Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Sử dụng câu hỏi, bài tập nhận thức để rèn luyện kĩ năng tự học cho học sinh trong dạy học lịch sử hiện đại Việt Nam


Sử dụng câu hỏi, bài tập nhận thức để rèn luyện kĩ năng tự học cho học sinh trong dạy học lịch sử hiện đại Việt Nam
Nguyễn Hiếu Nghĩa
         GV. Trường ĐH Bạc Liêu

Xã hội ngày nay với sự bùng nổ thông tin khoa học, công nghệ đã tác động mạnh mẽ, làm thay đổi lớn lao khắp các lĩnh vực đời sống xã hội. Các nước trên thế giới đều tập trung hướng vào việc phát triển nền kinh tế tri thức. Trong xu thế đó, đòi hỏi giáo dục phải đổi mới phương pháp dạy học để tạo ra những con người tự chủ, năng động, sáng tạo, có năng lực tiếp thu và vận dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào đời sống sản xuất, sẵn sàng thích ứng với sự phát triển của xã hội.
Để nâng cao chất lượng giáo dục thì việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng đề cao vai trò chủ thể hoạt động của học sinh trong học tập, đặc biệt là rèn luyện kĩ năng tự học để học sinh có thể chiếm lĩnh tri thức khoa học.
Có nhiều biện pháp để rèn luyện kĩ năng tự học cho học sinh, trong đó việc thiết kế, sử dụng câu hỏi,bài tập nhận thức (CH, BTNT) để rèn luyện kĩ năng tự học cho học sinh là biện pháp cần được chú ý.
1. Tầm quan trọng của việc sử dụng CH, BTNT đối với việc rèn luyện kĩ năng tự học cho học sinh trong dạy học lịch sử
Trong dạy học, việc sử dụng CH, BTNT để rèn luyện cho học sinh kĩ năng tự học một cách hợp lí có ý nghĩa rất lớn và phù hợp với xu hướng phát triển của phương pháp dạy học hiện nay. Sử dụng CH, BTNT nhằm rèn luyện kĩ năng tự học cho học sinh có những vai trò sau:
CH, BTNT là một “chương trình hành động” được vạch ra nhằm định hướng kiến thức cho học sinh tự giải quyết. Căn cứ vào những yêu cầu của bài học, GV đưa ra những CH, BTNT phù hợp cho học sinh tự học, qua việc giải quyết CH, BTNT học sinh hoàn thiện được bài học, chương trình học của mình một cách chủ động, tự lực.
CH, BTNT có tác dụng tích cực hóa người học, tạo ra tình huống khác nhau buộc học sinh phải luôn luôn ở trạng thái tư duy, muốn giải quyết vấn đề học sinh phải biết thu thập kiến thức, thông tin, xử lí thông tin và vận dụng kiến thức để giải quyết. Từng bước hình thành cho học sinh những kĩ năng tự học, tự giải quyết các vấn đề được đặt ra. Khắc phục được tình trạng dạy học giáo điều.
CH, BTNT có vai trò to lớn cho việc rút ngắn thời gian tự học, tự mài mò của  học sinh.
2. Một số yêu cầu chung và biện pháp sử dụng CH, BTNT để rèn luyện kĩ năng tự học cho học sinh trong dạy học lịch sử
* Một số yêu cầu chung khi sử dụng CH, BTNT để rèn luyện kĩ năng tự học cho học sinh trong dạy học lịch sử
Việc tự học trên lớp và tự học ở nhà có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó với nhau trong việc hoàn thiện kiến thức, kĩ năng học tập cho học sinh. Do vậy khi sử dụng CH, BTNT để rèn luyện kĩ năng tự học cho học sinh phải chú ý đến một số yêu cầu sau đây:
-  Sử dụng CH, BTNT phải tạo ra hứng thú học tập để kích thích tinh thần tự học, tạo ra động cơ ham học, mong muốn giải quyết vấn đề một cách độc lập của học sinh.
- Sử dụng CH, BTNT phải diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu để học sinh nắm bắt nhanh vấn đề được đặt ra.
- Sử dụng CH, BTNT phải đảm bảo cho người học có đủ tri thức, nguồn tư liệu để tra cứu, trên cơ sở đó học sinh có thể tự giải quyết được.
- Sử dụng CH, BTNT để rèn luyện kĩ năng tự học cho HS cần phải đa dạng về hình thức.
Đối với phần CH, giáo viên có thể sử dụng cả CH trắc nghiệm và tự luận; đối với bài tập, chúng ta có thể sử dụng cả những sơ đồ, niên biểu để góp phần rèn luyện HS kĩ năng ghi nhớ, hệ thống hóa kiến thức....
- Khi sử dụng CH, BTNT rèn luyện kĩ năng tự học cho học sinh, giáo viên phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thiện bài tập của học sinh.
* Biện pháp sử dụng CH, BTNT để rèn luyện kĩ năng tự học cho học sinh trong dạy học lịch sử
- Sử dụng CH, BTNT để rèn luyện kĩ năng chọn lọc kiến thức nhằm giải quyết các vấn đề được đặt ra.
Trong giờ lên lớp, tài liệu làm việc chính của học sinh là sách giáo khoa. Lượng kiến thức trong sách giáo khoa tuy không quá nhiều, song nếu không có kĩ năng chọn lọc thông tin để giải quyết vấn đề nhanh chóng sẽ tiêu phí rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy GV và tiếp thu kiến thức thu kiến thức của học sinh. Do đó, việc chọn lọc kiến thức sẽ giúp HS nhanh chóng xác định được kiến thức trọng tâm trả lời các CH, BTNT mà GV đưa ra.
Ví dụ: Khi dạy bài 17 (SGK-12) , mục I: "Tình hình nước ta sau Cách mạng tháng Tám năm 1945". GV đưa ra CH, Vì sao nói: "Ngay sau khi thành lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ở vào thế "ngàn cân treo sợi tóc"?
Sau khi đưa ra CH, GV định hướng cho HS đọc SGK trang 121 - 122 (SGK -12)  nhanh chóng  chọn ra các thông tin để trả lời. GV có thể đưa ra những CH gợi ý:
Những khó khăn về đối ngoại như thế nào? Những khó khăn về đối nội như thế nào?       
- Sử dụng CH, BTNT để rèn luyện kĩ năng ghi nhớ kiến thức
Học Lịch sử cũng như các bộ môn khác ở trường phổ thông đòi hỏi học sinh không chỉ biết, hiểu mà còn phải nhớ kiến thức một cách vững chắc để vận dụng. Sử dụng CH, BTNT có ưu thế rất lớn trong việc rèn luyện kĩ năng ghi nhớ cho HS vì khi hoàn thành các CH, BTNT những kiến thức đã học được lặp đi, lặp lại giúp các em ghi nhớ tốt sự kiện, đồng thời chính quá trình người hoc tự mình chiếm lĩnh tri thức sẽ giúp người học ghi nhớ kiến thức được lâu bền.
GV có thể tiến hành đa dạng các loại CH, BTNT để rèn luyện kĩ năng ghi nhớ cho HS.
Để rèn luyện HS ghi nhớ tốt mốc thời gian với sự kiện, GV có thể sử dụng các loại bài tập thống kê, lập niên biểu.
            Ví dụ: Hãy lập bảng thống kê các chiến dịch tiến công của quân ta đầu năm 1975?
STT
Thời gian
Địa điểm
Tên các chiến dịch
Kết quả
1




2




3




Để rèn luyện HS kĩ nhớ kiến thức không bị nhầm lẫn, GV có thể sử dụng các bài về lập bảng so sánh, đối chiếu.
Ví dụ: Hãy lập bảng những điểm giống và khác nhau của Hiệp định Giơnevơ và Hiệp định Pari?
Nội dung so sánh
Những điểm giống nhau
Những điểm khác nhau


Hiệp định Giơnevơ
Hiệp định Pari
Hoàn cảnh kí kết



Nội dung cơ bản



Ý nghĩa lịch sử



Bên cạnh đó GV có thể sử dụng linh hoạt các hình thức câu hỏi trắc nghiệm để rèn luyện kĩ năng ghi nhớ cho HS như: hình thức điền thế, nối dữ liệu 2 cột, trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn....
- Sử dụng CH, BTNT để rèn luyện kĩ năng thảo luận nhóm
Để rèn luyện kĩ năng thảo luận nhóm cho HS, bên cạnh công tác tổ chức (phân công nhiệm vụ, chuẩn bị tài liệu, phương tiện hỗ trợ..) thì việc sử dụng CH, BTNT đóng một vai trò hết sức quan trọng vì nó là chủ đề để thảo luận, để HS tự mình giải quyết những mâu thuẫn trong kiến thức. Nếu sử dụng CH, BTNT quá dễ sẽ tạo tâm lí nhàm chán (chẳng có gì để thảo luận), còn sử dụng CH, BTNT  quá khó, vượt xa khả năng hiểu biết của HS sẽ gây áp lực rất lớn cho người học. Do đó, sử dụng hiệu quả CH, BTNT có tác dụng rất lớn để rèn luyện kĩ năng thảo luận nhóm trong quá trình tự học của HS.
Ví dụ: Khi dạy bài 18 (SGK-12), mục I.2. Đường lối kháng chiến chống Pháp của Đảng. GV có thế đưa ra câu hỏi để thảo luận như sau:
Hãy phân tích đường lối kháng chiến:" toàn dân, toàn diện, trường kì và dựa vào sức mình là chính" của Đảng ta?
Sau khi đưa ra CH, GV chia lớp thành 4 nhóm và từng nhóm giải quyết công việc của mình.
Nhóm 1:  Thế nào là kháng chiến toàn dân? Vì sao phải kháng chiến toàn dân?
Nhóm 2:  Thế nào là kháng chiến toàn diện? Vì sao phải kháng chiến toàn diện?
Nhóm 3: Thế nào là kháng chiến trường kì? Vì sao phải kháng chiến trường kì?
Nhóm 4: Vì sao trong kháng chiến phải dựa vào sức mình là chính? Vì sao phải tranh thủ sự ủng hộ quốc tế?
            Lưu ý, trong quá trình sử dụng CH, BTNT để rèn luyện kĩ năng thảo luận nhóm, GV phải luôn quan sát, nhắc nhở, điều chỉnh thảo luận khi các em đưa ra ý kiến xa rời vấn đề thảo luận. Thái độ nhiệt tình, động viên của GV cũng góp phần rất lớn tạo nên sự thành công trong học tập nhóm của HS.
- Sử dụng CH, BTNT để rèn luyện kĩ tự học qua việc khai thác tài liệu trên mạng internet
Đối với HS, nhất là HS lớp 12 phải đối mặt với việc thi cử (tốt nghiệp, đại học - cao đẳng) nên bị hạn chế về mặt thời gian là rất lớn. Các em không có điều kiện để đi thực tế, bảo tàng...Do đó, việc sử dụng Internet để phục vụ cho việc học tập nói chung và việc học tập lịch sử nói riêng là rất cần thiết. Nhưng muốn khai thác tốt thông tin trên mạng thì đòi hỏi GV phải có sự định hướng và từng bước rèn luyện cho các em kĩ năng khai thác tài liệu từ phương tiện hiện đại này.
Khác với GV Tin học, GV Lịch sử không thể trực tiếp chỉ dạy các em những thao tác trên máy mà thông qua việc dạy học bộ môn để rèn luyện kĩ năng cho HS để các em tự hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập của chính mình. Muốn vậy, GV có thể sử dụng những CH, BTNT liên quan trực tiếp đến bài học mà không có thông tin từ SGK và hướng dẫn các em khai thác thông tin trên mạng để từng bước rèn luyện kĩ năng cho HS.         
Ví dụ: Giáo viên có thể ra các câu hỏi, bài tập sưu tầm tranh ảnh, lược đồ, tiểu sử các nhân vật lịch sử hoặc các bài tập đánh giá thông qua việc tìm kiếm, tổng hợp các nhận định của các chuyên gia mà học sinh có thể tìm kiếm dễ dàng trên Internet.
Để rèn luyện cho HS kĩ năng tự học qua việc khai thác tài liệu trên mạng internet được hiệu quả, đỡ mất thời gian tìm kiếm, GV có thể cung cấp cho HS những địa chỉ như sau:
http://www. google.com  (trang công cụ tìm kiếm phổ biến nhất)
http://www. wikipedia.org  (trang công cụ tìm kiếm Bách khoa toàn thư)
http://www.edu.net.vn (trang web của BGD-ĐT)
http://www. youtube.com (trang công cụ tìm kiếm video clip)
Bên cạnh đó để định hướng cho HS khai thác những thông tin đáng tin cậy,  độ xác thực cao, không bị xuyên tạc, GV phải hướng dẫn nên truy cập vào những trang web có kí hiệu đuôi: edu, org, vn, gov....
- Sử dụng CH, BTNT  để rèn luyện kĩ năng tự kiểm tra, tự đánh giá   
Trong quá trình tự học, người học tự mình tìm ra kiến thức, tạo ra sản phẩm. Sản phẩm của người học ban đầu có thể chưa chính xác, sau khi trao đổi, hợp tác với các bạn, với thầy, với kết luận cuối cùng của thầy, sản phẩm đó mới được diễn đạt thật sự khách quan, khoa học. Căn cứ vào kết luận của thầy, học sinh tự kiểm tra, đánh giá lại sản phẩm ban đầu của mình, tự sửa chữa những sai sót mắc phải trong sản phẩm đó. Tự rút kinh nghiệm về cách học, cách xử lí tình huống, cách giải quyết vấn đề của mình và điều chỉnh, tự hoàn thiện thành một sản phẩm tiến bộ hơn sản phẩm ban đầu.
Muốn rèn luyện cho HS kĩ năng tự kiểm tra, tự đánh giá đòi hỏi trong quá trình giảng dạy GV phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự học của học sinh. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của mỗi lớp học, GV có thể sử dụng nhiều dạng CH, BTNT để kiểm tra, đánh giá quá trình tự học của học sinh. Trên lớp, GV có thể sử dụng CH để kiểm tra bài miệng, kiểm tra 15,  kiểm tra 1 tiết. Đối với các hình thức kiểm tra giáo viên có thể sử dụng nhiều dạng câu hỏi (trắc nghiệm, tự luận). Ngoài ra GV còn có thể sử dụng CH, BTNT trong giờ thảo luận nhóm để kiểm tra đánh giá mức độ tiếp thu kiến thức cho HS.
Đối với hình thức ở nhà, GV ra các CH, BTNT và hướng dẫn HS cách hoàn thành các CH, BTNT.
Tự kiểm tra, đánh giá cũng giúp cho học sinh hình thành thái độ phê phán. Chỉ có như vậy, học sinh mới dám tự suy nghĩ, dám chịu trách nhiệm và luôn luôn tìm tòi sáng tạo, tìm ra cái mới, cái hợp lí. Người học có những sai sót, đó là điều tất nhiên, song nếu biết nhận ra sai sót của mình và tư điều chỉnh, đó mới là biết cách học. Cách học đó có tác dụng đến hiệu quả và chất lượng lâu dài cho việc học tập của học sinh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tào (2011), Nghiên cứu, giảng dạy Lịch sử trong bối cảnh hội nhập quốc tế & phát triển kĩ năng tự học,Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia, Trường ĐHSP Hà Nội.
2. Hội giáo dục lịch sử, khoa sử trường đại học Sư phạm – Đại học Quốc gia Hà Nội (1996), đổi mới việc dạy học lịch sử lấy học sinh làm trung tâm, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
3.  Đặng Thành Hưng (2004), “Hệ thống kĩ năng học tập hiện đại”, Tạp chí Giáo dục (78), tr.25 – 27.
4. Phan Ngọc Liên, Trịnh Đình Tùng, Nguyễn Thị Côi, Trần Vĩnh Tường (Đồng CB) (2002), Một số chuyên đề phương pháp dạy học Lịch sử, NXB ĐHQG Hà Nội.
5Võ Thành Phước (2008), “Kĩ năng tự học của học sinh Trung học cơ sở”, Tạp chí Giáo dục, (189).
6Trần Vĩnh Tường (chủ biên) (2003), Hệ thống bài tập nhận thức trong dạy học lịch sử ở trường THPT, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét