Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

Lùng nhùng giảm tải


Lùng nhùng giảm tải


(Đất Việt) Chỉ đưa ra lấy ý kiến 2 tuần trước ngày khai giảng năm học 2011-2012 về điều chỉnh nội dung dạy và học, Bộ GD-ĐT đã vội vàng yêu cầu các sở GD-ĐT triển khai giảm tải cho tất cả các trường. Thế nhưng, nội dung hướng dẫn giảm tải bộc lộ quá nhiều bất cập.

Dù đã trải qua hơn bốn tuần dạy và học chính thức, thế nhưng đến nay giáo viên nhiều địa phương trên cả nước vẫn chưa thực sự tiếp cận với nội dung giảm tải.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng, giáo viên Lịch sử Trường phổ thông Nguyễn Tất Thành (thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), cho biết: “Nhìn chung giáo viên đều hoan nghênh “tinh thần giảm tải” vì vừa bớt gây áp lực cho giáo viên phải cố dạy cho hết nội dung chương trình trong thời gian có hạn, vừa giảm tâm lý căng thẳng cho học sinh khi học tập. Tuy nhiên, đến nay nhiều giáo viên “mới chỉ nghe nói” chứ chưa nhận được tài liệu hướng dẫn”.
Có chủ trương nhưng thiếu hướng dẫn
Bà Hồ Thị Bích Hồng, giáo viên môn Địa lý Trường THCS Nghi Long, huyện Nghi Xuân, Nghệ An, cho biết: Chúng tôi chỉ nghe nói thôi, chứ chưa tiếp nhận được văn bản và chưa có hướng dẫn thực hiện giảm tải. Bà Nguyễn Thị Tú Trinh, giáo viên Tiểu học Lộc Thanh (TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng), cũng cho hay: “Ở trường chúng tôi, giáo viên chưa nhận được tài liệu hướng dẫn giảm tải. Chúng tôi cũng không được mời hay gửi tài liệu để triển khai giảm tải nên không biết nội dung cụ thể của chương trình ra sao”. Cũng với một tâm trạng khá ngạc nhiên, thầy Đặng Minh Cường, giáo viên Trường THPT BC Lộc Phát (Lâm Đồng), cho biết: “Có thể trường đã có tài liệu nhưng chưa triển khai nên tôi cũng chưa biết cụ thể của việc giảm tải ra sao”.
Theo tìm hiểu, nhiều giáo viên tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, và một số tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ như Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước… việc tiếp cận được với tài liệu hướng dẫn giảm tải rất hạn chế. Chẳng hạn, theo tài liệu hướng dẫn của Bộ GD-ĐT thì các môn từ bậc Tiểu học đến THPT đều có cắt giảm. Tuy nhiên, trên website của phòng giáo dục thành phố Bảo Lộc cũng chỉ vỏn vẹn có 2 tại liệu ngắn về hướng dẫn giảm tải môn tiếng Anh THCS và môn Tập làm văn bậc tiểu học. Không chỉ tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, ngay tại TP HCM cũng có nhiều trường THPT cũng chưa triển khai giảm tải, trong đó đa phần là các trường ngoài công lập. Cụ thể tại trường THPT Bách Việt, cô Nguyễn Minh Hồng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Chúng tôi đã nhận được tài liệu hướng dẫn của sở nhưng phải chờ để họp lại đã rồi mới triển khai”.
Giáo viên bất an
Việc Bộ GD-ĐT gửi công văn kèm theo hướng dẫn giảm tải xuống sở GD-ĐT rồi tiếp tục triển khai tiếp đã góp phần làm chậm hơn trong việc thực hiện và giáo viên không được tập huấn. Cô Xuân Thanh, giáo viên môn Văn Trường THCS Ái Mộ, quận Long Biên, Hà Nội, cho biết: “Trường tôi dạy chính khóa từ 25/8, bởi vậy lớp 6 có một số bài giảm tải ở tuần 1 và 2 thì đã được dạy rồi. Hiện những bài từ chính khóa chuyển sang học thêm lại không có quy định chung về soạn giáo án, nên trong khi chờ công văn chính thức từ trên gửi xuống, chúng tôi chỉ soạn giáo án bài giảng theo tuần”.
Hơn nữa, trong khi các trường tiểu học dám mạnh tay cắt bỏ các chương trình theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT thì với các trường bậc THCS và THPT, việc cắt bỏ diễn ra khá… rụt rè. Bởi theo lý giải của các trường, rất nhiều kiến thức trong các đề thi tuyển sinh lớp 10, thi ĐH đều ở trình độ nâng cao. Do đó, nếu không cải tiến ở chính cách ra đề và chấm thi, thì dù chương trình có giảm tải cũng không được nhiều giáo viên và học sinh quan tâm. Thầy Nguyễn Ngọc Quang, GV chuyên Lý một trung tâm luyện thi ĐH tại TP.HCM, cho biết: “Phần giảm tải kiến thức năm nay ở bộ môn Vật lý lớp 11, văn bản hướng dẫn bỏ hẳn phần năng lượng tụ điện, một trong những nội dung quan trọng nhất của kỳ thi ĐH. Hay như bài Ghép các nguồn điện thành bộ, đây là những kiến thức rất cần thiết để ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống thì lại bị bỏ. Tương tự, phần con lắc đơn ở chương trình lớp 12 cũng không yêu cầu HS nắm bài tập. Như vậy, liệu các thầy cô có yên tâm giảm tải?”
Trong khi đó, Bộ GD-ĐT luôn khẳng định, mục đích của việc giảm tải chương trình sách giáo khoa là tạo điều kiện cho học sinh tiếp thu kiến thức, kỹ năng trong chương trình thuận lợi hơn và giáo viên có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét