Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Sử dụng tài liệu lịch sử địa phương trong dạy học lịch sử Việt Nam ở trường THPT


Sử dụng tài liệu lịch sử địa phương trong dạy học lịch sử Việt Nam ở trường THPT
                                                                                                                   Trần Thị Kiểm
Đặt vấn đề
Lịch Sử Địa Phương (LSĐP) là một bộ phận hữu cơ, máu thịt của lịch sử Việt Nam (LSVN). Mọi sự kiện LSVN đều diễn ra ở một thời điểm cụ thể, với những con người cụ thể, trên một địa phương cụ thể của lãnh thổ Tổ quốc. Vì vậy, LSĐP làm phong phú thêm, cụ thể thêm bức tranh chung của LSVN. Do đó, LSVN và LSĐP có mối quan hệ chặt chẽ với nhau không thể tách rời như những mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung, cái đặc thù và cái phổ biến.
Cho nên, việc nghiên cứu, sử dụng tài liệu LSĐP để giảng dạy sẽ giúp cho học sinh (HS) nắm vững, hiểu sâu sắc và cụ thể hơn kiến thức LSVN, đồng thời giúp HS hiểu rõ hơn về lịch sử quê hương mình, nơi các em đã sinh ra, lớn lên và gắn bó cả cuộc đời... Từ đó gợi cho các em niềm tự hào, lòng biết ơn, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, hình thành ý thức trách nhiệm bản thân trong việc giữ gìn, bảo vệ di sản văn hoá, di tích lịch sử, và trong xây dựng Tổ quốc. Do đó, việc sử dụng tài liệu LSĐP trong dạy học LSVN ở trường phổ thông là rất cần thiết, có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao chất lượng, thực hiện mục tiêu giáo dục bộ môn.
Để đáp ứng  nhu cầu đó và cụ thể hoá việc vận dụng một số biện pháp trong việc sử dụng tài liệu LSĐP trong dạy học LSVN, chúng tôi chọn bài 21 ”Xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam (1954 – 1965)”, sách Giáo khoa lịch sử lớp 12, chương trình cơ bản, để đề xuất một số biện pháp.
Một số biện pháp sử dụng tài liệu LSĐP trong giảng dạy LSVN
Tuỳ theo từng bài, tuỳ theo vị trí của trường so với địa phương nơi sự kiện diển ra, tuỳ theo sáng kiến, sự linh hoạt cá nhân của mỗi giáo viên, trong bài này giáo viên có thể vận dụng một số biện pháp cụ thể như: sử dụng tài liệu lịch sử Đồng Tháp để tạo biểu tượng lịch sử; để tạo tình huống có vấn đề; kết hợp với đồ dùng trực quan; để đặt câu hỏi bài tập nhận thức; để tổ chức cho học sinh thảo luận; để kiểm tra đánh giá kết quả học tập...
Sau đậy cúng tôi xin cụ thể hoá một vài biện pháp trên:
Sử dụng tài liệu lịch sử Đồng Tháp để tạo tình huống có vấn đề
Trong phương pháp dạy học nêu vấn đề, điểm cơ bản là GV cần tạo “tình huống có vấn đề” và tổ chức, hướng dẫn HS giải quyết vấn đề, “vấn đề” xuất hiện sẽ thúc đẩy hoạt động tư duy, tự tìm tòi, sáng tạo của HS. Chính vì vậy, dạy học nêu vấn đề còn góp phần thực hiện việc đổi mới phương pháp theo hướng “lấy HS làm trung tâm”, làm tăng tính sáng tạo, năng lực nhận thức độc lập, các kĩ năng học tập ở HS cũng phát triển.
Khi giảng về cuộc chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ ở miền Nam, GV tạo tình huống có vần đề qua đoạn tài liệu sau:
Ấp chiến lược (ACL) là trại tập trung dân, gắn với đồn bót thành căn cứ quân sự. Đồng bào ta trong ACL bị địch kềm kẹp khống chế rất nghiêm ngặt. Đi làm ruộng, chài cá, chợ búa phải báo cáo chủ ấp, qua cổng gác bị khám xét, nếu mang gạo thực phẩm quá mức qui định bị giữ lại. Do đó, việc tiếp tế cho bộ đội ở căn cứ hết sức khó khăn, còn cán bộ hoạt động bất hợp pháp mỗi lần bám vào ACL phải vượt qua nhiều chướng ngại nguy hiểm như bờ dai, mương, chông, mìn, đèn, lính gác. Nguy hiểm nhất là bộ máy kềm kẹp chìm nổi trong ACL. Chúng xáo trộn dân chúng làm nhà nọ nghi kị nhà kia, không ai tin ai, tạo ra tâm lí cầu an không dám chứa chấp cán bộ…Chúng tranh thủ lừa bịp, mị dân, chia rẽ nhân dân với cộng sản.
            Tiếp theo, GV nêu câu hỏi:
- Địch lập ACL nhằm mục đích gì ?
- Quân dân ta (Đồng Tháp nói riêng) phải làm gì trước hành động đó của địch ?
Đặt vấn đề như vậy, sẽ đưa HS đi vào một tình huống chứa đựng mâu thuẫn: một bên là kiến thức đã cho (âm mưu, thủ đoạn của địch đối với ta), một bên là kiến thức cần tìm (cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ), từ đó kích thích nhu cầu tìm tòi, khám phá, phát huy tính tích cực của HS trong học tập.
Sử dụng tài liệu lịch sử Đồng Tháp để đặt câu hỏi, bài tập nhận thức
        Để nâng cao hiệu quả dạy học, người dạy phải bằng nhiều cách thức khác nhau để “phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của HS”, câu hỏi, bài tập nhận thức là biện pháp có vai trò hết sức quan trọng để thực hiện yêu cầu đó.
PGS.TS Trần Vĩnh Tường đã nêu: “Bài tập nhận thức trong dạy học lịch sử là tình huống có vấn đề mà trong quá trình giải quyết, HS phải biết vận dụng kiến thức đã học, những tài liệu liên quan, biết tìm tòi sáng tạo, bài tập nhận thức là một hệ thống chứ không phải chỉ là một vài bài tâp rời rạc”, có nội dung rộng hơn, đòi hỏi thời gian công sức HS nhiều hơn và tác dụng, kết quả của nó cũng cao hơn.
Từ những lẽ nêu trên, trong dạy học lịch sử cần thiết phải có hệ thống câu hỏi, bài tập nhận thức theo đúng đặc trưng bộ môn, phải đặt các em vào tình huống có vấn đề mới huy động được các hoạt động tư duy, tự làm việc để các em độc lập suy nghĩ rút ra được những tri thức đúng đắn, phù hợp. Có nhiều hình thức, biện pháp sử dụng như sau:
* Sử dụng tài liệu lịch sử Đồng Tháp để giúp HS tiếp thu kiến thức mới:
Nói về phong trào “Đồng khởi” (1959 – 1960):
Nghị quyết 15 (tháng 1 - 1959) của Ban Chấp hành trung ương Đảng có nội dung gì ? Nghị quyết 15 đã tác động như thế nào đến phong trào cách mạng của quân dân Đồng Tháp ?
* Sử dụng tài liệu lịch sử Đồng Tháp cho HS làm bài tập về nhà.
            Hãy tìm hiểu và nêu một số dẫn chứng về âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mĩ đối với nhân dân và phong trào cách mạng Đồng Tháp trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ?
Sử dụng tài liệu lịch sử ĐồngTháp tổ chức cho HS thảo luận
Hướng dẫn cho HS thảo luận trong giờ học là một hình thức tổ chức dạy học quan trọng trong hệ thống các hình thức dạy học theo hướng“lấy HS làm trung tâm” nhằm tích cực hoá vai trò của người học. Theo GS.TSKH Thái Duy Tuyên: “Thảo luận là sự tự do trao đổi, bàn bạc về một chủ đề hay một vấn đề nào đó”, tạo ra cơ hội cho tất cả HS được tham gia trực tiếp vào quá trình dạy học.Các em được trao đổi hoặc tranh luận với nhau, vì vậy sự chia sẻ, đoàn kết, học hỏi, đánh giá và tự đánh giá…trong mỗi HS được phát huy, việc tự khám phá tìm ra chân lí sẽ giúp các em hiểu bài sâu và nhớ lâu hơn các kiến thức mới.
Về ý nghĩa của phong trào “Đồng khởi” (1959 – 1960), GV chia lớp làm 4 nhóm, sử dụng các phiếu học tập:
Phiếu học tập số 1: Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đánh giá: Giữa lúc cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam bị địch dìm trong bể máu…cách mạng miền Nam đang trong thòi kì đen tối, nhiều nơi chưa tìm được lối đi…thì trận đánh của D502 Kiến Phong (Đồng Tháp) tiêu diệt 1 tiểu đoàn địch tại GTĐ  – GQC được xem như hiệu lệnh phát động và thúc đẩy cuộc đấu tranh cách mạng không chỉ ở tỉnh Kiến Phong mà trên toàn miền Nam. Nó có tác động nâng cao uy thế cho cách mạng, củng cố niềm tin cho nhân dân, hạ uy thế và răn đe quân địch. Đặt trong bối cảnh miền Nam lúc bây giờ, thắng lợi của trận GTĐ  – GQC không chỉ có ý nghĩa chiến thuật mà mang ý nghĩa chiến lựơc; nó khẳng định: con đương cách mạng miền Nam phải là con đường bạo lực cách mạng.          
Phiếu học tập số 2: Thiếu tướng Lê Quốc Sản nhận định: Ý nghĩa chiến thắng GTĐ  – GQC rất to lớn, là đỉnh cao khởi nghĩa vũ trang ở Đồng Tháp Mười trước Đồng khởỉ, nó ảnh hưởng rất lớn với bên ta và bên địch. Đồng khởi 1960 ở trong Khu có phần đóng góp về vật chất và tinh thần từ trận GTĐ  – GQC.
Phiếu học tập số 3: Nguyễn Minh Đường - nguyên Bí thư Khu uỷ (Khu 8) cho rằng: Chiến thắng GTĐ  – GQC ở Kiến Phong (Đồng Tháp) là một sự kiện lịch sử vĩ đại ở toàn Khu, mở màng cho cao trào Đồng khởi ở các tỉnh sau Nghị quyết 15 của TƯ Đảng.
Phiếu học tập số 4: Nguyễn Thị Định – nguyên Bí thư tỉnh uỷ Bến Tre trong Hồi kí có viết: Đồng khởi ở Bến Tre lấy danh nghĩa D502 ở đồng Tháp Mười về. Nghe nói D502, địch rất sợ, còn quần chúng thì phấn khởi rõ rệt...Mượn danh D502 uy hiếp địch. Ra Quân lệnh D502 làm pháp lệnh và chính sách để phân hoá địch trong cuộc đồng khởi tháng 1 – 1960 ở Bến Tre.
Trên cơ sở các nhận định trên yêu cầu HS nhận xét, thảo luận để đi đến thống nhất về ý nghĩa của trận GTĐ – GQC trong phong trào “Đồng khởi” ở miền Nam.
Sử dụng tài liệu lịch sử Đồng Tháp để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập HS
Thực hiện nguyên lí giáo dục: “học đi đôi với hành, lí luận gắn liền với thực tiễn…”, trong dạy học lịch sử cần thiết phải tiến hành việc kiểm tra, đánh giá. Cũng như PGS.TS Nguyễn Thọ Lộc từng khẳng định: “Kiểm tra, đánh giá là một khâu quan trọng không thể thiếu được của quá trình dạy học, biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng dạy học”.
Kiểm tra, đánh giá nhằm làm sáng tỏ tình hình lĩnh hội kiến thức, sự hình thành kĩ năng kĩ xảo cho HS, củng cố, hệ thống khái quát kiến thức đã học, chuẩn bị tiếp tục nghiên cứu kiến thức mới, và qua đó GV tự đánh giá việc giảng dạy của mình, thấy được những thành công và những vấn đề cần rút kinh nghiệm để kịp thời có những biện pháp thích hợp. Có nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn kiểm tra viết (1 tiết hoặc kiểm tra cuối kì), ngoài các câu hỏi về LSVN, GV nên lồng ghép thêm câu hỏi về LSĐP.
GV ra câu hỏi liên quan đến “Đồng khởi” (1959 – 1960): Nêu những dẫn chứng tiêu biểu ở địa phương Đồng Tháp trong phong trào “Đồng khởi” để chứng minh nhận định của Đại sứ Nâutinh... trong báo cáo gửi Tổng thống Mĩ vào cuối năm 1960 rằng: “Việt cộng dần dần mở rộng kiểm soát ở nông thôn…”.
Việc tiến hành kiểm tra, đánh giá thông qua đặt các câu hỏi, bài tập như trên có ý nghĩa lớn trong việc nắm bắt được trình độ của tất cả HS, từ đó có định hướng thích hợp về phương pháp, hình thức…để nâng cao hơn nữa hiệu quả dạy học nhằm hướng vào phát huy tính độc lập, sáng tạo của HS.
Kết luận
Trên đây là một vài biện pháp về việc sử dụng tài liệu lịch sử Đồng Tháp trong dạy và học LSVN ở trường THPT. Tuy nhiên trong quá trình giảng dạy, GV phải thật sự linh hoạt, sáng tạo trong lựa chọn nội dung, biện pháp, bởi vì không có một tài liệu nào là ưu việt, hoàn thiện nhất, cũng không có một biện pháp nào là độc tôn và vạn năng nên cần sử dụng phối hợp để hỗ trợ, phát huy điểm mạnh của từng biện pháp. Phải căn cứ vào từng điều kiện cụ thể của thực tiễn dạy học ở địa phương, căn cứ vào mục đích yêu cầu của từng bài, từng mục cụ thể để lựa chọn nội dung, tài liệu LSĐP và cách thức sử dụng hợp lí nhất để đạt hiệu quả cao nhất.
----------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp (1997), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, tập 3 (1954 – 1975), Ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, NXB Đồng Tháp
2. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp (1998), Những trận đánh của lực lượng vũ trang tỉnh Đồng Tháp, tập 1 (Kiến Phong đánh giặc), NXB Quân đội nhân dân Hà Nội.
3. Phan Ngọc Liên (Chủ biên), Trịnh Đình Tùng, Nguyễn Thị Côi (2009), Phương pháp dạy học lịch sử, tập I, tập II, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
4. Trần Vĩnh Tường (2003), Hệ thống bài tập nhận thức trong dạy học lịch sử ở trường Trung học phổ thông, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét