Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Tăng cường giáo dục lịch sử địa phương trong nhà trường

Tăng cường giáo dục lịch sử địa phương trong nhà trường


(Báo Đồng Khởi, Bến Tre)-Ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngành đã thường xuyên chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường củng cố và tăng cường việc dạy - học lịch sử địa phương.
Bắt đầu từ năm 2002, nội dung giáo dục địa phương là một phần trong chương trình dạy và học của các trường phổ thông (THCS và THPT) được thể hiện qua ba môn học: Ngữ văn, Địa lý và Lịch sử. Trong đó, Lịch sử được xem là một môn học trọng tâm để tuyên truyền, giáo dục lịch sử tỉnh Bến Tre đến học sinh. Sau 10 năm thực hiện, nội dung giáo dục lịch sử địa phương đã trang bị cho các em kiến thức cơ bản về quá trình hình thành và phát triển của địa phương; góp phần hình thành trong tâm thức của thế hệ trẻ tình yêu quê hương, ý chí quyết tâm bảo vệ và xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả giáo dục, đồng thời bảo đảm phù hợp với cấu trúc, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, Sở đã tổ chức biên soạn lại bộ tài liệu dạy - học Chương trình lịch sử, địa lý địa phương tỉnh Bến Tre dùng cho cấp THCS và THPT. Bắt đầu học kỳ II năm học 2011-2012, bậc THCS đã triển khai giảng dạy chương trình lịch sử địa phương theo tài liệu mới. Theo đó, cấu trúc gồm 6 bài dạy học tương ứng với 6 tiết dạy học theo chương trình quy định của Bộ; phần đọc thêm và phần phụ lục ảnh cung cấp những tư liệu làm phong phú các nội dung được đề cập trong bài học, giúp cho giáo viên bổ sung tư liệu để tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Nội dung chủ yếu: giới thiệu về nhân vật lịch sử của tỉnh (Nữ tướng Nguyễn Thị Định, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Ơn); những di tích lịch sử tiêu biểu ở Bến Tre (di tích Mộ và Đền nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, khu di tích lịch sử Đồng Khởi - Bến Tre); nghề thủ công truyền thống và mới phát triển trong địa phương… Đặc biệt, để tạo sự liên thông, gắn kết giữa những cột mốc, sự kiện đấu tranh cách mạng của dân tộc và địa phương, chương trình đưa vào ba vấn đề: lịch sử khẩn hoang hình thành tỉnh Bến Tre từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX; sự ra đời của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bến Tre; Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Bến Tre. Nội dung giáo dục địa phương được tổ chức kiểm tra như các nội dung khác trong chương trình bộ môn và sử dụng kết quả để đánh giá, xếp loại học sinh từng học kỳ và cuối năm học. Ông Nguyễn Minh Chí - Chuyên viên môn Lịch sử thuộc Sở cho biết, tài liệu mới tập trung ở việc cô đọng kiến thức, tăng cường số lượng câu hỏi bài tập phù hợp với tinh thần giáo dục “học đi đôi với hành” của ngành. Ngoài ra, còn kết hợp với hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục tích hợp, tài liệu lịch sử Đảng bộ địa phương… để phục vụ cho giáo dục lịch sử địa phương.
Đối với bậc THPT, tuy thực hiện theo chương trình cũ, nhưng từng trường, từng giáo viên đã có nhiều cách làm sáng tạo để giờ học lịch sử địa phương thêm hấp dẫn, sinh động và gần gũi với học sinh mình. Thầy Trang Sĩ Hòa, giáo viên dạy Lịch sử khối 11, 12 Trường THPT Ngô Văn Cấn (Mỏ Cày Bắc) chia sẻ, thông qua hình thức dạy - học trên lớp, tại thực địa, khu di tích, người giáo viên thiên về cách hướng dẫn học sinh sưu tầm tài liệu lịch sử địa phương, để sau đó trình bày lại trước lớp. Các em sẽ dễ nhớ, dễ thuộc và tích cực hơn trong học tập lịch sử nói chung và lịch sử địa phương nói riêng. Qua đó, góp phần phát huy tính thân thiện và tích cực, tính học và hành, đáp ứng yêu cầu của phong trào xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Gần đây nhất, nhà trường vừa tổ chức cho các em đi tham quan kết hợp học tập, tìm hiểu di tích căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (xã Tân Thanh Tây).
Sở thường xuyên thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động chuyên môn của các trường để kịp thời nắm bắt và khắc phục những khó khăn trong việc dạy - học lịch sử địa phương; đồng thời, tổ chức hội thảo để giáo viên trao đổi kinh nghiệm, thống nhất nội dung giảng dạy. Một tin vui cho hoạt động giảng dạy lịch sử địa phương là sắp tới, thầy trò trong cả nước có thể dễ dàng tra cứu mạng internet để tìm hiểu thông tin về bất kỳ di tích lịch sử nào thông qua đề án về việc phát triển giáo dục trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai. Năm học 2012-2013, Sở sẽ triển khai dạy - học lịch sử địa phương bậc THPT theo chương trình tài liệu mới. Đặc biệt, nhằm nâng cao vị thế của hoạt động giáo dục địa phương, sắp tới, Sở sẽ đưa vào nội dung kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi các cấp.
Một dân tộc phát triển là một dân tộc biết gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử. Muốn làm được điều đó thì công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ rất cần thiết. Đây cũng là hoạt động góp phần giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, từ đó đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa trong học sinh.
Thiên Hương - Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Bến Tre

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét