Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Tham luận Dạy - Học lịch sử ở nhà trường THPT tỉnh Đồng Tháp

Tham luận Dạy - Học lịch sử ở nhà trường THPT tỉnh Đồng Tháp


Bài tham luận của Thạc sỹ Trần Văn Chính - Giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu tỉnh Đồng Tháp.
1. Vị trí của môn Lịch sử ở trường THPT hiện nay.
Ngày 1 tháng 2 năm 1942, trên báo “ Việt Nam Độc Lập”, phát hành tại chiến khu, Bác viết bài: “ Nên học sử ta”. Bài báo mở đầu bằng 2 câu thơ :
                                 Dân ta phải biết sử ta                      
                        Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.
Môn Lịch sử có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối việc giáo dục thế hệ trẻ. Qua học môn Lịch sử hiểu biết về quá khứ, hướng về cội nguồn dân tộc đất nước và địa phương, giáo dục cho học sinh THPT lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, từ đó ý thức trách nhiệm của mình đối với quê hương đất nước.

Trong thực tiễn hoạt động dạy – học,  thông qua thực hiện chương trình, sách giáo khoa hiện hành và chuẩn kiến thức - kỹ năng, …ở trường THPT đã hình thành quan niệm trong phụ huynh, học sinh và cả trong cán bộ giáo viên “môn chính”, “ môn phụ” . Trong điều kiện kinh tế thị trường ngày nay vị trí  “ban C” đường đi hẹp hơn, lại khó xin việc làm, lợi ích kinh tế thấp.  Môn chính là Toán,Văn, Ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh còn lại là môn phụ: Sử, Địa, Giáo dục công dân… Đối với môn phụ, mức độ quan tâm có nhưng ít thôi, vì chỉ cần lên lớp học là được - môn thuộc bài, không cần gì phải suy nghĩ, tư duy so sánh, phân tích đánh giá gì cả.  Điều nầy dẫn đến cảm nhận xem thường các giáo viên dạy các  môn nầy, vì nó là “môn phụ” hơn nữa số học sinh thi vào khối C thu hẹp dần, không lối thoát. Từ đó ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động dạy và học ở các môn nầy, ở các trường THPT và cả trường THPT Chuyên.

          Qua  thực tế chất lượng dạy và học, kết quả thi cử, số học sinh vảo giảng đường đại học ít dần, trong 2 thập niên cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, thật sự  phản ánh chưa khách quan vai trò và tầm quan trọng môn Lịch sử trong trường THPT. Vì sao có kết quả trên, có thể đơn cử thêm một số nguyên nhân:
          - Nhu cầu xã hội về môn Lịch sử quá ít, trong thực tế nếu được sử dụng sự đãi ngộ cũng rẻ rúng! Thực tế học sinh quay lưng lại với ngành Sử, chuyển  hướng vào những ngành “hót” hơn, phù hợp với “thời thượng”. Từ đó dẫn đến  hiện trạng học sinh, sinh viên kém hào hứng với môn Lịch sử đó là tính thực tế và ứng dụng của môn học.
          - Do đội ngũ thầy cô giáo dạy Lịch sử hạn chế chưa đảm đương nổi chuyên môn của mình hay mặc cảm với môn mình “môn phụ”  thôi thì “cuốn theo chiều gió” theo quan niệm xã hội, tới đâu thì tới, thầy cũng chán dạy.  
          - Do lượng kiến thức chương trình và SGK môn Lịch sử ở các trường THPT còn quá nặng, bài giảng khô khan, thiên về lý thuyết – minh họa, đơn cử  khi  học các môn khác thì học sinh không than dài, còn học Lịch sử thì dài quá, nặng nề quá, học Sử có ích lợi gì?
          Đây là một vấn đề nan giải, đáng báo động, mà đòi hỏi Bộ GD-ĐT, các cấp các ngành có liên quan, các cấp lãnh đạo giáo dục, Hội KHLS Việt Nam,  các nhà khoa học, các nhà Sử học và đội ngũ giáo viên dạy Lịch sử và toàn xã hội phải suy nghĩ, từ đó có động thái và những biện pháp tích cực nhằm hạn chế, rồi từng bước xóa đi quan niệm lệch lạc trên, trả lại vị trí xứng đáng của môn Lịch sử.
          Vấn đề đặt ra trước tiên là nói đến chủ thể - chính giáo viên dạy Lịch sử THPT, khi đã dũng cảm đi theo ngành Lịch sử, thì cũng phải có ý thức trách nhiệm, biết vươn lên vượt khó, vượt qua những rào cản trở ngại nêu trên, bằng tâm huyết của mình, lòng yêu thương học sinh, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá của mình trong quá trình giảng dạy tạo ra những cao trào, điểm nút lịch sử tạo không khí Lịch sử, kiên trì giảng dạy,  thông qua hoạt động dạy và học Lịch sử, giúp học sinh tự hào về những giá trị Lịch sử - Văn hóa  tiêu biểu của dân tộc, yêu thích môn Lịch sử hơn, từng bước góp phần gạt bỏ những quan niệm lệch lạc của xã hội.

2. Đánh giá chương trình, sách giáo khoa hiện hành và đề xuất xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu dạy học Lịch sử ở trường phổ thông theo hướng phát huy năng lực của người học phục vụ chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015.

a. Về chương trình, sách giáo khoa hiện hành:
Chương trình và sách giáo khoa hiện hành, Bộ GD-ĐT ban hành từ năm học 2006-2007, được xây dựng theo hướng đồng tâm khoa học, khả thi, gồm có 2 phần Lịch sử Thế giới và Lịch sử Việt Nam, theo phân kỳ Lịch sử từ cổ đến kim (năm 2000). Chương trình và SGK có bố cục kênh chữ, kênh hình, tài liệu tham khảo, câu hỏi thường và nâng cao, bài tập lịch sử. Một số sự kiện, niên đại thay đổi cho phù hợp, quan điểm về tên gọi cho phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.   
Đã có bước tiến mới cải tiến về cấu trúc chương trình, nội dung, cũng như hình thức, mang tính khoa học và giáo dục, khá phù hợp với khả năng trình độ nhận thức của từng đối tượng học sinh, đáp ứng được mục tiêu giáo dục – giáo dưỡng học sinh THPT. Học sinh ban KH - TN học chương trình chuẩn; Học sinh ban KH XH - NV học chương trình nâng cao; Học sinh lớp chuyên Sử học chương trình nâng cao kết hợp với chuyên sâu…
Nội dung bộ chuẩn kiến thức THPT là những vấn đề lịch sử gồm cả nội dung, ý nghĩa, bản chất sự việc và nhận định đánh giá; Còn bộ sách giáo khoa là một công cụ tham khảo bổ trợ cho thầy cô soạn giảng hay lên lớp.
Qua thực tiễn dạy và học chương trình SGK Lịch sử ở các đơn vị trường THPT trong tỉnh, được đánh giá đúc rút kinh nghiệm, đề xuất qua các cuộc hội thảo, trên toàn quốc, theo Cụm trường THPT do Bộ GD-ĐT, Vụ phổ thông trung học, các trường Đại học, các Sở GD-ĐT tổ chức, từ đó chuẩn kiến thức -  kỹ năng ra đời, là công cụ hỗ trợ giáo viên soạn giảng và lên lớp tốt hơn, đặc biệt đến đầu năm học mới 2011-2012  Bộ GD-ĐT có ra công văn chỉ đạo hướng dẫn giảm tải cụ thể từng bài đã tạo ra một bước đột phá mới, tạo điều kiện thiết thực cho giáo viên Lịch sử và học sinh trong việc khai thác nội dung, đổi mới phương pháp dạy - học, đổi mới kiểm tra - đánh giá môn Lịch sử ở các trường THPT, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy và học.
Tuy nhiên qua thực tiễn thực hiện hoạt động dạy và giám sát kiểm tra hoạt động học và tiếp xúc trao đổi với học sinh ở trường trung học phổ thông TP. Cao Lãnh và trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu, bản thân tự nhận thấy bên cạnh những mặt tích cực đã  nêu trên thì còn một số hạn chế, nhất định, sẽ nêu lên ở phần đề xuất.
   
  b.  Đề xuất xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu dạy học môn Lịch sử ở trường theo hướng phát huy năng lực của người học phục vụ đổi mới kiểm tra đánh giá nâng cao chất lượng:

Trên cơ sở chương trình, sách giáo khoa, sách giáo viên, chuẩn kiến thức kỹ năng dạy và học Lịch sử khối 10, khối 11 và khối 12 đã được cải tiến bổ sung hoàn thiện theo hướng đổi mới giáo dục, nhưng vẫn còn nặng và lý thuyết - minh họa, cần xây dựng chương trình và SGK theo hướng nhiều chiều, khoa học, hiện đại và tinh gọn, đảm bảo nội dung kiến thức cơ bản, như phải tập trung các sự kiện lịch sử tiêu biểu, văn hóa, nhân vật lịch sử, trận đánh, thành tích trong chiến đấu, trong xây dựng, trong đấu tranh ngoại,… mạnh dạn giảm tải những phần không trọng tâm, tăng cường bài tập, thậm chí mỗi bài có thêm phần toát yếu. Xây chương và SGK phải đảm bảo mục tiêu giáo dục, từng loại bài phải phù hợp với nhu cầu đổi mới phương pháp dạy – học, đổi mới kiểm tra đánh giá, phù hợp với tâm sinh lý và khả năng nhận biết của học sinh. Qua đó phát huy tính tích cực và tự lực của học sinh thực sự ( học ít nhớ lâu khắc sâu, hiểu được bản chất, ý nghĩa của sự kiện, hiện tượng lịch sử tiêu biểu, còn hơn học nhiều, bị áp đặt, sau đó quên hết), qua đó góp phần giáo dục – giáo dưỡng, xây dựng niềm tin, niềm tự hào dân tộc cho học sinh, góp đào tạo con người có nhận thức và hành động theo hướng tích cực, hiểu quá khứ, soi rọi hiện tại, rồi định hướng cho tương lai tốt hơn.
Xây dựng cấu trúc chương trình, sách giáo khoa, sách giáo viên cả bộ chuẩn kiến thức -  kỹ năng, phải đảm bảo sự thông thoáng, tăng cường khả năng thực hành lịch sử phù hợp, có tính nguyên tắc giáo dục, nghĩa là phải giành thời lượng phù hợp cho hoạt động dạy và học: như khai thác tranh ảnh, sử dụng sơ đồ, bản đồ, thảo luận nhóm, thực hành bài tập lịch sử, trò chơi Lịch sử và ôn tập củng cố kiến thức, kể chuyện Lịch sử, tạo ra một môi trường học tập lĩnh hội kiến thức môn Lịch sử thoải mái, kích thích tìm tòi, học hỏi của học sinh, đây là điều kiện cần thiết cho giáo viên và học sinh xây dựng tái hiện lại bức tranh Lịch sử sinh động, góp phần phát huy việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới KTD-ĐG, phát huy được tính tích cực, tự lực của học sinh trong học tập, góp phần thiết thực trong việc nâng cao chất lượng và hiểu quả giảng dạy.     
Để góp phần nâng cao nhận thức, nhớ lâu kiến thức, ý nghĩa, bản chất của các sự kiện Lịch sử ở trường THPT, về chương trình và SGK, chuẩn kiến thức kỹ năng, xây dựng dạy học theo chủ đề, tuy đã được giảm tải ở một nhiều bài tiêu biểu, nhưng nhìn chung còn một số bài ở khối 10, khối 11 và khối 12, còn kiến thức nặng, chủ yếu lý thuyết -  minh họa và thời gian củng cố ôn tập, làm bài tập lịch sử ít, điển hình như: Lớp 12, Bài 17: Nước VNDCCH từ sau ngày 2 tháng 9 đến trước ngày 19 tháng 12 năm 1946, dạy 2 tiết (đề nghị dạy thêm 1 tiết đây là phần quan trọng); khối 12 ở HKI dạy từ tiết 1 đến tiết 14, tiết 15 kiểm tra 45phút (đề nghị thêm 1 tiết ôn tập và làm bài tập lịch sử củng cố kiến thức đã học, trước khi kiểm tra 45 phút), thi HKI lớp 12, có đến 20 bài, tổng số thời lượng đến 34 tiết, ôn tập có 2 tiết (đề nghị thêm 1 tiết ôn tập củng cố và bài tập lịch sử ); lớp 11 ở HKI dạy 10 tiết, tiết 11 kiểm tra 45 phút (đề nghị thêm một tiết ôn tập trước khi cho kiểm tra 45 phút); khối 10, Bài 14: Các quốc gia cổ đại trên đất nước ta, dạy 1 tiết (đề nghị thêm một tiết), Bài 16: Thời Bắc thuộc và cuộc đấu tranh giành ĐL - DT(TK II TCN – TK X, đề nghị có phần  giảm tải; ở HKI học từ tiết 1 đến tiết 10, tiết 11 kiểm tra 45 phút (đề nghị có tiết ôn tập củng cố kiến thức trước khi kiểm tra 45 phút), ở HKII dạy 15 tiết, thì tiết 16 (tiết 35 kiểm 45 phút- đề nghị có thêm tiết ôn tập và làm bài tập lịch sử củng cố kiến thức trước khi kiểm tra 45 phút),…
Trên cơ sở chương trình và sách giáo khoa và kết quả việc dạy và học thi cử môn Lịch sử, Bộ GD – ĐT, các ngành hữu quan các cấp; Vụ trung học phổ thông, lãnh đạo chuyên môn  Sở GD – ĐT, lãnh đạo chuyên môn ở các trường cần suy nghĩ và cảm nhận nhiều hơn về chương trình và sách giáo khoa, chuẩn kiến thức kỹ năng; Về dạy và học Lịch sử ở trường THPT hiện nay. Từ đó tìm hiểu ra nguyên nhân vì sao? Nguyên nào là nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân nào nguyên nhân góp phần? Tại sao học sinh phương Tây, học sinh Trung Quốc,… yêu thích học Lịch sử dân tộc và học tập có hiệu quả, còn học sinh Việt Nam ít yêu thích, học thì nhiều như sau đó là quên hết. Tại sao học sinh Việt Nam biết, hiểu Lịch sử Trung Quốc rạch ròi, còn Lịch sử dân tộc thì mập mờ? Đây là một bài toán khó mà chúng ta cần quan tâm nhiều hơn, xây dựng ý thức cộng đồng trách nhiệm, để đạt được những biện pháp tích cực, nhằm giải đáp bài toán khó.

3. Đánh giá thực trạng giảng dạy, học tập môn Lịch sử  hiện nay ở trường phổ thông, đề xuất những giải pháp đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử tại các trường phổ thông.
a. Đánh giá về thực trạng giảng dạy và học tập môn Lịch sử hiện nay ở trường phổ thông:
         Tại hội thảo ngày 3 tháng 1 năm 2009 của Bộ GD-ĐT ở thành phố Vinh đánh giá về đổi mới phương pháp dạy học: “Ở các địa phương hiện tượng đọc chép vẩn còn phổ biến, chưa tận dụng sách giáo khoa để giảm nhẹ việc của thầy và trò trên lớp,…”
Mặc dù Sở Giáo dục – Đào tạo Đồng Tháp, ra công văn đổi mới dạy và học, 2010-2011 và đầu năm 20011-2012, nội dung chủ yếu là “chống lối dạy chay”, “Thầy đọc trò chép” tạo ra một chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ giáo dạy ở các trường THPT hơn nữa hằng năm Sở GD-ĐT, phòng trung học phổ thông thường tổ chức nhiều lần hội thảo theo từ chủ đề như kinh nghiệm ôn tập cho học lớp 12 thi TN THPT, đổi mới kiểm tra đánh giá, thúc đẩy đổi phương pháp giảng dạy, mỗi lần đơn vị nào đăng cai hội thảo, thì  dạy từ 1 đến 2 tiết minh họa theo hướng đổi mới trên, tạo điều kiện cho giáo viên môn Lịch sử THPT trong tỉnh trao đổi học tập, rút kinh nghiệm, đây là sân chơi bổ ích góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho thầy, cô, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số giáo viên dạy Lịch sử và một số môn dạy theo lối “truyền thống” tóm tắt những kiến thức các bài trong sách giáo khoa, thầy đọc trò chép, thầy giải thích thêm một số kiến thức cơ bản, trò về học thuộc sau đó kiểm tra hay thi cử, không quan tâm đến việc phát huy tính tích cực và tự lực của học sinh của học sinh.   
Bên cạnh những giáo viên sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng tranh ảnh biểu đồ, bản đồ, bảng tóm tắt, so sánh,…đưa vào giảng dạy phát huy tính tích cực và tự lực của học sinh, thì lại có một số giáo viên khi lên lớp lại lạm dụng việc trình chiếu tranh ảnh – giờ dạy tranh ảnh Lịch sử, học sinh không ghi chép được bài, chưa đảm bảo được yêu cầu của một tiết dạy và học.
Mặc dù có sự dặn dò của giáo viên, nhưng vẫn còn một bộ phận học sinh ở trường phổ thông chưa có ý thức chuẩn bị học tốt bài mới, như xem bài trước bài mới, tham khảo câu hỏi trong sách giáo khoa, làm bài tập,…để có chủ định xây dựng bài mới, nên ít nhiều gây trở ngại cho quá trình phối hợp khám phá kiến thức bài mới.  
Do áp lực thi cử nhiều môn, phần thì do đáp án các đề thi môn Lịch sử của Sở GD-ĐT và đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT các năm trước đây, đáp án y hệt kiến thức SGK hay chuẩn kiến thức, chưa thực sự tạo điều kiện phân hóa học sinh G, K, TB,…học sinh chỉ học thuộc nắm chắc kiến thức thì làm được, không cần phải tư duy, nên một số giáo viên ngại khó, áp dụng cách dạy “truyền thống” mà vẫn có kết quả  khá tốt trong thi cử.
Do áp lực thi cử học thường tập trung cho các môn thi tốt nghiệp và đại học, hình thành trong suy nghĩ hành động của một số học sinh: không có ý  thức vượt khó vươn lên, không tỏ rõ bản lĩnh của mình trong học tập là phải hoàn thành tốt kiến thức các môn học ở trường THPT đúng nghĩa của nó, từ đó không cần quan tâm đến môn Lịch sử - là “môn phụ”, không cần đầu tư nhiều, thậm chí chỉ cần thi tốt nghiệp THPT được 0.5 điểm vẫn đậu tốt nghiệp THPT.
Thực tiễn thực hiện chương trình SGK qua các năm, khối lớp Ban KH-TN, học sinh học chương trình chuẩn này càng tăng về số lượng,  ngược lại khối lớp Ban KHXH-NV, học sinh học chương trình nâng cao, khối lớp ngày càng thu hẹp, rất nhiều trường THPT không có lớp Ban KH XH- NV.
       Qua các năm tuyển sinh vào khối chuyên và trường chuyên từ các năm trước đây đến hiện nay có một học sinh dự thi, thậm chí có năm không có học sinh thi vào lớp Chuyên Sử.
b. Đề xuất đổi mới phương giảng dạy và đổi mới kiểm tra đánh giá:
   * Đề xuất đổi mới phương giảng dạy:
- Phương pháp dạy học là con đường cách thức truyền thụ và tiếp nhận kiến thức. Có phương pháp tốt thì kiến thức Lịch sử và ý nghĩa của sự kiện quan trọng sẽ chuyển tải đến học sinh bằng con đường ngắn nhất và đầy đủ nhất.
- Đổi mới phương dạy học phải được tiến hành đồng bộ với đổi mới kiểm tra đánh giá, nhưng phải đi đúng hướng, chính xác khách quan đem lại hiểu quả tích cực.
- Đổi mới phương pháp là góp phần phát huy tính tích cực, tính tự lực của học sinh, nghĩa là chuyển đổi học sinh giữ vai trò chủ động - trung tâm, còn thầy giữ vai trò chủ đạo - dẫn dắt, chỉ đạo dẫn đường trong hoạt động dạy và học nhằm mục đích dạy học sinh cách khám phá kiến thức môn Lịch sử (Discover by History) cách lĩnh hội kiến thức, ý nghĩa và tính chất Lịch sử một cách có hiệu quả nhất.
- Đổi mới phương pháp, giáo viên phải khai thác, sử dụng công cụ thông tin, tranh ảnh, đồ dùng trong dạy học Lịch sử, nhưng phải đảm bảo tính chính xác khách quan khoa học, tính sư phạm, tránh lạm dụng.
- Đổi mới phương pháp giảng dạy kết hợp với đổi mới kiểm tra đánh giá (kiểm tra thường xuyên, định kỳ) đề và đáp án phải đảm bảo tính vừa sức, khách quan khoa học, phù hợp với nhận thức của từng đối tượng học sinh, qua đó phân luồng được học sinh yếu, trung, bình, khá, giỏi, từ đó rút kinh nghiệm điều chỉnh phù hợp cho hoạt động dạy và học hiệu quả.
- Tăng cường hoạt động phối hợp giữa thầy và trò trong quá trình hoạt động dạy và hoạt động học. Trò học với tinh thần cầu tiến, ở nhà mỗi bài phải học 2 lần hoàn chỉnh, nắm chắc kiến thức bài học, tích cực trong việc làm bài tập, xem trước bài mới trong SGK tham khảo các câu hỏi để có chủ định tiếp thu bài mới tốt, không chỉ học ở nhà, trên lớp mà còn học với tinh thần cầu ở thầy, ở bạn, sách, báo, các chương trình liên quan, mạng Internet, sưu tầm tranh ảnh, tư liệu Lịch sử hành văn. Học trên lớp triệt để sử dụng sách giáo khoa, tích cực trong xây dựng bài thảo luận nhóm,…
- Phải triển khai đồng bộ, có kiểm tra đánh giá, động viên, coi đó là công tác thường xuyên liên tục, lấy hoạt động của tổ hội đồng bộ môn và tổ bộ môn là cơ sở, lấy giáo viên dạy môn Lịch sử làm nồng cốt trong việc đổi mới phương pháp dạy và học.
   
* Đề xuất đổi mới kiểm tra đánh giá:
- Các cấp quản lý  giáo dục chỉ đạo chặt chẽ và hướng dẫn kiểm tra thực hiện, trong đó lấy đơn vị triển khai trường học và tổ chuyên môn là đơn vị triển khai thực hiện.
- Các trường THPT, tổ chuyên môn và giáo viên tổ chức thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, đề đạt giải pháp khắc phục.
- Lấy ý kiến của học sinh góp phần đều chỉnh đổi mới kiểm tra đánh giá, thúc đẩy mối quan hệ tương tác, đánh giá của giáo viên với tự đánh giá của học sinh góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả dạy và học.
- Phải vận dụng phù hợp với trình độ nhận thức học tập của học sinh vùng miền. Chú trọng kỹ thuật ra đề kiểm tra đánh giá kết hợp cả tự luận và trắc nghiệm.
- Thúc đẩy đổi mới kiểm tra đánh giá kết hợp với đổi mới phương pháp dạy học - phương pháp dạy học tích cực.   
- Nói chung phải đi từ thực tiễn kiểm tra đánh giá thường xuyên liên tục,  tổng kết đúc rút kinh nghiệm, từ đó phát huy những ưu điểm khắc phục những hạn chế, yếu kém.
- Định kỳ tổ chức hội thảo, nhân điển hình tiên tiến, nhân rộng phát triển theo các cấp và đơn vị trường,…

4. Đánh giá về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Lịch sử ở trường phổ thông và đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên Lịch sử tại các trường khoa sư phạm.

a. Ưu: Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Lịch sử ở trường phổ được tiến hành thường xuyên liên tục, do Bộ GD-ĐT-Vụ trung học phổ thông, các trường Đại học bồi dưỡng theo cụm; Sở GD-ĐT- Hội đồng bộ môn của Sở GD-ĐT tổ chức, tổ chuyên môn và bản thân giáo viên tự bồi dưỡng.
Nhìn chung về công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên Lịch sử ở trường phổ thông đảm bảo yêu cầu về chuẩn kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học kết hợp với đổi mới kiểm tra đánh giá.    

b. Khuyết: Đào tạo không cân đối phù hợp với nhu cầu thực tế trong xã hội, cung vượt quá cầu.
Thực tế môn Lịch sử ở các trường đại học dạy còn nặng về lý thuyết, khâu thực hành có nhưng còn rất nhiều hạn chế: Như kỹ năng hướng dẫn học sinh thảo luận nhóm, kỹ năng hướng dẫn học sinh thực hiện buổi ngoại khóa Lịch sử ở sảnh trường, sân trường trên lớp và  hướng dẫn học  sinh,  sinh hoạt ngoại khóa ở 1 khu di tích lịch sử tiêu biểu,…
Giáo viên mới ra trường thường nhiệt tình trong giảng dạy nhưng qua thức tế giảng dạy đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, như chế độ thu nhập tiền lương, quan niệm về “môn phụ” của phụ huynh, học sinh và cả giáo viên,…nên an phận, từ đó không có ý thức vươn lên vượt khó, thiếu trách nhiệm tranh thủ làm nghề tay trái,…thậm chí không hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn mà trường, tổ phân công.

c. Đề xuất  một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên Lịch sử tại các trường khoa sư phạm:
      Để có được đội ngũ giáo viên Lịch sử THPT có chất lượng, cần phải chuẩn hóa đội ngũ giảng viên ở  các khoa và trường sư phạm, nghĩa là ngoài việc tuyển dụng sinh viên giỏi, thủ khoa trở thành giảng viên giỏi có tâm huyết, trước khi dạy giảng đường đại học, yêu cầu phải đưa đi thực tế giảng dạy ở một số trường phổ thông từ ít nhất 5 năm, kể cả tham dự các hội thảo về nâng cao chất lượng và phương pháp dạy học Lịch sử tiên tiến ở một số trường THPT và khoa sư phạm  tổ chức ở trong và ngoài nước, từ đó viết một sáng kiến kinh nghiệm hay một đề tài về phương pháp giảng dạy được nghiệm thu, thông Hội đồng khoa học đánh giá đánh năng lực giải dạy đạt, mới về trường đại học để giảng dạy và đào tạo chuyên ngành Lịch sử.

Ngoài việc đào tạo bồi dưỡng cho sinh viên về kiến thức (kiến thức chuyên môn ở Đại học, chuẩn KT–TN của chương trình và phương pháp dạy học môn Lịch sử nói chung trong đó có đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường khả năng thực hành sư phạm ở trường cũng như ở các trường phổ thông. Phải có sự giám sát, dự giờ đánh giá các tiết dạy của sinh viên thực tập ở các trường THPT, tránh giao khoán cho các trường THPT.
Đào tạo đủ số lượng đáp ứng nhu cầu thực tế ở các trường THPT, tránh thừa. Có kế hoạch gắn kết giữa đào tạo với thực hành sư phạm giữa Trường với các trường THPT, tổ chức hội thảo bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho giáo viên thường xuyên hằng năm, học tập trao đổi kinh nghiệm.
Để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy của viên đảm bảo chất đầu vào lẫn đầu ra. Có chế độ đãi ngộ về lương, trợ cấp, tham quan, học tập,…
Đạo đức nghề nghiệp chuyên môn, tâm huyết chuyên môn, có ý thức phấn đấu vượt qua những khó khăn trong cuộc sống phải đối mặt.
         
Trên đây là một số ý trao đổi việc đánh giá chương trình, sách giáo khoa hiện hành và đề xuất xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu dạy học Lịch sử ở trường phổ thông theo hướng phát huy năng lực của người học phục vụ chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015. Đánh giá thực trạng giảng dạy, học tập môn Lịch hiện nay ở trường phổ thông, đề xuất những giải pháp đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch tại các trường phổ thông. Đánh giá về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Lịch sử ở trường phổ thông và đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên Lịch sử tại các trường khoa sư phạm, chắc chắn sẽ có một số hạn chế, thiếu sót nhất định, đề nghị quí đồng nghiệp đóng góp ý kiến để cùng nhau học tập và bổ sung hoàn chỉnh hơn, xin chân thành cảm ơn! 
                                                                            Ngày 15 tháng 7 năm 2012
                                                                                 Người viết tham luận         
                                                                                      Trần Văn Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét