Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

Giảm tải nội dung sách giáo khoa, đừng vội mừng

Giảm tải nội dung sách giáo khoa, đừng vội mừng


QĐND Online – Đã nhiều lần Bộ GD - ĐT tổ chức thực hiện cải cách nội dung chương trình sách giáo khoa (SGK) các cấp. Tuy nhiên, các chương trình SGK hiện tại vẫn đang tạo ra gánh nặng học tập cho học sinh và tạo áp lực lên các thầy cô giáo. Do đó, một văn bản hướng dẫn chính thức về việc giảm tải chương trình SGK là chủ trương được đông đảo dư luận ủng hộ.
Bản dự thảo chỉ được đưa ra lấy ý kiến đúng 2 tuần trước ngày khai giảng cho cả ba cấp học và mãi đến khi học sinh đã bước vào năm học được 3 tuần thì văn bản hướng dẫn mới về tới tay các thầy cô giáo. Cả giáo viên, học sinh và phụ huynh dù rất mong chờ vào hiệu quả của nội dung giảm tải nhưng đều không vội mừng khi đón nhận.
Thận trọng chờ kết quả học tập
Đã bước vào năm học mà văn bản hướng dẫn về việc giảm tải chương trình SGK được áp dụng chính thức từ năm học này chưa thấy đâu. Có trường đã chủ động tham khảo trước nội dung ở bản dự thảo để khi nhận được là có thể tiến hành triển khai ngay mà không bị lúng túng.
Thầy Nguyễn Văn Vũ, Hiệu trưởng trường THCS Thăng Long cho biết: đây là năm đầu tiên thực hiện giảm tải một cách chính thức. Trước đó, trong quá trình giảng dạy giáo viên đã phản ánh nhiều lần về việc nội dung kiến thức quá nặng đối với học sinh. Khi giảng dạy, những phần không trọng tâm giáo viên cũng chỉ dạy lướt qua. Do đó, dù không được tập huấn cho việc sử dụng hướng dẫn mới, giáo viên vẫn có thể triển khai ngay.
Ở bậc THCS, Bộ GD-ĐT điều chỉnh 13 môn học. Có nhiều bài, một phần được cắt bớt. Một số nội dung quá khó, trùng lặp, không gần gũi và không cần thiết với học sinh, không phù hợp với thực tế cũng được điều chỉnh như: môn văn có gần 20 bài được chuyển sang phần đọc thêm, bốn bài không dạy, nhiều phần kiến thức, yêu cầu đối với học sinh được giảm bớt. Tương tự, môn lịch sử có 20 bài không dạy và chuyển sang đọc thêm, nhiều bài khác giảm bớt yêu cầu, kiến thức.
Một giáo viên trường THCS Thăng Long cho biết: nếu chương trình giảm tải này được đưa ra sớm hơn thì sẽ giảm bớt những bất cập và khó khăn cho giáo viên cũng như học sinh. Chẳng hạn môn Vật lý và Kỹ thuật nông nghiệp, cần có nội dung dạy học phù hợp với học sinh nông thôn và thành thị. Những kiểu mắc điện thủ công theo “truyền thống” giờ đã không phù hợp với hệ thống điện chạy ngầm hiện nay. Hay như học sinh thành phố thích hợp với học kỹ thuật chăm sóc cây cảnh, hệ thống thủy canh trồng cây trong hộp xốp thay vì học kỹ thuật trồng lúa…
Do những kiến thức có tính liên thông giữa các khối trong cấp học nên các tổ bộ môn đã thảo luận để đưa ra chương trình giảng dạy cho phù hợp. Việc thực hiện đúng theo hướng dẫn thì sẽ không sợ sự “lệch pha” giữa các trường khi học sinh theo học lên cấp cao hơn.
Hầu hết giáo viên đều thấy vui mừng vì ý kiến đóng góp của mình đã được quan tâm. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào bản hướng dẫn giảm tải để đánh giá hiệu quả sẽ không khách quan, mà phải qua thực tế giảng dạy mới có thể thấy những nội dung giảm tải đó đã hợp lý hay chưa. Tất cả vẫn đang chờ vào kết quả học tập của học sinh. Giữa học kỳ 1, nhà trường sẽ tiến hành lấy ý kiến để phản hồi lên cấp trên, thầy Vũ cho biết thêm.
Điều chỉnh nội dung dạy học để học sinh nắm những chuẩn kiến thức kĩ năng, phù hợp với thời lượng dạy học và năng lực tiếp thu

Giảm tải thế nào cho hợp lý?
Giảm tải tập trung vào 5 nhóm nội dung chính: giảm tải những kiến thức được viết trong chương trình-sách giáo khoa để dạy học ở nhiều môn khác nhau (như cùng một kiến thức đó được dạy ở cả môn sinh học, môn hóa học, công nghệ…); những nội dung trùng lặp dạy cả ở lớp dưới và lớp trên (do chưa lường hết hạn chế của cách xây dựng chương trình, sách giáo khoa theo quan điểm đồng tâm. Ví dụ cùng là bài hàm số bậc nhất và bậc hai đều có trong toán lớp 10 và cả trong chương II, đại số lớp 9); những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh (ở cấp tiểu học, không yêu cầu học sinh xây dựng tiểu phẩm khi học môn đạo đức); các kiến thức mang đặc điểm địa phương; những bài học trước đây sắp xếp chưa hợp lý nay sẽ được sắp xếp lại.
Thầy Hùng Mạnh, giáo viên một trường THPT ở quận Ba Đình nhận xét: đừng mừng vội vì giáo viên và học sinh đã bị hố bao phen với giảm tải. Những lần giảm tải trước đây có nhiều điều cần xem lại. Chỗ cần thì không, còn chỗ không thể thì lại giảm (thiếu những kiến thức đó học sinh không thể giải bài tập nên giáo viên bắt buộc phải dạy, mặc dù trong phần giảm tải). Ví dụ phần tìm điểm uốn (giải tích 12) nếu không dạy thì học sinh không thể vẽ đồ thị hàm bậc ba có đạo hàm vô nghiệm nên bắt buộc giáo viên phải dạy. Trong khi nếu giảm tải nội dung tìm điểm uốn thì phải giảm tải khảo sát hàm bậc ba có đạo hàm vô nghiệm nhưng SGK không hề giảm tải phần này.
Cô Phạm Thảo, giáo viên trường THCS Lê Lợi chia sẻ: Dạy học được 2 tuần, giáo viên mới nhận được văn bản hướng dẫn nên lúng túng không biết báo bài như thế nào.
Ở khối THCS, chương trình lớp 7 là nặng nhất. Việc giảm tải nhiều những nội dung lớp 6, lớp 7 là hoàn toàn hợp lý. Lớp 8 và 9 hầu như không giảm. Điều chưa hợp lý là dù đã giảm nhưng chương trình vẫn quá khó so với nhận thức của học sinh. Mới lớp 7, thay vì những bài văn miêu tả trực quan sinh động, học sinh đã phải học văn nghị luận hay học những bài hán văn cổ, mà ngay cả nghĩa của những từ hán đó nhiều phụ huynh còn không biết. Để học sinh hiểu được hán văn cổ, giáo viên bắt buộc phải giới thiệu về nền văn học trung đại (trong nội dung giảng dạy không có); trong 45 phút học sinh phải “ngốn” hai bài thơ tứ tuyệt, vốn ít chữ, nhiều nghĩa…
Nếu học một tiết mà trẻ về làm được bài ngay thì đã không phải là trẻ, chúng cần “văn ôn, võ luyện” thì kiến thức mới đi vào đầu được. Với chương trình văn học lớp 8, chỉ có 3 tiết ôn tập cuối kỳ, 4 tiết luyện tập (2 tiết luyện nói, 2 tiết luyện viết) và bắt buộc phải có 5 bài kiểm tra. Học sinh về nhà nếu không làm bài, đến lớp cô buộc phải dành thời gian để các em làm bài hay tăng cường kiểm tra bài, tạo áp lực để học sinh học bài ở nhà; đó là chưa kể những phát sinh khi các em mất trật tự… Vậy là để không “cháy” giáo án, những tiết luyện tập bắt buộc trở thành tiết dạy. Đôi khi phải xin tiết “thừa” của các bộ môn phụ để hoàn thành giáo án… nhiều giáo viên chia sẻ.
Những điều chưa hợp lý còn thấy trong phần văn học lớp 8. Bài Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác- một tác phẩm thuộc thể loại văn học yêu nước- lại bị cắt đi. Học sinh sẽ khó có cái nhìn so sánh với văn học yêu nước thời kỳ sau này nếu chỉ tập trung học những tác phẩm lãng mạn và hiện thực. Có phần những đơn vị kiến thức na ná nhau, có thể gộp lại thì lại tách ra làm hai bài như bài Cấp độ khái quát nghĩa của từ và bài trường từ vựng …
Có nhiều nội dung ý tứ sâu xa, đòi hỏi trình độ nhận thức cao hơn mới cảm thụ được. Học sinh hiện đang cảm thụ một cách gượng ép qua hướng dẫn, gợi ý của giáo viên. Như vậy, kiến thức đọng lại trong đầu chẳng bao nhiêu.
Phụ huynh lúng túng
“Thấy con ngày nào cũng học mãi không hết bài, biết năm nay có chương trình giảm tải, chưa kịp mừng thì thấy cháu còn “oằn mình” hơn”, chị Hồng Thanh, phụ huynh một học sinh trường tiểu học Lô –mô- nô- xốp cho biết.
Lớp 4 là lớp có chương trình học nặng nhất của bậc tiểu học. Nói là chỉ dạy những kiến thức cơ bản nhưng bài tập về nhà vẫn là những bài nâng cao và quá khó đối với trình độ học sinh. Bố mẹ gần như phải làm bài tập hộ con, hoặc có giảng giải thì những kiến thức của người lớn rất khó truyền đạt để cho trẻ hiểu. Như vậy, buộc lòng phụ huynh phải nghĩ tới phương án cho con học thêm.
Chị Ngọc Diệp, phụ huynh học sinh trường THPT Yên Hòa cho biết: “Chúng tôi rất băn khoăn. Dù nhà trường nói phần giảm tải sẽ không có trong chương trình kiểm tra, nhưng nếu chỉ học những kiến thức cơ bản của chương trình THPT thì học sinh khó làm tốt bài thi đại học. Vậy giảm tải từ cấp dưới thì nội dung cấp trên cũng phải thay đổi cho hợp lý”.
Theo đánh giá, dư luận rất hoan nghênh và đón chờ nội dung giảm tải. Giáo viên, học sinh mong chờ giảm tải như “nắng hạn chờ mưa” nhưng xem ra đây mới chỉ như cơn mưa rào, làm ướt bề mặt chứ chưa “thấm” vào đâu.
Bài, ảnh: Thu Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét