Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử

Nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử

Thạc sỹ Phan Văn Tánh - Hiệu trưởng trường THPT Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng)

          Trước thực trạng chất lượng môn Lịch sử giảm sút, và dù biết nguyên nhân, nhưng nhiều người cho rằng quá khó để nâng cao chất lượng môn Lịch sử trong điều kiện hiện nay. Thậm chí có người bi quan cho là không thể, trừ khi có cuộc cải cách và đổi mới giáo dục toàn diện! Ngay cả GS Đinh Xuân Lâm - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, (người từng biên soạn sách giáo khoa lịch sử, người đã có thâm niên hơn 60 năm dạy sử và là một trong "tứ trụ” của giới sử học nước nhà) cũng cho rằng "cần một cuộc "cách mạng” về môn Sử”. Như vậy, có thể thấy đây là vấn đề không dễ.
Bằng tâm huyết và kinh nghiệm trong nhiều năm làm quản lý và giảng dạy, chúng tôi tin vẫn có giải pháp trong khi chờ cuộc cải cách giáo dục toàn diện đang được cả xã hội trông mong.

          Với vai trò là một Hiệu trưởng trên cương vị lãnh đạo, quản lý và một giáo viên trực tiếp giảng dạy môn Lịch sử, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng môn Lịch sử. Đây là những giải pháp đã, đang được thực hiện tại đơn vị, và kết quả cho thấy chúng tôi đang đi đúng hướng. Hơn nữa, những giải pháp này cũng đã nhận được sự đồng tình của nhiều học sinh trường THPT Ngũ Hành Sơn, Hoàng Hoa Thám, Lê Quý Đôn…qua kết quả khảo sát mà chúng tôi tiến hành trong thời gian qua. (Xem thêm ở phần phụ lục).

          Một là, Ban giám hiệu (BGH) nhà trường cần nhận thức đúng về tầm quan trọng của môn Lịch sử trong việc giáo dục tình yêu quê hương đất nước, ý thức trách nhiệm công dân với Tổ quốc. Tuy nhiên trên thực tế, không ít BGH chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của môn Sử, mà xem môn Sử là môn phụ nên xem nhẹ và có phần buông lỏng trong quản lý. Về vấn đề này, chúng tôi rất tâm đắc với ý kiến của GS Đinh Xuân Lâm : "Một điều cần khẳng định là có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng đáng lo ngại trong dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông. Nhưng chỉ có một khâu cần phải được ưu tiên giải quyết ngay, nếu giải quyết được khâu này thì các khâu sau mới thông suốt được. Đó là phải có quan niệm đúng về môn Lịch sử từ các cấp quản lý đến cha mẹ học sinh và toàn xã hội”
Đó là:  môn Lịch sử có vai trò quan trọng trong việc giáo dục học sinh về lòng yêu nước, tự hào về truyền thống dân tộc và góp phần hình thành nhân cách – nhân cách Việt Nam; môn Lịch sử không chỉ là một môn học mà còn là công cụ tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, bồi dưỡng niềm tin yêu đối với Đảng. Từ đó, học sinh (sau này là công dân) sẽ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay;…
Trên có sở nhận thức đó, lãnh đạo nhà trường chỉ đạo tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch hoạt động của bộ môn với những yêu ầu cụ thể đối với việc dạy và học; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học bộ môn.
          Do vậy, nếu BGH có quan niệm đúng về môn Sử và có sự quản lý tốt thì tâm thế dạy và học môn Sử sẽ khác, kết quả chắc chắn sẽ khả quan hơn. Cơ sở của nhận định này là từ kết quả thực tế ở đơn vị. Nhiều năm nay, trong kỳ thi học sinh giỏi thành phố, môn Lịch sử mang về cho trường Ngũ Hành Sơn rất nhiều giải. Tính từ năm 2006 đến nay, môn Sử đã giành được 30 giải, từ giải khuyến khích cho đến giải nhất.

          Hai là, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đổi mới phương pháp theo hướng hiện đại. Trong đó môn Sử được trang bị 2 phòng, một phòng để bản đồ, tranh ảnh, một phòng trang bị ti vi, máy chiếu để giảng dạy giáo án điện tử. Phòng bộ môn được nối mạng internet để giáo viên khai thác, sử dụng. Chính nhờ được trang bị phương tiện đầy đủ như thế, giáo viên rất tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Qua thăm dò ý kiến, nhiều học sinh cho biết: "Rất hứng thú với giờ học có sử dụng công nghệ thông tin. Những hình ảnh, những thước phim được trình chiếu giúp chúng em nhớ lâu hơn nhân vật, sự kiện lịch sử”. Như vậy, việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, khai thác sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng. Vấn đề là giáo viên khai thác, sử dụng như thế nào cho hiệu quả mà thôi!
        Trong việc sử dụng sách giáo khoa, giáo viên lưu ý khai thác kênh hình. Những hình ảnh trong sách giáo khoa gợi ý, định hướng cho giáo viên và học sinh có thể sưu tầm những hình ảnh đẹp hơn, rõ hơn, to hơn để dung làm dụng cụ dạy học. Hình ảnh giúp học sinh nhận thức nhiều khía cạnh của vấn đề. Chẳng hạn, qua hình ảnh về "xưởng chế biến dầu ô-liu” (bài: Các quốc gia cổ đại phương tây – Hy lạp và Rôma, LS 10 chuẩn) ở nam Italia có khoảng 40 chum, chứa gần 6000 lit dầu ăn”, giáo viên gợi ý cho học sinh về thời kỳ cổ đại ở Rôma đã phát triển những ngành, nghề liên quan như trồng cây công nghiệp, sản xuất thủ công nghiệp, buôn bán, …Như vậy, các kênh hình trong sách giáo khoa đã trình bày theo đúng qui luật của nhận thức, mở ra cơ hội cho chúng ta đổi mới phương pháp. Từ chỗ gợi ý, hướng dẫn, tổ chức cho học sinh trao đổi, thảo luận, làm bài tập, chúng ta đã thực hiện được nhiêm vụ cơ bản là dẫn dắt học sinh tự quan sát, tìm thông tin, xử lý thông tin đến nhận thức vấn đề. Bằng phương pháp này không những giúp các em học tốt bộ môn mà còn hình thành kỹ năng cơ bản của nhu cầu tự học và học tập suốt đời, cũng như thói quen suy nghĩ, vận dụng linh hoạt kiến thức vào cuộc sống.

          Ba là, làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, tư vấn, định hướng cho học sinh chọn khối thi, trường thi phù hợp với năng lực bản thân. Thực tế, nhiều em có năng lực về ban C nhưng vẫn đăng ký vào ban KHTN theo "tâm lý đám đông” vì thấy nhiều bạn bè theo học ban này. Vậy nên giáo viên khi phát hiện năng khiếu, sở trường của học sinh thì tư vấn, định hướng cho các em lựa chọn khối thi, trường thi phù hợp. Đồng thời có lời khuyên cho các em khi đã xác định thi khối C thì cần có sự đầu tư đúng hướng. Bởi lẽ, cần rút kinh nghiệm từ việc nhiều học sinh có năng lực nhưng thi đại học khối C năm đầu thường bị trượt và phải thi lại, một,  hai, ba năm sau mới đỗ.
Nguyên nhân là do nhiều học sinh có ý định thi đại học khối C nhưng lại không tập trung việc học cho khối C mà phần lớn thời gian các em dành cho việc đi học thêm các môn Toán, Lý, Hoá, Anh không là những môn thế mạnh, hơn nữa lại là những môn thường thi tốt nghiệp.
Chỉ sau khi thi tốt nghiệp, khoảng thời gian hơn 1 tháng các em mới tập trung "cày” các môn Văn, Sử, Địa. Như thế học làm sao kịp, và làm sao có hiệu quả? Vậy nên, điểm thi đại học khối C thấp và nhiều em thi năm đầu bị trượt cũng là điều dễ hiểu. Còn những em thi năm 2, suốt cả năm trời chỉ tập trung đầu tư cho 3 môn, thậm chí nhiều em đến các lò luyện nên kiến thức vũng chắc và kết quả là thi đỗ. Một ví dụ cụ thể tại trường THPT Ngũ Hành Sơn chúng tôi, đó là em Trần Thị Kim Phượng (khóa 2005-2008), năm 2008 thi đại học Sư phạm Đà Nẵng chỉ được có 12 điểm. Năm sau em Phượng tập trung ôn thi lại và đỗ thủ khoa Học viện hành chính phía Nam với 24 điểm, trong đó môn Sử đạt 9 điểm.
Việc học sinh thi đại học khối C nhưng phần lớn thời gian đi học thêm các môn Toán, Lý, Hoá không hẳn là do các em học yếu môn tự nhiên. Điều này theo chúng tôi là do sức ép bài tập của các môn tự nhiên, (ngày nào cũng có nhiều bài tập, nếu không làm được ngoài việc bị điểm kém còn rất xấu hổ với bạn bè, thế nên các em có nhu cầu đi học thêm để đối phó) và tâm lý thích đi học thêm để cho vui (nhiều em đến lớp học thêm chỉ để chơi), để chứng tỏ mình cũng không thua bạn kém bè, cũng đi học thêm như ai.
Vì vậy, thiết nghĩ cần phải có sự định hướng cho các em. Lâu nay, vì nhiều lý do hầu như điều này không được chú trọng. Chúng tôi nghĩ, các thầy cô dạy môn tự nhiên, biết các em thi đại học khối C thì cũng không nên yêu cầu cao quá, (khiến nhiều em sợ và phải đi học thêm để đối phó), chỉ cần các em nắm kiến thức cơ bản đủ thi đỗ tốt nghiệp là được rồi. Với các em dự thi khối C thầy cô nên định hướng cho các em tập trung đầu tư học nhiều, học chắc, học hiểu các môn Văn, Sử, Địa, tránh suy nghĩ sai lầm chỉ cần "học thuộc lòng” là làm bài được. Nên nhớ rằng trong vài năm trở lại đây, đề thi đại học khối C đã có nhiều thay đổi, yêu cầu học sinh phải biết phân tích, tổng hợp, khái quát mới làm được. Tất cả thí sinh thi đỗ đại học khối C những năm gần đây đều là những người có "tố chất”, biết tư duy và có sự đầu tư đúng hướng.
Vì thiếu sự định hướng, thiếu sự đầu tư cần thiết dẫn đến thi rớt và số phận nhiều em đã rẽ sang một con đường khác, chông gai hơn, vất vả  hơn, bởi không phải ai cũng đủ ý chí, nghị lực và bản lĩnh để ôn thi lại. Nếu như thầy cô tư vấn, định hướng cho các em một hướng đi đúng đắn thì số phận nhiều em đã khác…Bởi vậy, cần làm tốt việc hướng dẫn cho học sinh với tất cả tấm lòng và kinh nghiêm của người thầy thì sẽ giúp học sinh rất nhiều trong việc chọn đúng ngành hợp với năng lực để thi cũng như cách tập trung ôn luyện thi cho tốt. Trong những năm qua, chúng tôi rất chú trọng điều này, kết quả là rất đáng mừng. Cụ thể, những em được tư vấn, định hướng và có sự đầu tư như tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, tập trung đầu tư cho việc học thi khối C…đều đỗ đại học. Đơn cử như em Phạm Thị Thủy (khóa 2005-2008), Trần Thị Kim Sen, Nguyễn Thị Cẩm Tú, Phạm Thị Cưng, Huỳnh Thị Phụng (khóa 2006-2009), Trương Thị Thúy Vy, Phạm Thị Lấm, Nguyễn Thị Hồng Vân, Huỳnh Thị Anh, Huỳnh Thị Kim Thủy, Huỳnh Thị Thảo Linh (khóa 2007-2010), Phan Ngọc Quà (khóa 2008-2011)…hiện đang là sinh viên của những trường đại học khá tên tuổi như ĐHSP Đà Nẵng, ĐH KHXH&NV TPHCM, ĐHSP Huế. Tất cả những em này đều là thành viên đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sử và thi thành phố đều có giải. Điều đó cho thấy, làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, tư vấn, định hướng cho học sinh chọn khối thi, trường thi phù hợp với năng lực bản thân… cũng là một giải pháp nâng cao chất lượng".

Bốn là, giáo viên không ngừng học hỏi, trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nói thật, nếu giáo viên chỉ nói lại những kiến thức trong sách giáo khoa thì rất nhàm chán, học sinh thờ ơ, không hứng thú cũng là điều dễ hiểu. Vì thế giáo viên phải tìm đọc thêm tài liệu, cập nhật thông tin, làm phong phú nguồn tư liệu giảng dạy của mình. Trong nhiều năm qua chúng tôi luôn ý thức làm tốt việc này và hiệu quả thấy rõ. Như khi dạy chương trình cơ bản sử lớp 11, bài 19 "Nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp xâm lược (từ 1858 đến trước năm 1873)”, mục 3 "Chiến sự ở Đà Nẵng năm 1858”, nếu giáo viên sử dụng tư liệu trong cuốn sách "Đà Nẵng buổi đầu chống Pháp” của tác giả Lưu Anh Rô, hay tư liệu trong phóng sự  "150 năm trận đầu đánh Pháp” đăng trên báo Tuổi Trẻ thì rất hấp dẫn học sinh, đồng thời giới thiệu các em tìm đọc cuốn sách và phóng sự trên thì kiến thức của bài giảng sẽ được khắc sâu hơn.
          Hay như khi dạy về cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam quốc dân đảng tổ chức (Lịch sử Việt Nam lớp 12), giáo viên sử dụng nguồn tư liệu từ phóng sự "Nhà lao An Nam ở Guyane” đăng trên báo Tuổi Trẻ sẽ khiến học sinh thích thú với thông tin về hậu duệ của những người từng tham gia khởi nghĩa Yên Bái dù nay sống xa xứ nhưng vẫn không quên nguồn cội, và tự hào về nghĩa khí của cha ông…Không có thời gian để nói nhiều về tư liệu hấp dẫn này, giáo viên hướng dẫn học sinh lên mạng vào google.com đánh từ khóa "Nhà lao An Nam ở Guyane” để tìm hiểu thêm.
          Tương tự, khi dạy về nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Lịch sử Việt Nam lớp 12), giáo viên nên cung cấp tư liệu về con đường huyền thoại, con đường thần thánh của dân tộc - đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển. Sau đó giáo viên hướng dẫn học sinh vào google.com gõ từ khóa "khám phá huyền thoại tàu không số” hay "Truông Bồn – 40 năm quên và nhớ” để tìm hiểu thêm. Như thế học sinh sẽ hiểu sâu hơn, thấm thía hơn giá trị của hòa bình hôm nay. Bởi lẽ, dù dâu bể đã đổi thay, nhưng câu chuyện về ơn dân và cái nghĩa đồng bào thiêng liêng đầy trách nhiệm như một lời nhắc nhở cho bất cứ ai đang hưởng thụ thanh bình hôm nay hay mang trong mình trọng trách quốc gia phải luôn nhớ lấy!  
          Những tư liệu này sẽ góp phần làm cho giờ dạy của giáo viên sinh động hơn, hấp dẫn hơn, còn học sinh yêu thích môn Sử và học Sử hiệu quả hơn.
          Bên cạnh ý thức đọc thêm sách, báo làm phong phú thêm nguồn tư liêu giảng dạy, giáo viên phải thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức mới, đặc biệt là những thông tin mang tính thời sự như bầu chọn Vịnh Hạ Long trở thành Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, chương trình "Góp đá xây Trường Sa”, tình hình biển Đông… để học sinh yêu hơn từng ngọn núi con sông, có ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Về điều này, trong giờ chào cờ, sinh hoạt chủ nhiệm, chúng tôi đã chủ động phát động học sinh tham gia nhắn tin bầu chọn Vịnh Hạ Long trở thành "Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới”  theo cú pháp HL gửi 147 hoặc qua trang Web www.new7wonders.com; và nhắn tin "Góp đá xây Trường Sa” theo cú pháp "Truong Sa” gửi 1408… Theo phản ánh của giáo viên chủ nhiệm, nhiều học sinh đã tích cực tham gia.
Để học sinh hiểu rõ hơn về vấn đề biển Đông, giáo viên giới thiệu và hướng dẫn học sinh vào trang báo Tuổi Trẻ Online, trong đó có chuyên mục "Hoàng Sa – Trường sa” tìm hiểu thêm. Đó là việc mà chúng tôi đã làm. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã giới thiệu và hướng dẫn học sinh tham gia Hội thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu về "biển đảo quê hương” – cuộc thi do báo Tuổi Trẻ Online tổ chức từ ngày 6.11 đến ngày 3.12.2011. Nội dung của Hội thi bao gồm vị trí địa lý, lịch sử hình thành các vùng biển, hải đảo của Việt Nam, đặc biệt là 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, và đường Hồ Chí Minh trên biển; những chủ trương, chính sách của Đảng về biển đảo, chiến lược phát triển kinh tế biển; pháp luật Việt Nam và quốc tế xung quanh các vấn đề về biển đảo; những hoạt động của Đảng bộ, chính quyền và tuổi trẻ TPHCM tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
          Chúng tôi biết rằng không phải tất cả các em học sinh đều có điều kiện để tham gia nhắn tin bầu chọn Vịnh Hạ Long, tham gia nhắn tin "Góp đá xây Trường Sa”, tham khảo tìm hiểu nguồn tài liệu ở trên mạng, hay tham gia Hội thi tìm hiểu "biển đảo quê hương”, nhưng chúng tôi vẫn giới thiệu và hướng dẫn học sinh tìm hiểu, tham gia với quan điểm "mưa dầm thấm đất”, giáo dục học sinh mọi lúc mọi nơi nếu có thể, bởi lẽ "khi ta ném viên sỏi xuống hồ nước sẽ tạo nên nhưng vòng sóng”! Những kiến thức mà học sinh tự tìm hiểu như thế sẽ hiệu quả hơn nhiều so với cách "nhồi nhét” nó vào đầu học sinh.

Năm làgiáo viên cần chú trọng đầu tư cho giáo án. Mà muốn có giáo án tốt cần phải có sự chuẩn bị, sự đầu tư một cách nghiêm túc. Sự chuẩn bị, đầu tư về giáo án không chỉ là việc mua những cuốn sách, giáo án tham khảo trên thị trường hay lên mạng "đao” về rồi dùng lại nguyên xi…mà phải biến những kiến thức có trong những tài liệu tham khảo đó thành kiến thức của mình. Như vậy mới làm chủ được kiến thức, làm chủ giáo án và linh hoạt trong giảng dạy. Nếu không có sự chuẩn bị, đầu tư về giáo án chắc chắn giờ dạy sẽ không hiệu quả. Điều này chúng tôi rút ra từ thực tế của bản thân.         
Khi đã có  giáo án tốt thì vấn đề tiếp theo đó là phương pháp và phong cách giảng dạy của giáo viên. GV cần phải tìm ra và sử dụng những phương pháp dạy học tối ưu, trong đó cần đặc biệt chú  ý sử dụng phương pháp dạy học mới phát huy tính tích cực chủ động của học sinh, lấy học sinh làm trung tâm. Kết hợp khai thác sử dụng CNTT như một phương tiện hỗ trợ hữu hiệu như đã nói ở trên. Đồng thời trong giảng dạy, giáo viên chú ý lồng ghép những câu chuyện liên quan đến nhân vật, sự kiện tạo hứng thú cho học sinh.
Ngoài ra, trong dạy học, ngôn ngữ, cảm xúc của người thầy hết sức quan trọng. Cho nên cần phải đặc biệt chú ý trau dồi và sử dụng lợi thế này. Nếu GV dạy mà nói bằng giọng đều đều thì sẽ rất là đơn điệu, buồn chán, không lôi cuốn được học sinh. Đó là quy luật lây lan tâm lý, GV nói đều đều, nhỏ, buồn, thiếu khí thế và sự truyền cảm thì làm sao học sinh hào hứng học và tiếp thu bài tốt? Nhưng nếu GV dạy với bầu nhiệt huyết, truyền đạt những nội dung mới mẻ, đem lại nhiều thông tin và cảm xúc thì học sinh cũng cảm nhận và lây lan cái không khí hào hứng mà thầy giáo đem lại, nhờ vậy tiếp thu bài có hiệu quả. Vậy nên để tổ chức giờ dạy hiệu quả, GV cần phải dạy có khí thế bằng cả tâm huyết của mình mới "truyền lửa” cho học sinh.
Cùng với việc ứng dụng CNTT trong dạy học, Gv cần tìm tòi, nghiên cứu ứng dụng những thành tựu của đồng nghiệp nhằm đổi mới phương pháp dạy học. Một trong những thành tựu đó sơ đồ hoá bài học (phụ lục 5).
Sơ đồ hoá bài học tức là sử dụng mạng lưới liên kết giữa các nội dung, hình ảnh của bài học, với sự hỗ trợ của màu sắc, biểu tượng,… nhằm hệ thống hoá bài học (từng mục, cả bài, chương, phần,…) trong việc dạy kiến thức mới, đặc biệt là củng cố những kiến thức đã học. Bằng cách lập sơ đồ sẽ giúp các em tăng tính chủ động, tích cực, sáng tạo và phát triển tư duy (như phải đọc hết nội dung của bài, chọn ý chính, thiết lập mối quan hệ,…)
Đối với những học sinh không có ý định thi khối xã hội, những học sinh lười học, khi giáo viên yêu cầu lập sơ đồ cũng giúp các em nắm được các ý chính của bài học. Lâu ngày, bằng phương pháp này, với kết quả cụ thể sạu mỗi bài học,  chắc chắn sẽ làm cho các em thay đổi nhận thức và sẽ học tốt hơn bộ môn này 
          Sáu là, về  phía học sinh, GV cần hướng dẫn cho học sinh chuẩn bị  bài trước, xem bài trước thì khi lên lớp, học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức. Con đường hình thành tri thức trong đầu học sinh là vậy, như nhà văn Lỗ Tấn khẳng định: "Kỳ thực ra trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi rồi thành đường đó thôi”. Thực tế học sinh rất ít khi chuẩn bị bài trước nên GV cần phải yêu cầu học sinh chuẩn bị bài bằng cách nếu các tình huống có vấn đề, khơi dậy tính tò mò, ham hiểu biết của học sinh. GV phải thường xuyên kiểm tra việc này để đưa học sinh vào nề nếp, coi việc chuẩn bị bài là việc tất yếu phải làm. Có nghĩa là phải tăng cường cho học sinh làm việc với sách giáo khoa nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Được như vậy đảm bảo giờ dạy sẽ hiệu quả.
 Bên cạnh đó, giáo viên tăng cường cho học sinh làm việc theo nhóm, giao cho nhóm học sinh sưu tầm và làm bài tập theo dạng đề tài khoa học với yêu cầu ở mức độ vừa phải, hướng dẫn học sinh lên mạng tìm kiếm thông tin, sau đó cho thuyết trình, quy định trước là sẽ lựa chọn ngẫu nhiên để tránh sự ỷ lại. Điều này sẽ giúp học sinh có kỹ năng tìm kiếm, xử lý thông tin. Với yêu cầu này chúng tôi đã bắt gặp những tài liệu hữu ích do học sinh sưu tầm, những bài tập công phu do học sinh thực hiện. Theo chúng tôi,  những học sinh có được kỹ năng như thế, sẽ học tốt môn Lịch sử.

Bảy là, giáo viên chú ý trau dồi nghệ thuật sư phạm. Trong giảng dạy, nghệ thuật sư phạm đóng vai trò quan trọng đến sự tiếp nhận kiến thức của học sinh cũng như hiệu quả giáo dục. Làm nghề giáo, có người dạy rất cuốn hút, hấp dẫn học trò, ngồi nghe cứ như nuốt lấy từng lời. Tuy nhiên, có người dạy rất tẻ nhạt, thiếu lôi cuốn, khiến học trò cứ ngủ lên ngủ xuống…Người thầy dạy hấp dẫn, cuốn hút học trò, ngoài giỏi chuyên môn còn cần phải có "nghệ thuật sư phạm” mà có người gọi là "năng khiếu”, mà "năng khiếu” thì không phải ai cũng có. Tuy vậy, theo chúng tôi, có những cái thuộc về "nghệ thuật sư phạm” không cần phải có "năng khiếu”, không cần khổ luyện, chỉ cần giáo viên để ý một chút thôi là sẽ làm được. Ví dụ như nhớ tên học trò. Một vấn  đề tưởng như đơn giản nhưng lại rất hiệu quả trong dạy học đó là GV nhớ tên học sinh, chuyện trò thân thiện với học sinh. Tâm lý của con người ai cũng vậy, cái tên của mình là quan trọng. Nếu ta trò chuyện với ai đó một vài lần mà lần sau gặp gỡ họ không nhớ tên ta thì rõ ràng ta không có cảm tình với người đó, nhưng ngược lại nếu ta chỉ gặp gỡ  có một lần mà lần sau gặp lại họ không những nhớ tên ta mà còn nhớ cả sở thích của ta thì rõ ràng ta sẽ rất có cảm tình với người đó. Mà khi đã có cảm tình với ai thì ta sẽ đối xử tốt với người đó; hoặc là khi coi thi, nếu chúng ta nhắc nhở bằng tên học sinh thì sẽ hiệu quả hơn gọi bằng số báo danh.  Vì vậy trong dạy học, GV nên nhớ tên học sinh, thân thiện với học sinh để học sinh có ấn tượng tốt và  không phụ công sức, tình cảm của GV.
 Thêm một dẫn chứng nữa, trong nhiều năm qua chúng tôi đạt được được thành tích tốt trong bồi dưỡng học sinh giỏi mà bí quyết rất đơn giản là động viên và đặt niềm tin vào học trò. Chúng tôi luôn nói với thành viên đội tuyển rằng, các anh chị khóa trước học lực cũng như các bạn mà thi đạt giải cao, đỗ trường đại học này, đại học kia. Hay gặp riêng từng thành viên đội tuyển và nói "Em học rất tốt, năm nay thầy đặt rất nhiều hi vọng vào em”… Với "nghệ thuật” khích lệ và đặt niêm tin vào học trò như thế, đảm bảo học trò sẽ không phụ công thầy, khi đó chất lượng bộ môn cũng như chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên.

Tám là, giáo viên chú ý khơi dậy thói quen đọc sách cho học sinh. Thực tế cho thấy những người giỏi Sử (kể cả giỏi các lĩnh vực khác) đều mê đọc sách. Vì vậy, giáo viên nên giới thiệu cho học sinh những cuốn sách hay, bổ ích. Làm tốt công việc này không chỉ một mình giáo viên Sử mà cần sự phối hợp của các đồng nghiệp, đặc biệt là giáo viên phụ trách thư viện trường. Chúng tôi cắt cử giáo viên Sử đi nhà sách cùng với nhân viên thư viện trường sang nhà sách để tìm mua những cuốn sách sử hay, bổ ích, thiết thực. Hàng tuần thư viện có mục "giới thiệu sách” mời thầy cô và học trò đón đọc. Ngoài ra, một học kỳ thư viện 2 lần tổ chức giới thiệu sách dưới cờ cho học sinh toàn trường.
.         Những việc làm trên theo ghi nhận của chúng tôi, hiệu quả thấy rõ. Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi giới thiệu cuốn sách "A ma nách, những nền văn minh thế giới” với thông tin: "Đây là cuốn sách hay, đọc cuốn này thì trả lời được rất nhiều câu hỏi trong các chương trình "game show” trên truyền hình. Kết quả, theo phản ánh của cô Hồ Thị Minh Thiện, nhiều học sinh lên thư viện tìm đọc cuốn sách này. Theo cô Hồ Thị Minh Thiện, số lượt học sinh mượn sách rất nhiều, là dấu hiệu đáng mừng về văn hóa đọc. Vậy nên, nếu khơi được thói quen đọc sách và thư viện trường có nhiều sách hay, bổ ích thì sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có môn Sử.

Chín là, trong công tác quản lý, BGH cần làm những việc sau:
- Có kế hoạch ôn thi tốt nghiệp, chỉ đạo việc biên soạn tài liệu ôn tập thi tốt nghiệp phù hợp với đối tượng học sinh, tuy trên thị trường có nhiều tài liệu tham khảo nhưng chỉ có giáo viên trực tiếp đứng lớp mới hiểu học sinh của mình.
          - Hướng dẫn tổ, cá nhân xây dựng kế hoạch dạy bộ môn với những nội dung, chỉ tiêu và biện pháp cụ thể; lãnh đạo nhà trường kiểm tra chặt chẽ, có biện pháp chỉ đạo sự phối hợp giữa tổ sử và các bộ phận khác nhằm thực hiện tốt kế hoạch của tổ, trường.
          - Phối hợp Ban tuyên giáo Quận, đài PTTH Quận tuyên truyền về lịch sử địa phương.

Mười là, tổ chức các hoạt động phụ trợ cho việc dạy và học môn Lịch sử.
- Tổ chức tham quan bảo tàng Quân khu V, bảo tàng Hồ Chí Minh, bảo tàng Đà Nẵng; các di tích thành Điện Hải, K20…nhằm củng cố, khắc sâu hơn kiến thức lịch sử đã học, đặc biệt, qua tham quan di tích học sinh sẽ hiểu hơn về vị trí, đóng góp của lịch sử địa phương trong tiến trình lịch sử dân tộc. Từ đó tự hào về quê hương, yêu quê hương, ra sức phấn đấu học tập xây dựng quê hương đất nước.
Nhiều thế hệ học sinh Trường THPT Ngũ Hành Sơn, sau khi tham quan bảo tàng Quân khu V và bảo tàng HCM đã bày tỏ: "Ước gì học Sử hấp dẫn như ở bảo tàng” là đủ thấy hiệu quả giáo dục như thế nào. Trong bài thu hoạch sau khi tham quan bảo tàng QKV và bảo tàng HCM, em Phạm Thị Lấm lớp 12/11 năm học 2009-2010 viết như sau: "Học Sử ở bảo tàng thật dễ hiểu, dễ nhớ, dễ khắc sâu vì có hình ảnh trực quan sinh động. Ví dụ, nói về tình cảnh nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng 8.1945, SGK viết: "Chính sách vơ vét, bóc lột của Pháp – Nhật đã đẩy nhân dân ta tới chỗ cùng cực. Hậu quả là cuối năm 1944 đầu năm 1945 có khoảng 2 triệu đồng bào ta chết đói”. Chỉ là con số khô khan, dù đó là con số 2 triệu đồng bào ta chết đói cũng không tác động tới tình cảm học sinh bằng tại bảo tàng treo hình ảnh người nông dân gầy gò, ốm yếu, tiều tụy, dơ xương, trông thê thảm vô cùng. Hình ảnh đó không thể không thương cảm, không thể không uất hận, căm thù Pháp – Nhật đã đẩy đồng bào ta ra nông nỗi đó”.
Không chỉ em Phạm Thị Lấm giỏi Sử, mê Sử mới cảm nhận được điều đó, mà tất cả học sinh đều chăm chú, say sưa nghe cô hướng dẫn viên bảo tàng nói chuyện. Một hình ảnh trái ngược với không khí học ở lớp, nhiều em không tập trung, ngáp lên ngáp xuống.
Vậy tại sao các cô chú ở bảo tàng không phải là giáo viên mà "dạy” học sinh chăm chú và thích thú như thế? Có lẽ không khó để giải thích vấn đề này, bởi bài học ở bảo tàng có hình ảnh trực quan sinh động, lồng vào đó là những câu chuyện kể lịch sử hết sức hấp dẫn liên quan đến hình ảnh, nhân vật, sự kiện. Còn cô chú hướng dẫn viên trong vai trò giáo viên không lo "cháy giáo án”, lịch sử được "mềm” hóa bằng những câu chuyện như thế học sinh không mê mới lạ. 
Thế nên, việc tổ chức cho học sinh tham quan, học tập ở bảo tàng, di tích, rõ ràng là cực kỳ hữu ích. Vấn đề còn lại là do kinh nghiệm tổ chức và quản lý sao cho hiệu quả mà thôi.
Gần chục năm nay, hoạt động ngoại khóa tham quan bảo tàng Quân khu V và bảo tàng Hồ Chí Minh là hoạt động thường niên được tổ chức vào dịp 22.12 của tổ Sử Trường THPT Ngũ Hành Sơn, nên chúng tôi có nhiều kinh nghiệm về tổ chức và quản lý cho hoạt động phụ trợ dạy và học môn Lịch sử này.
Trước hết lên kế hoạch về thời gian, địa điểm, phương tiện, kinh phí, người thực hiên…trình BGH phê duyệt. Sau đó, liên hệ với bảo tàng đặt vấn đề về công việc, thời gian, số lượng người để phía bảo tàng sắp xếp bố trí người hướng dẫn. Bước tiếp theo, giáo viên chủ nhiệm quán triệt với học sinh chấp hành tốt nội quy, nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm về mặt hạnh kiểm. Còn giáo viên bộ môn Lịch sử thì thông báo cho học sinh biết sau chuyến tham quan bảo tàng sẽ viết bài thu hoạch lấy điểm, em nào không thực hiện hoặc thực hiên không tốt, giáo viên cần có biện pháp giáo dục.
        - Sưu tầm và trình chiếu các phim tài liệu lịch sử như "Cuộc chiến 10.000 ngày”, "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”…
        - Tổ chức sinh hoạt ngoại khóa dưới cờ với chủ đề Lịch sử vào các dịp 22.12, 3.2, 30.4…trong đó chú ý xây dựng các hoạt cảnh về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, chị Võ Thị Sáu, Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, Hội nghị Diên Hồng…
        - Tổ chức các hoạt động văn nghệ, những bài hát về quê hương đất nước; những bài ca cách mạng, những bài hát về Đảng quang vinh, về Bác Hồ kính yêu…
       - Giáo dục lịch sử địa phương qua phong trào "Tìm hiểu, thi viết về địa chỉ đỏ”. Đây là một hoạt động phụ trợ cho dạy và học Lịch sử  rất hiệu quả mà chúng tôi đã thực hiện thành công trong năm học 2009 -2010. Theo đó, giao cho Đoàn trường triển khai bằng văn bản về cuộc thi "Tìm hiểu, viết về địa chỉ đỏ” trên địa bàn Quận cho các lớp với các hình thức như: Ghi chép, phóng sự, phỏng vấn…
Khi chấm chọn bài trao giải, chúng tôi rất bất ngờ và quá đỗi vui mừng trước nhiều bài dự thi chất lượng từ nội dung đến hình thức, thể hiện sự đầu tư, sáng tạo (chụp chung hình với nhân vật), và hơn hết là tình cảm rất chân thực, xúc động của học sinh về các "địa chỉ đỏ”- những anh hùng lực lượng vũ trang, những gia đình có công với cách mạng…
Xin được mượn lời em Phạm Thị Nhung lớp 11/4, (lớp đạt giải nhất) để nói về hiệu quả của cuộc thi: "Không có bài học nào sống động, thiết thực và giàu sức biểu cảm bằng chính những câu chuyện giản dị, chân thực và xúc động của những nhân chứng sống mà chúng em đã được nghe, được chứng kiến”. 

V – Kết luận và kiến nghị
1. Kết luận
Trong điều kiện hiện nay, thực hiện một cách đồng bộ những giải pháp nói trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng môn Lịch sử, mà hiệu quả của nó đã được thể hiện tại đơn vị Trường THPT Ngũ Hành Sơn trong những năm qua. Thiết nghĩ, các trường THPT, trước hết là lãnh đạo quản lý, giáo viên bộ môn Lịch sử nên tham khảo, tích cực trao đổi, chọn lọ và áp dụng một cách sáng tạo, chắc chắn các giải pháp trên sẽ góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng dạy học bộ môn lịch sử nói riêng và hình thành nhân cấch con người Việt nam nói chung.

2. Kiến nghị
Những giải pháp chúng tôi đưa ra là có hiệu quả nhưng khó nhân rộng và không lâu bền, vì hiệu quả phụ thuộc khá nhiều vào cái tâm, lòng yêu nghề, và ý thức trách nhiệm của nhà giáo. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, thật khó đòi hỏi nhà giáo làm tốt chức trách của mình trong khi cứ để họ sống "ngắc ngoải” với đồng lương eo hẹp và mòn mỏi với mong ước "sống được bằng lương”. Vì vậy, để giải quyết vấn đề một cách căn cơ và bền vững thì phải dựa trên tinh thần "có thực mới vực được đạo”, nghĩa là phải có chế độ đãi ngộ tốt cho giáo viên. Do đó, cùng với những giải pháp nêu trên, chúng tôi có một số kiến nghị, đề xuất với Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng và Bộ GD-ĐT, mà chúng tôi tin tưởng rằng nếu thực hiện nhất định chất lượng môn Lịch sử sẽ được nâng lên. 
Đối với Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng:
Một là, tổ chức biên soạn giáo trình Lịch sử địa phương; xây dựng danh mục tài liệu về hệ thống di tích Lịch sử trên địa bàn và hợp tác với Sở văn hóa, thể thao và du lịch nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động phụ trợ việc dạy và học môn Lịch sử.
Hai là, phổ biến kết quả thi biên soạn tư liệu Lịch sử; phổ biến những sáng kiến kinh nghiệm chất lượng được giải cao lên trang Web của sở cho giáo viên tham khảo, học hỏi.
Ba là, tổ chức các Hội thảo chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm về dạy học bộ môn.
Bốn là, phối hợp với Thành đoàn tổ chức và duy trì các Hội thi có ý nghĩa giáo dục như "Đà Nẵng – Con người – thời gian”; Hội thi tìm hiểu "biển đảo quê hương”, (một cuộc thi rất có ý nghĩa mà Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, được dư luận đánh giá rất cao)

Đối với Bộ GD&ĐT chúng tôi có 4 kiến nghị như sau:
Một là, môn Lịch sử nên là môn thi tốt nghiệp bắt buộc, đồng hành với Toán, Văn, Ngoại ngữ. Quyết định này thể hiện đúng vai trò quan trọng của môn Lịch sử, khi đó tâm thế dạy và học ngay từ đầu của thầy – trò sẽ khác, sẽ không còn tình trạng cắt xén chương trình, sẽ không còn tình trạng học đối phó…, mà sẽ có sự đầu tư dạy và học một cách nghiêm túc. Nếu môn lịch sử không là bắt buộc đối với tất cả học sinh thì ít ra cúng bắt buộc đối với học sinh ban KHXH-NV
Hai là, tổ chức biên soạn lại sách giáo khoa Lịch sử. Rõ ràng chương trình SGK hiện nay quá nặng nề, thiên về chính trị và chỉ chú trọng đến các con số, sự kiện khô khan, không tạo sự hấp dẫn cho học sinh. Trả lời báo chí GS Đinh Xuân Lâm cho biết: "Việc soạn sách giáo khoa hiện nay là trên tinh thần "Đại đoàn kết dân tộc", tức là một cuốn sách soạn ra do một ông trong TP.HCM, một ông tại Huế, một ông tại Đà Nẵng rồi lại một ông ở Hà Nội... cùng hợp tác viết nên ông chủ biên cũng không sao gặp được để bàn bạc, vì thế khó mà không để xảy ra sai sót!”.
  Vì vậy, Bộ GD&ĐT nên mời các chuyên gia, các thầy cô giáo giỏi phối hợp với Hội Khoa Học lịch sử nghiêm túc ngồi lại với nhau tổ chức biên soạn lại SGK lịch sử theo yêu cầu của thời đại, với tinh thần hòa nhập và đổi mới.
Ba là, xem xét lại việc xếp các khối thi ĐH. Xét tới cùng, nguyên nhân lớn nhất khiến kết quả thi môn Lịch sử và cả Địa lý ngày càng thấp đi là do thí sinh trở nên kém mặn mà với khối C (Văn-Sử-Địa), vì số ngành học tuyển sinh theo khối C và cơ hội phát triển nghề nghiệp tương lai đang giảm sút nghiêm trọng.
Dù xã hội đều biết kiến thức về lịch sử là vô cùng quan trọng, nhất là trong thời điểm hiện nay khi những vấn đề tranh chấp chủ quyền đang đặt ra rất bức thiết, song sức chi phối của nhu cầu và lợi ích vẫn khó cưỡng lại.
Vậy thì, rõ ràng, cách thiết thực nhất để học sinh thấy được sự cần thiết của môn Lịch sử là nâng tầm quan trọng của nó trong việc thi cử của học sinh. Để làm được điều đó, chúng ta cần nghiêm túc xem xét lại việc tuyển sinh ĐH theo các khối A, B, C, D như hiện nay.
Chúng tôi cho rằng việc tuyển sinh theo các khối thi với các môn thi như hiện nay không phù hợp khi áp dụng vào các trường và các ngành học cụ thể. Thí dụ, các trường kinh tế đều tuyển sinh theo khối A nhưng nội dung môn Vật lý và môn Hóa học không hề phục vụ chương trình học tập về sau, nhất là ở các chuyên ngành thiên về kinh doanh hơn là kinh tế học. Đây là sự lãng phí về nguồn lực trí tuệ. Trong khi đó, nội dung hai môn Lịch sử và Địa lý lại rất cần thiết và phù hợp với mục tiêu đào tạo tại các trường này và nên được dùng làm môn thi tuyển sinh.
Khó có thể kinh doanh, nhất là kinh doanh trong môi trường quốc tế thành công nếu thiếu hiểu biết về đặc điểm văn hóa, lịch sử, địa lý, nhất là địa lý kinh tế của phía đối tác. Chưa kể, trong chương trình học của các trường này, rất nhiều môn học có đặc tính của môn Lịch sử, như lịch sử các học thuyết kinh tế, sự phát triển của các hệ thống bản vị tiền tệ, sự phát triển của thương mại quốc tế... Các môn học này đều đòi hỏi nền tảng kiến thức về lịch sử mà sinh viên hầu như đều "hổng".
Vậy nên, tùy theo nội dung, mục tiêu đào tạo của từng ngành học; các trường sẽ ra quyết định về môn thi tuyển sinh. Chẳng hạn, cùng là ngành kỹ thuật, nhưng ngành kỹ thuật của ĐH Bách khoa sẽ không cần thi tuyển sinh bằng môn Lịch sử. Nhưng ngành kỹ thuật của các trường quân sự và an ninh thì không thể thiếu môn này bên cạnh ba môn Toán-Lý-Hóa. Vì đối tượng đào tạo của các trường này là các kỹ sư, sĩ quan sẽ đảm nhận các nhiệm vụ chính trị. Sửa đổi theo hướng này, "đất" cho môn Lịch sử sẽ được mở rộng hơn rất nhiều và sự mở rộng này là cần thiết. Khi đó, vị thế của môn Lịch sử sẽ được nâng cao và việc học tập môn này cũng sẽ được cải thiện.
Bốn là, cần nâng cao chất lượng giáo viên, đặc biệt là giáo viên Lịch sử và có chế độ đãi ngộ tốt cho đội ngũ nhà giáo. Phải thẳng thắn thừa nhận một sự thật rất buồn là chất lượng đội ngũ giáo viên Lịch sử ngày càng giảm sút. Nguyên nhân là do đời sống khó khăn, giáo viên môn Sử ngoài đồng lương ít ỏi ra không dạy thêm như các môn tự nhiên nên không thể tập trung đầu tư cho chuyên môn. Học sinh lười học, cộng với thái độ xem môn Sử là môn phụ của lãnh đạo quản lý, của học sinh, phụ huynh và xã hội khiến cho nhiệt tình của không ít giáo viên nguội lạnh. Tình hình này ngày càng bi đát vì người giỏi không thi vào sư phạm từ gần chục năm nay. Chất lượng đầu vào giảm sút dẫn đến sự sa sút về chất lượng người thầy là không tránh khỏi.
Chúng tôi rất trăn trở và cảm thấy bị "sốc’ với thông tin "Đầu vào sư phạm: tuột dốc không phanh!” mà báo chí phản ánh. Theo đó, số lượng học sinh đăng ký thi vào sư phạm sụt giảm; kết quả trúng tuyển nguyện vọng 1 rất thấp. Nhiều ngành ở nhiều trường không đạt chỉ tiêu. Một số ngành không tuyển được người học sẽ phải đóng cửa.
Không ít thí sinh tiếng là trúng tuyển nhưng lại là kết quả của sự "bòn mót” đến kiệt cùng của ban tuyển sinh các trường. Chẳng hạn thi vào khoa sử mà có thí sinh chỉ đạt 1 điểm, nửa điểm (0,5) thậm chí 1/4 điểm (0,25) môn sử. Việc tuyển lựa có năm nào thảm hại như thế không?
Chúng tôi không hiểu các thầy cô ở các khoa, các trường ĐH sư phạm trong cả nước sẽ thần thông biến hóa như thế nào để phù phép giúp những thí sinh yếu kém cực kỳ như thế sau bốn năm lại có thể vững vàng đứng trên bục giảng ở các trường THPT?!
Muốn trò giỏi phải có thầy giỏi, đó là nguyên lý thép. Chúng tôi không hiểu mai này các học sinh của chúng ta sẽ học hành như thế nào với các thầy cô giáo trẻ nhiệt tình có thể có thừa nhưng tiềm lực khoa học quá mỏng như những thí sinh trúng tuyển năm nay.
Ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này, khi chất lượng giáo viên của các nước láng giềng cũng như của rất nhiều nước khác trên thế giới không ngừng được nâng cao thì chúng ta lại sắp đào tạo một thế hệ giáo viên mới với chất lượng đầu vào như thế đấy.
Dư luận xã hội nói chung, nguyện vọng của hơn 1 triệu giáo viên nói riêng đã và đang đòi hỏi sớm có một chiến lược cải cách giáo dục tổng thể, nhằm đạt yêu cầu "đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục VN” như nghị quyết Đại hội Đảng XI đã xác quyết.
Chiến lược cải cách ngành sư phạm, đào tạo và sử dụng giáo viên phải có một vị trí quan trọng trong chiến lược tổng thể đó. Hàng loạt vấn đề cần được cân nhắc và xử lý: làm thế nào để động viên những học sinh THPT ưu tú (chế độ miễn học phí hiện nay chưa đủ mạnh) vào ngành sư phạm? Sắp xếp tinh giản hệ thống trường ĐH sư phạm, khắc phục tình trạng đào tạo tràn lan (tỉnh nào cũng có trường hoặc khoa sư phạm), manh mún (mỗi tỉnh vài ba trăm hoặc ít hơn), phô trương hình thức (gần như đồng loạt "lên đời”, mang danh xưng ĐH sư phạm dù thực chất còn rất lỏng). Công khai và luật hóa chế độ đãi ngộ vật chất và tinh thần đối với giáo viên.
Nhiều năm gắn bó với bảng đen và bục giảng, chúng tôi cả tin là đã hiểu người thầy giáo VN và hệ thống sinh viên ĐH sư phạm. Hầu hết họ rất tự trọng. Họ tự nguyện sống chết với nghề nhưng cũng rất dễ mang mặc cảm tủi hổ khi bị đối xử chưa đàng hoàng, khi được vinh danh là kỹ sư tâm hồn nhưng trên thực tế bị coi nhẹ và thường xuyên bị nợ áo cơm ghì sát đất"
GS Hoàng Tụy từng thẳng thắn phát biểu trong cuộc tọa đàm về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo nước nhà do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức ngày 27/9/2011 tại Hà Nội : "Chúng ta luôn nói "Tôn sư trọng đạo”, nhưng lương nhà giáo quá thấp, giáo viên không thể sống được bằng đồng lương của mình"và nhấn mạnh: "Chính sách nhà giáo là vấn đề quan trọng nhất trong những vấn đề then chốt của việc đổi mới giáo dục”.
Vì vậy, theo chúng tôi giải pháp căn cơ nhất là nâng cao chất lương đội ngũ giáo viên, bắt đầu từ chính sách thu hút người giỏi vào ngành sư phạm và chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo. Mong rằng các cấp có trách nhiệm cần suy nghĩ, xử lý để sớm cải thiện triệt để tình hình này.
Những ai quan tâm đến giáo dục nước nhà đều hiểu rằng để nền giáo dục phát triển bền vững, bên cạnh các môn khoa học tự nhiên, các môn khoa học xã hội nhân văn trong đó có môn Lịch sử cần được coi trọng. Nâng cao chất lượng dạy và học lịch sử ở trường phổ thông là một việc làm có lợi cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, Dân tộc và tình đoàn kết hữu nghị với các dân tộc khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét