Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Đào tạo giáo viên Lịch sử THPT ở các trường, khoa Sư phạm Việt Nam - Thực trạng và giải pháp

Đào tạo giáo viên Lịch sử THPT ở các trường, khoa Sư phạm Việt Nam - Thực trạng và giải pháp

PGS.TS Ngô Minh Oanh
Viện Nghiên cứu Giáo dục - Trường ĐH Sư phạm Tp.HCM
(Bài viết được trích đăng từ Hội thảo dạy học Lịch sử toàn quốc do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Đà Nẵng) 
 
Tình hình chất lượng dạy và học sử hiện nay ở trường phổ thông đã được không ít lần xã hội, báo chí và các nhà giáo dục lịch sử bàn luận. Việc nhận diện một thực trạng dạy học lịch sử, với những điều tra xã hội học thận trọng, công phu và chính xác từ đó tìm ra nguyên nhân, chỉ rỏ trách nhiệm cụ thể và đề xuất những giải pháp là rất cấn thiết và cấp bách. Trong rất nhiều nguyên nhân, thì nguyên nhân về đội ngũ giáo viên dạy sử ở trường phổ thông còn nhiều hạn chế là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Bỡi vì với một nền giáo dục thì “không có một nền giáo dục nào có thể vượt qua được trình độ của đội ngũ giáo viên của nó”. Việc đánh giá một cách nghiêm túc thực trạng đội ngũ giáo viên lịch sử phổ thông và thực trạng đào tạo giáo viên lịch sử ở các trường, khoa sư phạm nhằm rút kinh nghiệm, đề xuất  những định hướng cho việc đào tạo giáo viên lịch sử trong những năm đầu thế kỉ XXI là rất cần thiết.
Xung quanh vấn đề dạy học lịch sử là một vấn đề lớn, trong khuôn khổ có hạn của bài viết này chúng tôi xin đề cập chủ yếu vào chất lượng đội ngũ giáo viên lịch sử, công tác đào tạo giáo viên lịch sử và đề xuất những định hướng đổi mới công tác đào tạo giáo viên lịch sử ở các trường, khoa sư phạm trong bối cảnh hội nhập quốc tế trong những thập niên đầu thế kỉ XXI.
  1. Thực trạng về đội ngũ giáo viên dạy Sử ở trường THPT và công tác đào tạo giáo viên Lịch sử ở các trường, khoa Sư phạm
1.1 Thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên Lịch sử ở trường THPT
Về tình trạng đội ngũ giáo viên THPT nói chung hiện nay là: “Đội ngũ giáo viên vừa thiếu vừa yếu… Nhìn chung, chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục – đào tạo trong giai đoạn mới.”[1] Theo thống kê của Dự án phát triển giáo viên THPT và TCCN thì hiện nay số giáo viên THPT đáp ứng năng lực yêu cầu về chuyên môn là 80,9 %, đáp ứng yêu cầu về năng lực sư phạm là 78,9 %. Như vậy còn khoảng 20 % số giáo viênTHPT chưa đáp ứng nhu cầu về chuyên môn và năng lực sư phạm [2]. Trong tình hình chung đó, đội ngũ giáo viên lịch sử ở trường THPT như thế nào ? Trên cơ sở những đề tài nghiên cứu gần đây, chúng ta có thể có những đánh giá về chất lượng đội ngũ giáo viên lịch sử ở trường THPT như sau.
Trước hết phải khẳng định là phần lớn đội ngũ giáo viên lịch sử ở trường THPT được đào tạo chính quy, bài bản trong hệ thống các trường đại học sư phạm trên cả nước nên có trình độ chuyên môn vững vàng, đáp ứng cơ bản yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học bộ môn. Trong nhiều năm qua đội ngũ giáo viên lịch sử đã có những đóng góp to lớn vào việc trang bị những tri thức lịch sử cho nhiều thế hệ học sinh, giúp họ bước vào đời với những hiểu biết về lịch sử, truyền thống của dân tộc và thế giới. Nhiều thầy, cô giáo dạy giỏi môn lịch sử đã làm cho học sinh không những nắm vững kiến thức một cách vững chắc mà còn yêu mến môn lịch sử. Đội ngũ giáo viên dạy sử đã góp phần giáo dục toàn diện học sinh và đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà. Bên cạnh những ưu điểm nói trên, giáo viên lịch sử hiện nay cũng còn những hạn chế cần phải nhận diện và khắc phục.
 Về trình  độ chuyên môn 
Những kiến thức được trang bị khi còn là sinh viên trong trường đại học  chỉ là những kiến thức cơ bản so với biển kiến thức mênh mông của khoa học lịch sử. Hiện nay đội ngũ giáo viên lịch sử ở các trường phổ thông chủ yếu là những giáo viên ra trường nhiều năm nên không cập nhật kịp thời kiến thức mới và phương pháp mới để đáp ứng yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa. Công tác bồi dưỡng thường xuyên hiện nay còn hình thức và kém hiệu quả, do đó việc nâng cao trình độ chuyên môn của giáo viên còn hạn chế [3].
Về năng lực sư phạm
Hai nội dung hiện giáo viên lịch sử phổ thông đang yếu là :
1. Sự thành thạo nghề nghiệp với khả năng tiếp cận và sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại, trên cơ sở hiểu biết một cách sâu sắc cơ sở triết học và tâm lý, giáo dục của các phương pháp và kĩ thuật dạy học mà mình vận dụng.
2. Khả năng dạy học liên môn : Bộ môn lịch sử là một bộ môn với nhiều kiến thức tổng hợp, nên khi truyền đạt kiến thức giáo viên cũng phải biết được kiến thức và phương pháp các môn học liên quan như văn học, địa lý, kinh tế, các môn nghệ thuật…
Phương pháp giảng dạy phần lớn của giáo viên vẫn là trình bày miệng, thầy giảng trò ghi. Phần lớn giáo viên ít sử dụng đồ dùng trực quan trong dạy học, thậm chí có khoảng vài phần trăm giáo viên hoàn toàn không sử dụng. Khả năng sử dụng tin học để soạn và giảng bài lịch sử bằng giáo án điện tử còn hạn chế hơn. Thực tế giáo viên chỉ chăm chút cho bài giảng khi có dự giờ hoặc thanh tra, còn giờ bình thường thì vẫn giảng theo phương pháp cũ.
        Trong điều kiện chương trình và sách giáo khoa lịch sử phổ thông trung học vẫn còn nặng nề thì người giáo viên chưa thực sự và thường xuyên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động học của học sinh, chưa làm tốt vai là cầu nối, là một “bộ lọc” quyết định để chuyển tải những nội dung trong chương trình, sách giáo khoa đến học sinh một cách tốt nhất, hạn chế được những khiếm khuyết mà chương trình và sách giáo khoa nào cũng không tránh khỏi.
 Khả năng tự bồi dưỡng nâng cao trình độ
Khi đời sống còn chật vật, giáo viên còn bị “cột chặt” vào lịch trình giảng dạy, khi mà sách, tài liệu tham khảo không phải giáo viên nào cũng có thể kiếm được, nhất là ở vùng sâu vùng xa thì việc tự bồi dưỡng nâng cao trình độ là một thách thức lớn đối với đội ngũ giáo viên. Nếu có ý thức học tập nâng cao trình độ, các thầy cô công tác ở thành phố và thị xã thì việc tự bồi dưỡng có thuận lợi hơn so với các thầy cô công tác ở nông thôn, miền núi, hải đảo. Ngay cả trong điều kiện ở thành phố thị xã, khi sách tham khảo không còn khan hiếm như trước đây thì với đồng lương ít ỏi của giáo viên dạy sử mà giá sách thì đắt, cũng là một thách thức lớn đối với các thầy cô giáo[4]. Khả năng sử dụng ngoại ngữ cho chuyên môn, khả năng nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học giáo dục còn rất hạn chế. Khả năng học sau đại học cũng hạn chế.[5] Các trường phổ thông chưa chú ý nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên, trong lúc đó việc dạy học lịch sử cần phải có những hiểu biết liên quan đến nhiều bộ môn mới đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của việc dạy học lịch sử.
Khả năng tổ chức kiểm tra đánh giá còn hạn chế  
Đánh giá chất lượng dạy học bộ môn là một công việc quan trọng và cần thiết. Trong tình hình hiện nay bên cạnh những quy định và cách thức  kiểm tra, đánh giá còn nhiều điều bất cập, thì năng lực ra đề, tổ chức kiểm tra đánh giá của giáo viên cũng còn những hạn chế. Cách ra đề thi theo kiểu hỏi những vấn đề vụn vặt, chỉ yêu cầu học thuộc, kiểm tra đối phó, chạy theo thành tích… là những nguyên nhân dẫn đến làm giảm sút chất lượng dạy học bộ môn[6].
     Thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện
      Ngoài ra, bên cạnh việc dạy chữ thì nhiệm vụ dạy người cũng là một yêu cầu quan trọng. Bản thân chương trình và sách giáo khoa không thể làm tốt chức năng giáo dục nếu không có người thầy. Với nhân cách của mình, bằng tấm lòng nhân ái người thầy sẽ trực tiếp nêu gương, thông qua dạy chữ để giáo dục tư tưởng, tình cảm cho học sinh noi theo. Hiện nay nhiều giáo viên quan niệm chỉ lo dạy chữ là công việc chủ yếu, ít chú trọng đến việc dạy người, trong lúc môn lịch sử rất cần khai thác và có đủ điều kiện để giáo dục học sinh một cách toàn diện.   
    Hạn chế về hoạt động xã hội
    Hoạt động xã hội cũng là một hoạt động rất quan trọng để giáo viên lịch sử gắn hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học của mình với địa phương, góp phần với nhà trường nối kết nhà trường với xã hội và phát huy vai trò là trung tâm văn hóa, giáo dục của nhà trường với địa phương. Thực tế hiện nay không ít giáo viên trong giảng dạy lịch sử chỉ chạy theo chương trình và sách giáo khoa, lo đối phó với thi cử, thi đua. Giáo viên không có khả năng hoặc không có những điều kiện cần thiết để tổ chức hoạt động ngoại khóa, hướng dẫn học sinh thực hành và tham gia các họat động xã hội. Thực tế đó làm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng dạy học lịch sử.
        Như vậy, người giáo viên lịch sử phải là một “người thầy giáo uyên thâm về kiến thức, có tay nghề dạy học cao, mẫu mực về nhân cách” không lo lắng về đời sống hằng ngày, chuyên tâm cho nghề nghiệp thì đó vừa là tiêu chuẩn và cũng là yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Nếu đội ngũ nhà giáo đáp ứng được những yêu cầu nói trên thì chắc chắn họ sẽ làm tốt công việc của mình, chất lượng giáo dục lịch sử sẽ được nâng lên. 
       Do nhiều lý do, hiện nay giáo viên rất ngại và thiếu động lực để đổi mới, mặc dù không phải tất cả đội ngũ giáo viên lịch sử phổ thông thiếu nhiệt tình và thiếu năng lực, mà có nguyên nhân khách quan về chế độ, chính sách của nhà nước đối với giáo viên còn nhiều bất cập và có cả nguyên nhân chủ quan về trình độ, năng lực của giáo viên.
     Vì vậy, theo chúng tôi, khâu đột phá vào đổi mới giáo dục phổ thông  phải bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng và động lực làm việc của đội ngũ giáo viên, bằng việc thay đổi một số chế độ, chính sách đối với đội ngũ này. Và trong trách nhiệm, khả năng của mình các trường, khoa sư phạm phải đổi mới công tác đào tạo giáo viên lịch sử.
1.2 Thực trạng công tác đào tạo giáo viên Lịch sử THPT ở các trường, khoa Sư phạm hiện nay
       Hiện nay cả nước 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo trên cả nước, trong đó có khoảng 20 trường, khoa sư phạm đào tạo giáo viên lịch sử trung học phổ thông. Trong nhiều năm qua, từ những trường, khoa đào tạo lâu đời nhất như Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học Vinh, Đại học Thái Nguyên đến các trường, khoa ra đời sau ngày giải phóng miền Nam như Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Sư phạm Quy Nhơn và những trường, khoa mới ra đời gần đây như Đại học An Giang, Đại học Đồng Tháp… đã đào tạo cho các trường phổ thông hàng chục ngàn giáo viên lịch sử. Cùng với những thăng trầm của ngành sư phạm, có lúc công tác tuyển sinh, đào tạo giáo viên lịch sử gặp nhiều khó khăn, có lúc (cách đây độ 7 đến 10 năm) điểm đầu vào môn lịch sử rất cao, có năm điểm cao hơn các ngành tuyển sinh khối C khác.   
      Trong nhiều nguyên nhân làm hạn chế năng lực của đội ngũ giáo viên lịch sử phổ thông hiện nay không phải không có nguyên nhân từ công tác đào tạo giáo viên ở các trường, khoa sư phạm. Có thể tóm lược một số điểm còn bất cập trong công tác đào tạo giáo viên lịch sử hiện nay ở phần lớn ở các trường, khoa như sau.
1.2.1 Chất lượng tuyển sinh đầu vào ngày càng thấp
        Tình hình tuyển sinh đầu vào ở các trường sư phạm, nơi đào tạo những giáo viên tương lai trong những năm gần đây ngày càng có ít thí sinh dự thi. Thí sinh không “mặn mà” với ngành sư phạm. Trong hoàn cảnh chung đó, tình hình tuyển sinh đầu vào của ngành sư phạm lịch sử cũng không sáng sủa gì. Bên cạnh điểm chuẩn đầu vào ngày càng thấp, thì chỉ có con em những vùng khó khăn, vùng nông thôn thì mới thi vào học ngành lịch sử. Ở khoa Sử trường Đại học sư phạm thành phố Hồ chí Minh trong nhiều năm, sinh viên chỉ là từ các tỉnh xa đến học, con số sinh viên có hộ khẩu tại thành phố gần như không có. Điều đó nói lên một điều là con em những gia đình có điều kiện không vào học ngành sử.
1.2.2 Đội ngũ giảng viên còn nhiều bất cập
     Thực tiễn đào tạo cho thấy, dù ở cấp, bậc học nào, trình độ và năng lực của đội giáo viên vẫn đóng vai trò quyết định chất lượng đào tạo. Theo khảo sát của chúng tôi, thực trạng đội ngũ giảng viên các khoa, trường đào tạo giáo viên lịch sử hiện nay, ngoài một số khoa có đội ngũ giảng viên mạnh như khoa Sử Đại học sư phạm Hà Nội, một số khoa có đội ngũ trung bình so với yêu cầu nhiệm vụ đào tạo giáo viên, còn lại các khoa của các trường còn lại chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo theo yêu cầu chuẩn hoá của công tác đào tạo giáo viên.
TÌNH HÌNH ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN LỊCH SỬ Ở CÁC TRUỜNG, KHOA SƯ PHẠM

Trường, Khoa
Đội ngũ giảng viên
Cơ sở vật chất
Tổng số GV
GS, PGS
TS
ThS
CN
GV PPDHLS
Thư viện
P. BM
Khoa Sử ĐHSP Hà Nội
40
2GS
7PGS
11
19
1
9
Thư viện
Khoa Sử ĐHSP Hà Nội 2
16
0
1
10
5
3
Tủ sách
Chưa
Khoa Sử ĐHSP, ĐH Huế
21
4PGS
5
11
1
5
Tủ sách

Khoa Sử ĐHSP, ĐH Đà Nẵng
10
0
1
7
2
3
Tủ sách

Khoa Sử ĐH Qui Nhơn
22
0
7
15
0
3
Tủ sách

Khoa Sử ĐHSP, ĐHThái Nguyên
17
0
4
9
4
6
Tủ sách

K. Sử ĐHSP.TP Hồ Chí Minh
18
1PGS
8
7
2
2
Tủ sách

K. Sư phạm Xã hội, ĐH Sài Gòn
7
0
2
5
0
2(kiêm nhiệm)


ĐH Đồng Tháp
10
0
1
9
0
3

P.tư liệu
ĐH An Giang
9
0
1
4
4
2


ĐH Cần Thơ
11
0
0
5
6
3





























Nguồn:Từ Vebsite của các trường SP,các khoa Sử và từ khảo sát thực tế.
Nhìn vào bảng thống kê trên đây, chúng ta thấy:
     1. Số giảng viên có học hàm học vị còn ít, phần lớn giảng viên dừng lại ở trình độ thạc sĩ, một số đang còn cử nhân (không kể những giảng viên mới được giử lại trường).
      2. Do nhiều nguyên nhân, họat động nghiên cứu khoa học của giảng viên cũng còn hạn chế, số giảng viên có bài báo khoa học có chất lượng được đăng trên tạp chí chuyên ngành uy ín rất ít, môt số giảng viên chỉ được vài ba bài viết trong các hội nghị, hội thảo không mấy uy tín, cá biệt có một số giảng viên không có bài báo nào. Còn việc viết sách và giáo trình thì còn hạn chế hơn. Số người có sách và giáo trình giảng dạy có thể đếm trên đầu ngón tay.
      3. Phần lớn giảng viên có biết ngoại ngữ nhưng không sử dụng được hoặc sử dụng không thành thạo. Đây là một rào cản rất lớn cho việc nâng cao trình độ và cập nhật tri thức mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
     4. Sự phân bố không đều về số lượng và chất lượng giữa giảng viên dạy khoa học cơ bản với giảng viên dạy bộ môn phương pháp dạy học lịch sử và nghiệp vụ sư phạm. Giảng viên bộ môn lý luận và phương pháp dạy học lịch sử, trừ một số khoa mạnh như khoa Sử đại học sư phạm Hà Nội, khoa Sử Đại học Sư phạn Huế, Vinh, Quy Nhơn, còn lại ở các khoa lịch sử ở các trường còn lại, đội ngũ còn rất mỏng về số lượng và chất lượng. Số giáo sư, phó giáo sư đầu ngành về phương pháp dạy học lịch sử còn quá ít, chủ yếu là tập trung ở Đại học sư phạm Hà Nội  
TÌNH HÌNH GIẢNG VIÊN VÀ SỐ LƯỢNG TÌN CHỈ CÁC MÔN NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM


Trường, Khoa
GV
Bộ môn PPDH LS
Sồ lượng tín chỉ các môn Nghiệp vụ SP
Giáo học pháp đại cương và Chuyên đề PP
Rèn luyện NV
Thực tập SP
K.Sử ĐHSP Hà Nội
9
11
4
6
K.Sử ĐHSP Hà Nội 2
3



K. Sử ĐHSP Huế
5
17
5
6
K.Sử ĐHSPĐàNẵng
3
5
4
6
K.Sử ĐHQuiNhơn
3



K.Sử ĐHSPTháiNguyên
6



K.Sử ĐHSP.TPHCM
2
15
5
6
NgànhSử,KhoaSưphạm Xã hội, ĐH Sài Gòn
2
8
5
10
Bộ môn Sử, Khoa Giáo dục Chính trị, ĐH Đồng Tháp
3



Bộ môn Sử, Khoa SP, ĐH An Giang
2
6
2
7
Bộ môn Sử, Khoa SP, ĐH Cần Thơ
3
6
3
5
Nguồn: Từ Vebsite các trường SP, các khoa Sử  và từ khảo sát thực tế.
       Nhìn vào bảng thống kê trên đây, chúng ta thấy ở một trường đào tạo nghề mà đội ngũ những người làm công việc đào tạo nghề lại quá mỏng. Một số trường, khoa giảng viên dạy các môn học thuộc lý luận dạy học bộ môn và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm còn thiếu, một số khoa giảng viên các bộ môn khác trong khoa phải kiêm nhiệm. Nếu so sánh các tổ bộ môn khác trong khoa lịch sử, thì bộ môn phương pháp là bộ môn có phần yếu hơn cả về số lượng và chất lượng.
1.2.3 Chương trình đào tạo chưa cân đối và hợp lý                                                              
     Hiện nay, việc xây dựng chương trình đã được Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định chương trình khung. Trên cơ sở đó, các khoa sử xây dựng chương trình tùy theo tình hình đặc điểm và khả năng của khoa mình. Tuy nhiên không phải khoa nào và lúc nào cũng có quan niệm thống nhất về việc xây dựng chương trình khi bố trí khối lượng các nhóm môn và các môn học cụ thể.                              
      Nằm trong tình trạng chung của chương trình đào tạo giáo viên của các trường sư phạm mà GS. Đinh Quang Báo đã nêu ra trong Hội thảo “Các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tổ chức, thì kiến thức về nghiệp vụ sư phạm của ngành sư phạm Toán và sư phạm Ngữ văn của Đại học sư phạm Hà Nội và Đại học Cần Thơ chỉ chiếm từ 14,2% đến 17,5 %.
      Qua khảo sát chương trình đào tạo của các khoa sư phạm lịch sử cũng có tình hình tương tự. Theo tìm hiểu của chúng tôi, số tín chỉ giành cho đào tạo nghề gồm giáo học pháp đại cương, chuyên đề và các môn rèn luyện NVSP của các khoa lịch sử trong cả nước dao động từ 8 đến 17 tín chỉ, thực tập sư phạm dao động từ 6 đến 10 tín chỉ. Nếu tính tất cả thời gian giành cho đào tạo nghề và thực tập nghề so với tổng số khoảng trên dưới 140 tín chỉ thì thời lượng dành cho đào tạo nghề chiếm khoảng dưới 20% chương trình, một tỷ lệ quá thấp trong một trường đào tạo nghề.   
      Chương trình của các khoa còn ít bố trí các môn học nhằm trang bị cho sinh viên khả năng dạy học liên môn như các môn về nghệ thuật, kinh tế, khoa học tự nhiên, kĩ năng giao tiếp…
1.2.4 Cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế
       Hiện nay, ngoại trừ khoa Lịch sử, Trường Đại học sư phạm Hà Nội là có cơ sở làm việc tương đối rộng rãi, có thư viện với nhiều sách quý, các khoa còn lại chỉ có tủ sách của khoa. Chưa có phòng học bộ môn cho sinh viên thực hành. Trang thiết bị dạy học cũng còn rất thiếu thốn. Đây cũng là một hạn chế làm ảnh hưởng đấn chất lượng đào tạo giáo viên.
1.2.5  Đào tạo thiếu thực tế
Do eo hẹp trong kinh phí đào tạo nên việc tổ chức cho sinh viên đi thực tế chuyên môn cho sinh viên khoa lịch sử cũng còn nhiều hạn chế. Phần lớn trong 4 năm đào tạo, sinh viên chỉ được đi thực tế chuyên môn 1 lần, một số khoa được đi thực tế 2 lần nhưng cự ly đi lại cũng chỉ trong khu vực, ít có điều kiện để đi xa được. Tình hình đó dẫn đến sinh viên khi ra trường vẫn còn “ngơ ngác” trước những thực tế mà chương trình đã được học ở trên lớp.
1.2.6 Thời gian thực tập nghề còn ít
        Nội dung thực tập sư phạm trong chương trình đào tạo giáo viên lịch sử của các khoa và trường sư phạm thường được tiến hành trong hai học phần: Thực tập sư phạm kì I và thực tập sư phạm kì II. Trọng tâm của đợt thực tập sư phạm kì I là giúp sinh viên làm quen với trường phổ thông, thực hành những nội dung về tâm lý, giáo dục. Sinh viên dự các buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ bộ môn, nghe báo cáo về đổi mới giảng dạy và kinh nghiệm giảng dạy của giáo viên bộ môn; lập kế hoạch thực tập giảng dạy (dự giờ, tập giảng, lên lớp…) cho từng tuần và cả đợt; dự giờ của giáo viên hướng dẫn, soạn giáo án, dạy thử, nếu được giáo viên hướng dẫn đồng ý, sinh viên có thể giảng dạy ở trên lớp từ 1 đến 3 tiết. Trong đợt thực tập sư phạm kì II, ngoài những công việc như thực tập sư phạm kì I, sinh viên được chú trọng thực tập giảng dạy. Các hoạt động thực tập sinh viên phải thực hiện có chiều sâu và có hiệu quả cao hơn. Ngoài các hoạt động như sinh hoạt chuyên môn của bộ môn và trường phổ thông, công tác chủ nhiệm lớp, sinh viên cũng phải dự giờ giáo viên hướng dẫn, lập kế hoạch giảng dạy và  dạy từ 8 đến 10 tiết để giáo viên hướng dẫn đánh giá.
     Chương trình thực tập sư phạm thường được tiến hành vào các năm cuối.  Nếu tính thời gian học trong trường sư phạm của sinh viên là 4 năm thì phải mất một nửa thời gian học ở trường đại học sư phạm sinh viên mới được làm quen với trường phổ thông, như thế là quá muộn. Về thời lượng, thực tập kì I được tiến hành trong khoảng thời gian 4 tuần lễ và thực tập sư phạm kì II được tiến hành trong khoảng 6 tuần lễ. Hiện nay, chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ, các trường quy định thời lượng cho thực tập sư phạm là 6 – 8 tín chỉ. Để chuẩn bị cho sinh viên ra hành nghề mà thời gian thực tập cả hai đợt chỉ trong vòng 10 tuần, khoảng từ 6 đến 8 tín chỉ là quá ít so với yêu cầu nghề nghiệp. Việc đánh giá giờ dạy của sinh viên chỉ do  giáo viên hướng dẫn ở trường phổ thông sẽ không tránh khỏi sự đánh giá chủ quan của một người. Hiện nay kết quả thực tập của sinh viên khá cao, nhiều khi không đúng với khả năng thực tế của sinh viên. Trong lúc đó, những giảng viên của khoa, những người trực tiếp theo giỏi, đào tạo trong suốt quá trình sinh viên học tập, hiểu rỏ sinh viên thì không tham gia đánh giá kết quả thực tập.
     2.2 Những kiến nghị và giải pháp
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Đảng và Nhà nước hiện nay đặt ra yêu cầu là phải đổi mới công tác đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm. Từ thực tế công tác đào tạo và nghiên cứu, chúng tôi đề xuất một số những định hướng và giải pháp sau đây:
2.2.1 Cũng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các khóa đào tạo giáo viên Lịch sử
Phải bắt đầu từ đội ngũ giảng viên theo hướng chuẩn hóa và nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực sư phạm, đây là nhân tố quyết định chất lượng đào tạo giáo viên ở các trường, khoa đào tạo giáo viên lịch sử.
Về phẩm chất chính trị: Lịch sử rất gần với chính trị, gắn chặt việc nhận thức quá khứ với những vấn đề thời sự nóng hổi nên cần người giảng viên khi đứng trên bục giảng phải có những quan điểm khoa học, quan phương để lý giải những sự kiện và vấn đề lịch sử một cách khách quan, khoa học, thực hiện nhiệm vụ giáo dục sinh viên, bởi hiện nay không phải không có một số giảng viên không làm được (hoặc không làm) tốt nhiệm vụ nói trên.
Về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phải tuyển dụng những người thực sự có năng lực; đam mê khoa học lịch sử; có phương pháp sư phạm tốt; giỏi về chuyên ngành giảng dạy; có hiểu biết rộng về các khoa học liên ngành; biết sử dụng ngoại ngữ trong nghiên cứu, hợp tác quốc tế; mẫu mực về nhân cách, có văn hóa trong giao tiếp.
Đổi mới đào tạo giảng viên cho các tổ lý luận và phương pháp dạy học lịch sử.
Cần có chế độ bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên cho giảng viên đồng thời cũng phải thường xuyên sàng lọc để loại bỏ những người không đáp ứng yêu cầu, kịp thời bổ sung những giảng viên có năng lực cho công tác đào tạo.
2.2.2 Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tăng cường các môn đào tạo nghề và năng lực dạy học liên môn, hội nhập quốc tế; tăng cường thời lượng thực tế chuyên môn
Chương trình đào tạo cần thay đổi theo hướng tăng thời lượng và các môn học đào tạo thành thạo nghề dạy sử; bổ sung các môn học trang bị khả năng dạy học liên môn và hội nhập như các môn học về nghệ thuật; kĩ năng giao tiếp, thuyết trình; những môn học trang bị kiến thức về khoa học tự nhiên, kinh tế, năng lực nghiên cứu, năng lực tự học cho sinh viên…    
Đổi mới công tác thực tập sư phạm và thực tế chuyên môn: Từ những bất cập trong tổ chức thực thập trong đào tạo giáo viên ở các trường đại học sư phạm nói chung và các khoa lịch sử nói riêng, công tác thực tập sư phạm cần có những đổi mới như: Các khoa lịch sử phải cùng  phối hợp chặt chẽ với giáo viên phổ thông trong hoạt động hướng dẫn, đánh giá xếp loại thực tập sinh viên. Cần cho sinh viên tiếp cận với trường phổ thông ngay từ năm đầu tiên khi các em bước vào trường đại học sư phạm để quá trình gắn bó với trường phổ thông được dài hơn, hiểu biết về phổ thông sâu sắc hơn chứ không phải đợi đến những năm cuối mới xuống trường phổ thông. Có thể nghiên cứu cách thực tập như sinh viên trường y là gắn với bệnh viện ngay từ đầu và trong suốt quá trình đào tạo, làm sao cho khi sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp chứ không còn bỡ ngỡ như hiện nay. Sinh viên cần phải được nhiều lần thực tập ở trường phổ thông, ở nhiều loại hình trường lớp (công lập và tư thục; thành phố và nông thôn; trường tốt và trường trung bình, yếu), làm cho sinh viên hiểu biết một cách đầy đủ thực tế, tiếp xúc với nhiều đối tượng học sinh, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm, giảng dạy, có đủ vốn sống và kinh nghiệm nghề nghiệp để khi ra trường có thể công tác tốt ở bất kì ở loại trường nào, vùng miền nào của hệ thống các trường phổ thông.
2.2.3 Tăng cường cơ sở vật chất cho các khóa đào tạo giáo viên Lịch sử
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học tạo điều kiện để các giảng viên làm tốt sứ mạng của mình đã được xã hội và nhà trường giao phó. Cần chú ý trang bị thư viện sách chuyên ngành, các phương tiện dạy học như các tài liệu giáo khoa, đồ dùng trực quan, các máy móc, trang thiết bị phục vụ dạy học lịch sử, xây dựng phòng học lịch sử để sinh viên thực hành, khắc phục tình trạng thiếu thốn trong hoạt động đào tạo như hiện nay.
2.2.4 Chăm lo đời sống cho giảng viên
Không thể tiếp tục duy trì mức lương và phụ cấp như hiện nay với đội ngũ giảng viên các trường sư phạm nói chung và giảng viên các khoa lịch sử nói. Nhà nước và xã hội yêu cầu và đặt kỳ vọng cao ở họ thì cũng phải có những đãi ngộ tương xứng. Không thể để những giảng viên lịch sử phải bươn chãi kiếm sống mà đòi hỏi chất lượng đào tạo cao được bỡi đó là điều không tưởng.     
Tóm lại, trường đại học sư phạm nói chung và khoa lịch sử nói riêng là những “máy cái” đào tạo đội ngũ giáo viên các trường phổ thông. Những ưu điểm và hạn chế của những chiếc “máy cái” này sẽ tác động dây chuyền rất lớn đến chất lượng đào tạo ở trường phổ thông. Vì thế muốn nâng cao chất lượng giáo dục ở trường phổ thông trước hết phải bắt đầu từ các trường sư phạm. Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ và hoạt động đào tạo các khoa lịch sử ở các trường đại học cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đầu tư đổi mới đào tạo giáo viên lịch sử ở các trường sư phạm, các khoa lịch sử là một đòi hỏi cấp bách không chỉ đáp ứng sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục mà cao hơn nữa là giáo dục truyền thống, cội nguồn để cho nhiều thế hệ học trò – những công dân tương lai của đất nước không bị “vong bản” trên chính quê hương, tổ quốc của mình.
Tài liệu tham khảo

  1. 1.Bộ Giáo dục và Đào tạo (2001), Kỷ yếu Hội nghị Toàn quốc các trường Sư phạm, Hà Nội, tháng 8 – 2011.
  2. 2. Trường ĐHSP Hà Nội (2012), Cơ sở lý luận của việc đổi mới đào tạo giáo viên, Hà Nội.
  3. 3. Vũ Quốc Chung – Nguyễn Văn Khải – Cary J. Trexler…(2011), Tài liệu hướng dẫn tăng cường năng lực sư phạm cho giảng viên các trường đào tạo giáo viên trung học phổ thong và trung cấp chuyên nghiệp, NXB Giáo Dục, HN.
  4. 4. Vũ Quốc Chung – Nguyễn Văn Khải – James Cameron…(2011), Giới thiệu mô hình đào tạo giáo viên trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp ở một số quốc gia và bài học kinh nghiệm, NXB Giáo Dục, HN.
  5. 5.Ngô Minh Oanh, Đội ngũ giáo viên lịch sử trung học phổ thông khu vực Miền Đông Nam Bộ: Thực trạng và giải pháp, Đề tài cấp Bộ.
  6. 6. Trường ĐHSP Hà Nội (2011), Nghiên cứu, giảng dạy lịch sử trong bối cảnh hội nhập quốc tế & phát triển kỷ năng tự học cho học sinh, HN.


[1] Nghị quyết Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ II, khóa VIII, tr. 25.
[2] Dự án phát triển giáo viên THPT và TCCN (2009), Mô hình đào tạo, chương trình đào tạo, quản lý đào tạo và biên soạn giáo trình trong dào tạo giáo viên, tr. 14 – 15.
[3] Trong đề tài cấp Bộ “Thực trạng đội ngũ giáo viên lịch sử ở khu vực miền Đông Nam Bộ” mà chúng tôi tiến hành gần đây, khi được hỏi về chất lượng và hiệu quả của bồi dưỡng thường xuyên hiện nay chỉ có 17,31% ý kiến giáo viên cho rằng có hiệu quả, 77,9% ý kiến còn lại nói rằng hiệu quả chưa cao và cần phải cải tiến. Nguyên nhân của hạn chế chất lượng bồi dưỡng thường xuyên các thầy cô đã chỉ ra các nguyên nhân như nội dung bồi dưỡng chưa thiết thực ( 30,44%), và do cách tổ chức chưa tốt ( 28,65%).
[4] Kết quả điều tra cho thấy, khả năng tiếp tục học tập, nâng cao trình độ của giáo viên lịch sử  gặp nhiều khó khăn, lý do: Do đời sống khó khăn (53,43%), do bận rộn công tác (16,71%), và do năng lực và tuổi tác. Những rào cản nói trên đã làm cho giáo viên phổ biến là an phận về mặt học tập, nâng cao trình độ.
[5] Về khả năng học sau đại học, có 26,56% giáo viên lịch sử ở trường phổ thôn còn phải cân nhắc, có 12,23% là không có ý định học lên do tuổi tác cao và năng lực hạn chế.
[6] Cũng trong đề tài nghiên cứu của chúng tôi, có 32,23% giáo viên lịch sử được hỏi cho rằng việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh PTTH chưa phản ánh thực chất. Đây là những đánh giá xác đáng của những người trong cuộc, nói lên một sự thật chất lượng dạy học lịch sử hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét