, không thiên vị .

Bạn có thích môn lịch sử không?

-  Mình yêu môn lịch sử! Nói "thích" thôi thì vẫn còn là nhẹ (cười). Bởi vì mình cảm thấy rằng lịch sử cho chúng ta cái nhìn toàn diện hơn về quá khứ, cũng như một khuôn khổ để hiểu hơn các sự kiện đương thời trên thế giới. Thêm vào đó, mình rất thích đọc truyện mà đọc lịch sử thì như là đọc một câu chuyện hàn lâm thật dài. Học lịch sử mà không thấy như mình đang phải học. Bạn thân của mình cũng rất yêu thích lịch sử. Bọn mình thường hay cùng nhau ngồi trong thư viện tìm đọc tài liệu và bàn bạc hăng say về các bài giảng của thầy cô giáo.

Bạn có biết nhiều về lịch sử Việt Nam không?


-  Mình không dám nói là mình biết rất nhiều về Việt Nam. Mình có học một chút về phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam thời kì tiền Chiến tranh thế giới thứ 2 cũng như quá trình chống đô hộ, chính sách Đổi mới và các bước gia nhập ASEAN.                               

Là người Việt Nam theo học phổ thông ở Singapore, bạn có phải học về lịch sử của Singapore không?

- Lã Diệu Hằng (20 tuổi là du học sinh Việt Nam, nhận học bổng 100% A*STaR school-based của chính phủ Singapore): Có. Học về quá trình xây dựng đất nước và quá trình gia nhập ASEAN  của Singapore.
Bạn đã từng học sử ở Việt Nam, bạn có thể kể ra những điểm khác biệt khi dạy và học môn sử ở Singapore so với ở Việt Nam?

- Có những điểm khác cơ bản. Về mục đích giảng dạy: Ở Singapore, môn lịch sử giúp học sinh đạt được những mục đích hiểu và nắm rõ từng giai đoạn lịch sử (trong nước/trong vùng/quốc tế); giải thích quá khứ đã ảnh hưởng đến hiện tại như thế nào; nắm được những quy luật nhất định, mối quan hệ nhân quả giữa các sự kiện, mối quan hệ giữa các dân tộc, tổ chức chính trị, các nước, và các vùng trên thế giới.

Quan trọng không kém là học sinh có thể phát triển tư duy logic, sự hứng thú với môn học và sự đồng cảm với con người trong các giai đoạn lịch sử khác nhau. Giáo trình môn lịch sử ở phổ thông Singapore chủ yếu tập trung về lịch sử quốc tế đương đại (thế kỷ XX) và lịch sử vùng Đông Nam Á hiện đại, tập trung hơn vào Singapore.

Về phương pháp giảng dạy: Trong lớp học, giáo viên sẽ soạn giáo trình cho từng phần học và phát cho học sinh nghiên cứu kĩ trước đến khi nghe giảng chính ở lớp. Giáo trình phải chuyển tải được các nội dung chính, các khái niệm quan trọng cũng như phải giúp học sinh đạt các mục đích nêu trên. Học sinh được dạy về các nguyên nhân dẫn đến 1 sự kiện nào đấy, các nhân vật/nhóm đóng góp vào sự kiện đó, quá trình xảy ra và ảnh hưởng của các sự kiện đó.

Quan trọng hơn, học sinh phải phân tích được các loại nguyên nhân khác nhau, tẩm quan trọng của nguyên nhân cũng như đóng góp ít hay nhiều của chúng trong giai đoạn lịch sử, tầm sâu sắc của ảnh hưởng và đánh giá được ảnh hưởng đó là tốt hay xấu đối với 1 nhóm. Học sinh được khuyến khích tích cực đóng góp ý kiến trong lớp. Không ý kiến nào là sai, nhưng suy luận phải logic, có tính sâu sắc và mang tính thuyết phục cao;

Trong kỳ thi, nếu học sinh học H2 level, họ sẽ phải hoàn thành 2 đề: Lịch sử quốc tế và lịch sử ĐNA, mỗi đề dài 3.5 tiếng, bao gồm 3 bài luận và 1 Source-based question (Các bài phân tích dựa trên nguồn cho sẵn - PV). Câu hỏi luận sẽ chủ yếu rơi vào 1 trong 3 dạng sau: Câu hỏi nguyên nhân - câu hỏi quá trình - câu hỏi hậu quả (causation - process - consequences), hoặc nó có thể tổng hợp 2 hoặc cả 3 dạng trên.

Để làm tốt trong kỳ thi, nhất là kỳ thi tốt nghiệp A-level cuối năm, học sinh được yêu cầu rèn luyện kỹ năng viết luận, và phải tham gia các buổi thi thử ở lớp/trường. Tương tự áp dụng cho Source-based questions (Các bài phân tích dựa trên nguồn cho sẵn - PV), khi học sinh phải sử dụng các nguồn thông tin có sẵn để trả lời câu hỏi.

Bạn có thích môn lịch sử không? Những bạn cùng lớp thì sao?

- Tôi rất thích vì môn học này giúp tôi hiểu được thế giới mình đang sống, tại sao nó lại như ngày hôm nay, cũng như am hiểu hơn về các dân tộc, đất nước, vùng miền khác nhau. Đăc biệt, học lịch sử giúp tôi hiểu 1 cách sâu sắc hơn bản chất loài người chúng ta, và do đó, có cái nhìn cảm thông và sâu rộng hơn về thế giới.
- Cảm ơn Angeline và Diệu Hằng!

Theo laodong

GS Phan Huy Lê: Nếu là học sinh, tôi cũng chán môn Sử

GS Phan Huy Lê: Nếu là học sinh, tôi cũng chán môn Sử

Hiện tượng nhiều học sinh trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TP HCM) ném đề cương môn Lịch sử sau khi biết trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không thi môn học này đang khiến dư luận xã hội quan tâm. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV online phỏng vấn Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam.


Thi theo bốc thăm chẳng thể chống được tiêu cực
PV: Thưa Giáo sư, hiện tượng nhiều học sinh trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TP HCM) ném đề cương môn lịch Sử sau khi được biết trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không thi môn học này. Nhìn nhận của Giáo sư về hiện tượng này như thế nào?
Giáo sư Phan Huy Lê: Là một nhà giáo và nghiên cứu lịch sử lâu năm, khi biết được thông tin trên, thực sự tôi rất đau lòng. Nhìn những bức ảnh, học sinh ném đề cương môn sử như tuyết rơi trắng xóa dưới sân trường, tôi nghĩ hiện tượng này đã gây bức xúc, xôn xa dư luận xã hội.
Thực ra đây là hành động bình thường thể hiện quan điểm, thái độ đối với một sự việc nào đó. Các em chỉ đáng trách là vứt giấy bừa bãi, gây mất trật tự, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa-giáo dục của nhà trường.
Giáo sư Phan Huy Lê
Hành động của các em khiến chúng ta cần bình tĩnh suy nghĩ lại. Tôi thấy hiện tượng này có những nguyên do sâu xa và trách nhiệm không phải thuộc về học sinh. Có ý kiến cho rằng, việc nhiều học sinh ném đề cương Sử phản ánh sự chán ghét môn học này cũng có phần đúng.
Tuy nhiên, nói rằng học sinh chán ghét đến nỗi quay lưng lại với môn Sử thì tôi không đồng ý hoàn toàn với ý kiến đó. Tôi chắc chắn rằng, trong số học sinh trường THPT Nguyễn Hiền, không phải em nào cũng chán ghét môn học này.
Hiện tượng trên cần phân tích sâu sắc và theo tôi, nó phản ánh những “khuyết tật” của nền GD Việt Nam hiện nay.
Với tình hình giảng dạy môn Sử ở các trường THPT cũng như chương trình sách giáo khoa hiện nay, nếu tôi là học sinh, tôi cũng chán học môn này.
Hiện nay, sách giáo khoa biên soạn quá nặng nề, la liệt các sự kiện, sự phân tích khái quát rất chung chung, không gây được sự hứng thú học tập theo lối thông minh của học sinh và cũng không đạt được yêu cầu giáo dục phẩm chất, năng lực của thế hệ trẻ. Tôi và khá nhiều nhà sử học cho rằng, sách giáo khoa hiện nay gần như là tóm tắt sách lịch sử của người lớn và bắt học sinh phải học theo.
Việc Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT, không có môn Lịch sử mà lại có môn Địa lý. Theo tôi, thi Địa lý, các em học sinh sẽ hứng thú hơn rất nhiều vì thi Địa dễ dàng hơn Lịch sử và dễ đạt được điểm cao. Đây là tâm lý rất tự nhiên của giới trẻ.
Mặc dù theo giải thích trên báo chí của một cán bộ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho rằng, việc không thi môn Lịch sử chỉ là hiện tượng bình thường, bởi đó là kết quả của việc bốc thăm theo xác suất.
Tuy nhiên, với những người có trách nhiệm với ngành GD thì phải suy ngẫm đằng sau tâm lý thích thi môn học dễ đạt điểm cao của học sinh. Tâm lý này đã phần nào phản ánh khía cạnh tiêu cực của nền GD Việt Nam.
Dù Bộ GD-ĐT đã và đang đẩy mạnh phong trào “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”, nhưng với lối thi cử hiện nay thì trên thực tế là tạo cho giới trẻ một động cơ học tập sai lầm. Đó là học để đi thi, thi để lấy điểm. Vì thế mà nhiều phụ huynh tất bật lo cho con em học đến nỗi bắt buộc phải cho học thêm và hệ quả là tình trạng học thêm-dạy thêm tràn lan không thể kiểm soát được, học sinh học ngoài giờ, học cả thứ Bảy, Chủ nhật, học đến mụ đầu, ảnh hướng đến sự phát triển thể lực và trí lực của thế hệ trẻ.
Nếu nền GD còn tiếp diễn theo lối đào tạo, thi cử như vậy thì có nghĩa là tự hạ thấp mục tiêu đào tạo và gây ra một động cơ học tập sai lầm, làm cho thui chột lý tưởng, hoài bão cao đẹp, niềm đam mê phát huy sở trường của lớp trẻ.
Cần xóa bỏ quan điểm môn chính, môn phụ
PV: Việc cán bộ lãnh đạo thuộc Bộ GD-ĐT giải thích năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT không có môn Lịch sử là do bốc thăm ngẫu nhiên theo xác suất chứ không phải là do Bộ “lo sợ” học sinh thi môn học này sẽ có nhiều điểm 0. Ý kiến của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?
Giáo sư Phan Huy Lê: Việc cán bộ lãnh đạo thuộc Bộ GD-ĐT giải thích như trên có phần đúng vì theo quy chế của Bộ GD-ĐT đưa ra, ngoài 3 môn chính là: Văn, Toán, Ngoại ngữ thì 3 môn còn lại sẽ phải bốc thăm theo xác suất.
Tuy nhiên, điều tôi muốn đề cập là từ sự kiện này đã bộc lộ thêm một yếu kém nữa của ngành GD trong việc đối xử với các môn học ở bậc phổ thông. Theo tôi, ở bậc phổ thông, không nên phân biệt môn học chính và phụ.
Trong hệ thống giáo dục phổ thông, môn nào cũng có vị trí của nó và đều cần thiết cho yêu cầu giáo dục phổ thông. Nhưng điều quan trọng là phải phân biệt chức năng của các môn học, trong đó phải quy định rõ có những môn học cơ bản, mang tính bắt buộc, không thể có năm thi, năm không được.
Trong hai năm nay, đóng góp vào dự thảo Đề án đổi mới cơ bản và toàn diện nền GD Việt Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD-ĐT đề ra, rất nhiều nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử, giáo viên đều kiến nghị cần phải nhận thức lại vị thế môn học ở trường phổ thông, trong đó có quy định về các môn học cơ bản, bắt buộc.
Ban Tuyên giáo Trung ương đã đưa quan điểm này vào trong dự thảo Đề án, Bộ GD-ĐT chưa đưa quan điểm này vào nhưng không bao giờ chống lại. Tuy nhiên, rất tiếc là cho đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chưa quyết định. Như vậy là quá chậm chễ.
Mặc dù đổi mới cơ bản và toàn diện nền GD Việt Nam là quá trình thực hiện lâu dài và đến năm 2015, chúng ta mới viết lại sách giáo khoa. Tuy nhiên, điều gì đúng và cấp thiết thì phải thực hiện ngay, chứ không thể chờ nghiên cứu mãi như thế này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả và chất lượng giáo dục.
Hiện nay, vị thế của môn Sử trong nền GD phổ thông đang bị coi là môn học phụ, nhiều nhà giáo nói là môn học bị coi thường nhất. Một sự đối xử như vậy thì làm sao đòi học học sinh yêu thích và hứng thú đối với môn học. Đây là một sai lầm rất nghiêm trọng. Điều này sẽ ảnh hưởng tới yêu cầu giáo dục thế hệ trẻ.
Các nước tiên tiến trên thế giới đều coi môn Sử cùng với môn Văn, Toán, có nước thêm Ngoại ngữ hay Tin học là những môn học cơ bản, bắt buộc trong nền giáo dục phổ thông. Chúng ta thử hình dung, các em lớn lên, trở thành công dân hoạt động trên các lĩnh vực của xã hội mà không biết hay biết lờ mờ, thậm chí sai lệch về quá khứ của Tổ tiên và các nền văn minh tiêu biểu của nhân loại thì sẽ hành xử như thế nào trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo ý kiến của tôi, Bộ GD-ĐT không nên bốc thăm các môn cho kỳ thi tốt nghiệp. Bởi vì giáo dục có phải là thi bóng đá đâu mà bốc thăm. Sự bốc thăm mang tính xác xuất hoàn toàn không phù hợp với việc quyết định đầy trách nhiệm về các môn thi tốt nghiệp. Ngoài những môn cơ bản bắt buộc phải thi, các môn khác cần cân nhắc lựa chọn hoặc ít nhất là luân phiên đưa vào các môn thi một cách công bằng.
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, thế hệ trẻ Việt Nam hiểu biết lịch sử các nước khác còn hơn nước mình. Giáo sư suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Giáo sư Phan Huy Lê: Việc các bạn trẻ hiểu biết lịch sử các nước khác nhiều hơn lịch sử trong nước chủ yếu là thông qua phim ảnh. Điều đó không đáng trách vì các bạn trẻ biết nhiều về lịch sử các nước càng nhiều càng tốt và đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, điều đáng suy ngẫm là tại sao chúng ta không có được các phương tiện thông tin đại chúng để góp phần phổ biến những kiến thức về lịch sử, giáo dục lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ. Điều đáng tiếc là cho đến nay, chúng ta chưa có được những bộ phim, cuốn tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn, thu hút sự quan tâm về lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ.
Đến lúc nền giáo dục phải có cuộc cải cách toàn diện và triệt để
PV: Tình trạng học sinh chán ghép học sử và những cảnh báo về việc đào tạo cũng như chất lượng giảng dạy môn học này đã được báo chí đề cập đến nhiều lần nhưng vẫn chưa được cải tiến là bao. Theo Giáo sư, chúng ta cần làm gì để thế hệ trẻ không quay lưng lại và yêu thích môn Lịch sử?
Giáo sư Phan Huy Lê: Mặc dù nền GD Việt Nam đã có một số cải tiến nhưng vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Theo tôi, đã đến lúc, nền giáo dục phải đổi mới cơ bản và toàn diện mà thực cất là cuộc cải cách toàn diện và triệt để.
Những khuyết tật của nền giáo dục đã bộc lộ rõ ràng và mang tính hệ thống nên những cải tiến bộ phận không thay đổi được toàn cục. Rất tiếc là công việc nghiên cứu và đề xuất một chương trình cải cách như vậy được toàn xã hội quan tâm, được nhiều nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước đóng góp, nhưng triển khai quá chậm. Việc cải cách môn sử không thể tách rời khỏi công việc cải cách toạn bộ nền giáo dục.
Riêng về môn Sử, theo tôi, không chỉ riêng ngành GD mà toàn xã hội cần nhận thức lại vị thế của nó cho đúng. Vấn đề cốt lõi là cần xác định dạy Sử và học Sử nhằm mục tiêu gì, từ đó, xác định dạy những gì. Lịch sử mênh mông, cần chọn lọc những tri thức cần trang bị cho học sinh và vốn tri thức đó cần thấm vào tâm trí học sinh, góp phần tạo nên những phẩm giá và năng lực của lớp trẻ.
Học sử tuyệt đối không phải là học thuộc lòng các năm tháng, sự kiện, tên tuổi nhân vật cùng với những con số khô cứng…, mà là hiểu biết một cách thông minh những diễn tiến cơ bản của lịch sử, thấm nhuần một cách hứng thú những giá trị tiêu biểu của lịch sử và văn hóa, xây dựng tư duy Sử học…
Do đó, dạy Sử không phải là sự truyền đạt kiến thức một chiều, càng không phải là áp đặt những khuôn sáo có sẵn… mà là sự đối thoại hai chiều giữa thày, cô giáo với học sinh để lớp trẻ đi vào môn sử một cách năng động, thích thú, thoải mái… Tôi biết một số thày, cô giáo đã có nhiều cố gắng cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng này nhưng còn ít ỏi quá.
Muốn thay đổi nội dung sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy thì tất nhiên cần xây dựng lại chương trình môn Sử bậc phổ thông. Phương pháp giảng lại liên quan đến hệ thống các trường sư phạm đào tạo giáo viên dạy dạy Sử. Đây rõ ràng là một hệ thống liên hoàn mà trong cuộc cải cách giáo dục phải nghiên cứu và giải quyết toàn bộ.
Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi một cuộc cải cách lớn như vậy thì khi phát hiện những cái gì sai sót, bất cập đã rõ ràng, ngành GD cần có giải pháp khắc phục ngay, không nên chờ đợi quá lâu.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!
Theo Vov.vn

'Bài học sớm nhất trong lịch sử Việt Nam là bài học cảnh giác'

'Bài học sớm nhất trong lịch sử Việt Nam là bài học cảnh giác'


Đại biểu QH Dương Trung Quốc đã nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng nay 30/5.

Cũng trong buổi sáng nay, khá nhiều vị đại biểu quen thuộc đã đăng đàn, với nhiều lo ngại về tình hình mọi mặt của đất nước, dù cũng đồng tình với một số đánh giá tại báo cáo của Chính phủ.

Sang năm vừa đúng 40 năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam


ĐB Dương Trung Quốc chuyển lời của những người làm công tác sử học tới Chính phủ: “Sang năm vừa đúng 40 năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam (1974) và 35 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979), Chính phủ nên chỉ đạo sinh hoạt chính trị thế nào để ghi nhận lịch sử dân tộc một bài học sâu sắc về chiến tranh, cũng là bài học về hòa bình. Chỉ có thấm nhuần những bài học về lịch sử thì mới bảo vệ vững chắc được chủ quyền và giữ gìn hòa hiếu lâu bền với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”.

Các bản báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội vào mỗi kỳ họp cách nhau 6 tháng tựa như bản chẩn bệnh định kỳ sức khỏe quốc gia, đồng thời cũng là của Chính phủ, để vạch ra các liệu pháp chữa trị. Là người có cơ hội theo dõi các bản của Chính phủ nhiều năm qua, tôi nhận thấy là có căn bệnh kéo dài lâu mà chưa khắc phục được, dường như đã trở thành mãn tính, đó là căn bệnh quan liêu với sự tăng phì bộ máy biên chế; hay căn bệnh đầu tư dàn trải, tạo ra gánh nặng ngân sách và lãng phí lớn. 

Có những căn bệnh mới phát sinh nhưng ngày càng tỏ ra ác tính như nợ công, nợ xấu. Trong báo cáo của Chính phủ mới chỉ coi trọng liệu pháp tâm lý, các báo cáo thường mở đầu với thành tựu sau đó mới là hạn chế, thiếu sót, trách nhiệm và giải pháp… tất cả được nối bằng các liên từ ‘tuy nhiên’ như một tất yếu để làm an lòng người.
ĐB Quốc hội Dương Trung Quốc.
Nói như vậy tôi hoàn toàn không có ý định phủ nhận mà trái lại rất quan tâm đến những khó khăn khách quan mà Chính phủ đang phải đương đầu và nỗ lực đối phó với những tiêu cực tác động rất nặng nề có tính kinh tế lớn đã khủng hoảng kéo dài cùng những thách đố do hoàn cảnh chính trị. 

Chúng ta núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển với một nước Trung Hoa đang trỗi dậy, nhưng luôn gợi lại những bài học quá khứ của ông cha ta phải đương đầu. Nói cách khác đó là căn bệnh thời khí không thể không tính đến nếu muốn thân thể quốc gia cường tráng, đủ sức chịu đựng những thách thức của thời đại. 

Sự ví von này không ngoài mục đích nhắc nhở rằng, sức khỏe của quốc gia không thể chỉ quan tâm ngắn hạn và một khi không chữa trị sớm thì dễ bùng phát vào cùng một thời điểm mà không lường trước được, đe dọa sự an nguy của quốc gia.
Liệu pháp an thần không phải là không cần thiết, vì nó giúp chúng ta bình tĩnh xử lý các tình huống, nhưng nếu chỉ như thế thì căn bệnh không thuyên giảm và nguy hiểm hơn hết là mất đi ý thức cảnh giác là điều rất quan trọng.

Vì thế, xin đề cập tới một lĩnh vực mà lâu nay sinh hoạt Quốc hội ít đề cập tới, đó là vấn đề ngoại giao và quốc phòng, ít xuất hiện trong các chương trình nghị sự chung của Quốc hội và cũng thường được trình bày thoáng qua trong báo cáo của Chính phủ.

Đây là đúng là hai vấn đề hệ trọng và nhạy cảm, đòi hỏi phải có một phương thức tiếp cận đặc thù, nhưng nó lại là vấn đề an nguy của quốc gia và toàn thể quốc dân. 

Do vậy, ĐB Quốc hội không thể bỏ qua và phó mặc, mặc dầu vẫn nuôi lòng tin tưởng những nhà lãnh đạo sáng suốt, nhưng chắc chắn niềm tin ấy có những lý do để không còn như trước nữa.
Đọc báo cáo Chính phủ lần này và về những vấn đề này, vẫn là những dòng chữ ít thay đổi với các báo cáo trước như: “Về chủ quyền lãnh thổ quốc gia vẫn được bảo đảm, quan hệ và vị trí quốc gia trên chính trường quốc tế vẫn được củng cố. 

Chính phủ đã làm gì để góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân

Đảng và Chính phủ vẫn quan tâm và kiên quyết  trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, tăng cường tiềm lực quốc phòng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân…”. 

Không ai không biết đến những nỗ lực ấy của Chính phủ và lo lắng cho Chính phủ đang phải ứng phó với một trách nhiệm rất nặng nề. Nhưng điều đáng nói là một nền quốc phòng toàn dân không thể chỉ dựa vào ý chí của nhà nước, nếu nó không nhận được sự đồng thuận của nhân dân, đó là bài học lịch sử.
Chúng ta phải nhớ đến hội nghị Diên Hồng thời Trần, đến hội thề Lũng Nhai thời Lê, đến những câu chuyện đã trở thành kinh điển trong ứng xử với dân và với nhau của những nhà lãnh đạo quốc gia… chỉ nhằm xây dựng sức mạnh đoàn kết vua tôi đồng lòng, vững chí đồng tâm hay thực hiện những nguyên lý của thời hiện đại là ý Đảng lòng dân, là làm cho người dân tín tâm đối với những người lãnh đạo đất nước. 

Và có một tổng kết lịch sử cụ Hồ đã nói: Khi nhà nước chưa độc lập không được phép lãng quên, lịch sử dạy ta điều này, đoàn kết chúng ta giữ được nước, mất đoàn kết thì chúng ta mất nước. 

Từng coi đó là thước đo cho sự an nguy của xã hội, của xã tắc, báo cáo của chính phủ dường như ít quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ đã làm gì để góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đó có thể là câu hỏi mà tôi  chất vấn Thủ tướng nếu có cơ hội trong thời gian sắp tới”, ông Quốc cho hay.
Xin Chính phủ đừng nhìn vào những cái vĩ mô, đại cục diễn ra trên bàn hội nghị, những lời tuyên bố hay kể cả văn bản ký kết. Xin Chính phủ hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến những việc tưởng nhỏ nhưng không nhỏ, thí dụ như phản ánh mới đây trên truyền hình mới đây về tình trạng nhiều năm nay tại tỉnh Quảng Ngãi dân vào rừng, lên nương, chặt cây Trâm – là loại cây thân gỗ, có bộ rễ giữ nước cho rừng cho đất, bán cho người Trung Quốc. 

Chính quyền bắt được không chế tài xử phạt nên chỉ phạt vận chuyển cồng kềnh rồi cho đi. Mất cây, đất không giữ được nước bị bạc màu, dân khổ. Trong trường hợp này bảo dân tham dân dại cũng không phải sai, nhưng Nhà nước để dân nghèo mà không chỉ bảo cho dân và không có chế tài xử phạt thì lỗi chính thuộc về Nhà nước. Có biết bao nhiêu hiện tượng tương tự mà chắc rằng các vị ĐB Quốc hội có mặt tại đây đều có thể chứng kiến tại địa phương của mình. Và bài học sớm nhất trong lịch sử nhà nước Việt Nam ai cũng biết đó là “bài học cảnh giác”.
Cuối cùng, ĐB Dương Trung Quốc chuyển lời của những người làm công tác sử học tới Chính phủ: “Sang năm vừa đúng 40 năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam (1974) và 35 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979), Chính phủ nên chỉ đạo sinh hoạt chính trị thế nào để ghi nhận lịch sử dân tộc một bài học sâu sắc về chiến tranh, cũng là bài học về hòa bình. Chỉ có thấm nhuần những bài học về lịch sử thì mới bảo vệ vững chắc được chủ quyền và giữ gìn hòa hiếu lâu bền với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”.
Theo Giáo dục Việt Nam

Kiến thức sách lịch sử 'sai lâu mặc nhiên thành đúng'

Kiến thức sách lịch sử 'sai lâu mặc nhiên thành đúng'


“Sách lịch sử dạy học trò sai nhiều lắm. Nhiều đến mức tôi phát xấu hổ, không đọc nổi. Người ta  nhờ tôi nhận xét, nhưng nhiều lỗi quá thì làm sao mà chấp nhận được.  Có thể nói, sách giáo khoa phổ thông viết sử rất tào lao, tầm bậy, mắc lỗi rất nhiều, sai từ nhỏ đến lớn. Nhất là bậc  phổ thông cơ sở trở lên, đụng đâu sai đó”- ông nói.
Nỗi lo “sai lâu mặc nhiên thành đúng”
Nhà sử  học này đã không thể kể ra hết những lỗi thường gặp, đơn giản vì... quá nhiều lỗi.  Nhưng điều ông quan tâm trước tiên chính là nỗi lo nếu “sai lâu ngày sẽ mặc nhiên thành đúng”. Ông cũng từng có bài viết chỉ ra những cái sai này, nhưng hầu như bị chìm trong quên lãng. 
“Ví dụ, nếu cắm mốc ở Năm Căn thì chẳng lẽ ta quên hết biển đảo ở xung quanh mũi Cà Mau hay sao? Nơi cắm cột mốc phải là nơi giáp ranh giữa nước này, nước kia, mà tại sao chúng ta không công khai những vị trí, địa điểm cụ thể từng nơi một để cắm mốc?” - ông nói. 
Tương  tự, mới đây, không ít NXB đã bị kiểm thảo vì in sách tham khảo và các loại sách khác  sử dụng minh họa bản đồ quốc gia thiếu quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đến đây thì chuyện sai sót trong sách sử giáo khoa không nằm trong giới hạn trường học nữa rồi.
Nói như thế để thấy là nhiều sai sót trong sách giáo khoa, trong sách tham khảo, nhưng người học thì không phải ai cũng phát hiện ra. Sách giáo khoa thì còn có cơ hội đính chính, bổ sung, sửa chữa, nhưng loại sách tham khảo do các công ty liên kết xuất bản thì gần như không kiểm soát nổi. 
Mới đây, một học sinh lớp 3 ở quận Tân Bình (TPHCM) phát hiện ra kiến thức lịch sử bị sai lệch trong vở luyện từ và câu lớp 3, tập 2. Trong cuốn vở in chữ sẵn để học sinh luyện chính tả, thì ở trang 5 có đoạn nhầm lẫn lớn giữa hai danh nhân lịch sử - Ngô Quyền và Lý Thường Kiệt. Em học sinh đã thắc mắc vì sao ở đây có chuyện “Lý Thường Kiệt dùng kế chôn cọc gỗ đầu bịt  sắt  nhọn dưới sông Bạch Đằng” để... tiêu diệt quân Nam Hán (!?).
Trong bìa cánh của 2 tập “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn.
Đây là loại sách được nhà trường mua rồi phát cho học sinh. Cuốn vở này do NXB Hà Nội phát hành, in tại Cty CP in và vật tư Hải Dương, nộp lưu chiểu tháng 5.2012. Nhóm tác giả biên soạn gồm: Lê Ngọc Điệp (chủ biên), Lê Hữu Tỉnh, Xuân Thị Nguyệt Hà, Nguyễn Trí Dũng và Mai Nhị Hà. Cho dù đối tác thanh minh thế nào, thì chuyện nhầm lẫn hài hước này là một cái tát với những người yêu sử nước nhà.
Hiếm thấy lời xin lỗi
Viết sai, nhưng việc có lời xin lỗi đối với độc giả, học sinh và cộng đồng xã hội lại rất hiếm khi xảy ra. Mà khi xin lỗi rồi, nhiều người vẫn né trách nhiệm xử lý tiếp theo, thường đổ tội cho đơn vị liên kết (còn NXB cấp giấy phép thì không phải chịu trách nhiệm gì). 
Một chuyện khá hy hữu nữa là vừa qua, dư luận râm ran khi độc giả phát hiện ra hai NXB (Trẻ và Hồng Bàng)  in nhầm hình của Lê Quý Đôn thành ra Nguyễn Trãi trong bìa cánh của 2 tập “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn. Mặc dù NXB đã thu hồi để chỉnh sửa, nhưng vẫn để lọt khoảng 40 cuốn ra thị trường. 
Vậy nên, độc giả còn phát hiện thêm tên dịch giả bị in sai. NXB Trẻ đã có động thái xin lỗi độc giả và  coi đó là tai nạn nghề nghiệp: “Lỗi sai này cực kỳ nghiêm trọng, chúng tôi thật lấy làm xấu hổ về điều này. Ban giám đốc NXB Trẻ và toàn thể nhân viên cúi đầu nhận lỗi và xin lỗi bạn đọc”. Họ cũng đã thu hồi sách để chỉnh sửa, cũng như hoàn trả lại tiền cho độc giả nào lỡ mua sách sai.
Tuy nhiên, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần nhận định, bản dịch tập “Kiến văn tiểu lục” nói trên cũng nhiều lỗi sai, chưa hoàn chỉnh, trong khi có những bộ sách toàn tập về Lê Quý Đôn hoàn chỉnh khác mà sao các NXB lại không tái bản. (Đặc biệt, chính ông đã biên dịch, chú giải trọn bộ “Lê Quý Đôn tuyển tập” một cách xuất sắc và từng đoạt giải thưởng cũng như được trao kỷ lục về người có tác phẩm dịch đồ sộ và có giá trị lịch sử nhất - NV).
Có thể, các NXB và các đối tác liên kết chỉ muốn in lại bản dịch của những tác giả đã mất để giảm phí trả tác quyền. Nhưng họ lại quên mất một điều - đó là chất lượng tác phẩm chưa được kiểm chứng sau  một thời gian dài. 
Hoặc giả, “đổi tên” tác giả biên dịch thì con cháu chẳng ai còn biết mà đến nhận nhuận bút. Hơn thế nữa, nguyên nhân có nhiều sai sót trong sách sử giáo khoa nói riêng và sách sử nói chung- cũng theo ông Thuần, là vì người tổ chức biên soạn đã trao nhầm đề tài cho những người không đủ năng lực, dù có thể họ có những chức danh như TS, PGS...
Theo Lao động

Học sinh xé đề cương môn Sử: Góc nhìn của những chuyên gia


“Chưa bao giờ môn Lịch sử lại bị rẻ rúng đến thế"
Trao đổi với PV, nhà sử học Dương Trung Quốc - tổng thư ký Hội sử học Việt Nam, ĐBQH khóa XIII, thẳng thắn nhìn nhận: “Hiện nay, việc dạy và học môn Sử trong nhà trường phổ thông còn có quá nhiều hạn chế. Không chỉ thế, việc biên tập nội dung sách giáo khoa Lịch sử để sử dụng cho việc dạy và học cũng chưa thực sự hợp lý”.
Ông Quốc ‘bắt bệnh’: “Hành động hàng trăm học sinh xé đề cương môn Lịch sử vì môn này không có trong danh sách thi tốt nghiệp phổ thông năm nay là một điều đáng buồn. Nó thể hiện rõ thực trạng của việc dạy và học sử trong nhà trường hiện nay. Chưa bao giờ môn Lịch sử lại bị rẻ rúng đến thế".
"Tuy nhiên, tôi cũng không quá ngạc nhiên với hành động này, bởi nguyên nhân sâu xa của vấn đề vẫn là do giáo dục, cụ thể là do áp lực thi cử mà ra. 
Do cơ chế thi cử nặng nề, thay vì học thực chất, học theo đúng nghĩa để lấy kiến thức thì học sinh chỉ học để đối phó với thi cử: Học để thi, không thi thì không học. Mà tôi nghĩ không chỉ môn Lịch sử mà môn nào cũng vậy, ngoại trừ một số môn bắt buộc phải học để thi đại học, cao đẳng sau này”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội sử học Việt Nam, ĐBQH khóa XIII
Nhà sử học Dương Trung Quốc còn cho rằng: “Cũng không thể trách học sinh hay đổ hết trách nhiệm cho các thầy cô giáo dạy Sử bởi nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do áp lực cơ chế thi cử mà ra - hạn chế vẫn đang tồn tại hàng mấy chục năm qua của ngành giáo dục, chưa được giải quyết dứt điểm”.
Cũng theo nhà sử học Dương Trung Quốc, đây sẽ là một trong những vấn đề mà ông sẽ đưa ra thảo luận trong kì họp Quốc hội sắp tới.
“Đó chỉ là trạng thái dễ hiểu của tâm lý học trò”
PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), lại cho rằng, đây chỉ là hành động bột phát của tuổi trẻ, học sinh mừng quá, vui quá, hò reo. Đó là trạng thái dễ hiểu của tâm lý học trò chứ không nên quy kết như thế là vô ơn, coi thường môn Sử.
PGS bày tỏ quan điểm: “Nếu tôi là một giáo viên dạy Sử, tôi cũng buồn nhưng tôi nhìn nhận đây là tâm lý bốc đồng, bầy đàn, hò hét của học sinh. Tôi nghĩ không gì đáng cáu giận hay quá đáng. Và mình không nên đánh giá đây là chứng cớ để thấy môn Sử bị coi nhẹ, không được tôn trọng… Tôi không cho đó là thảm kịch như nhiều người nói”.
“Đó chỉ là hiện tượng 1 trường, không phải tất cả, tôi không đánh giá cao ý kiến đó là hành động chứng tỏ thêm về thực trạng dạy và học môn Sử ở nước ta. Hơn nữa, theo trần tình của thầy hiệu trưởng thì không phải là toàn bộ tài liệu môn Sử và đó chỉ là đề cương của nhà trường, thầy cô chứ không phải SGK Sử hay tài liệu ôn tập của Bộ Giáo dục. Mình chỉ đáng trách hành động ý thức kém của học trò khi ném giấy ra sân trường chứ không nên nghiêm trọng hóa vấn đề”, thầy Cương thẳng thắn nói.
PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội)
Thầy Cương dẫn chứng, cách đây 10 năm, một trường phổ thông ở Hà đông, vài em còn ném bàn ghế từ tầng 3 xuống sân trường nhân ngày tốt nghiệp ra trường. Thầy cho rằng, đó là hành động đáng phê phán nhưng không nên quy kết rằng học sinh đó ghét trường, ghét thầy cô hay vấn đề khác.
Về vấn đề này, thầy Văn Như Cương cho biết, nhà trường nên ngăn chặn để không xảy ra hiện tượng này nữa. Nhưng mình chỉ nên cảnh cáo mức nhẹ, khuyên nhủ chứ không nên kỷ luật để tránh ảnh hưởng đến việc ôn thi của các em gây ảnh hưởng tâm lý.
Không hoàn toàn lỗi của học sinh
Theo PGS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thì: “Việc học sinh xé đề cương ôn thi môn Sử là đáng trách bởi đó là hành động thiếu tôn trọng môn học nhưng đó không hoàn toàn là lỗi và quy toàn bộ trách nhiệm cho học sinh”.
Mở rộng vấn đề, theo ông Nhĩ thì lý do không thể trách học sinh chính là bởi nền giáo dục hiện nay dạy học sinh thi môn nào mới học môn ấy. Đây là lỗi căn bản của cả hệ thống.
“Việc chúng ta cần phải làm là nhìn nhận lại cách đánh giá học sinh từ trước đến nay của nền giáo dục. Cần kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá thời điểm, nghĩa là đánh giá kết quả học tập cả 3 năm học phổ thông và cả kỳ thi tốt nghiệp THPT. 
Nếu đánh giá cả quá trình thì học sinh phải tạo cho mình thói quen học tập và trau dồi không nghỉ, không đánh giá môn phụ, môn chính, những học sinh lười nhác thì phải chăm chỉ hơn, cố gắng hơn”, PGS Trần Xuân Nhĩ đề xuấ
Không thi tốt nghiệp môn Sử là sai lầm
Nhà sử học Lê Văn Lan: “Theo tôi, việc bỏ môn Sử ra khỏi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông là một sai lầm. Lẽ ra một môn học cần thiết như môn Sử cần phải được Bộ GD&ĐT quan tâm hơn nữa, đằng này bỏ môn Sử ra khỏi kì thi tốt nghiệp thì việc học sinh xé đề cương môn Sử cũng không khiến tôi quá lạ”.
Buồn rầu khi xem clip này, thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên dạy chuyên Sử hơn 20 năm Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu  (Nghệ An) bày tỏ: “Là một người dạy Sử, tôi thấy đau lòng về ý thức thiếu tôn trọng của học sinh đối với môn Sử, với lịch sử và với thầy cô dạy Sử”