Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

NHÌN NHẬN LẠI VIỆC HÌNH THÀNH KHÁI NIỆM LỊCH SỬ CHO HỌC SINH TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG THPT

NHÌN NHẬN LẠI VIỆC HÌNH THÀNH KHÁI NIỆM LỊCH SỬ CHO HỌC SINH TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG THPT


Tạ Thị Thanh Huyền
Thạc sĩ Lịch sử trường THPT Nguyễn Duy Thì – Bình Xuyên – Vĩnh Phúc

Khi bàn về vai trò của giáo dục lịch sử nhà văn Nga Trécnexếpxki đã viết: “Có thể không biết không cảm thấy say mê học tập môn toán, tiếng Hy Lạp và La Tinh, hóa học...
NHÌN NHẬN LẠI VIỆC HÌNH THÀNH KHÁI NIỆM LỊCH SỬ CHO HỌC SINH TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG THPT
Khi bàn về vai trò của giáo dục lịch sử nhà văn Nga Trécnexếpxki đã viết: “Có thể không biết không cảm thấy say mê học tập môn toán, tiếng Hy Lạp và La Tinh, hóa học...Có thể không biết hàng ngàn môn khoa học khác, nhưng dù sao đã là người có giáo dục mà không yêu thích môn lịch sử thì chỉ có thể là một con người không phát triển đầy đủ về trí tuệ”. Ngày nay trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển như vũ bão, xu thế quốc tế hóa đang là xu thế chủ đạo trên thế giới, việc giáo dục lịch sử càng được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa nhằm giữ vững bản sắc dân tộc, không hòa tan vào thế giới..
Con đường hình thành tri thức lịch sử cho học sinh được thực hiện thông qua việc cung cấp sự kiện, tạo biểu tượng, hình thành khái niệm, nêu quy luật, rút bài học, kinh nghiệm lịch sử cho hiện tại. Trong quá trình đó khái niệm lịch sử đóng vai trò trung tâm. Khái niệm lịch sử là sự phản ánh được khái quát hóa hóa của quá trình lịch sử; nó phản ánh những mối liên hệ khách quan của các hiện tượng và quy luật lịch sử. Khái niệm bao giờ cũng ở mức độ trừu tượng khá cao, khái niệm lịch sử giúp học sinh hiểu bản chất của sự kiện lịch sử, hiểu các mối quan hệ nhân quả và quy luật phát triển của xã hội loài người. Việc hình thành khái niệm lịch sử có ý nghĩa to lớn đối với học sinh trên cả ba mặt kiến thức kĩ năng, tư tưởng.
Tuy nhiên, từ nhận thức đến thực tiễn còn là một khoảng cách khá xa, nhất là chưa xóa bỏ những quan niệm sai lầm về khái niệm và hình thành khái niệm. Do không nhận thức đúng vai trò của khái niệm, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hình thành khái niệm trong dạy học nói chung, dạy học lịch sử nói riêng, nên giáo viên thường rơi vào việc trình bày sự kiện một cách la liệt, chất đống tài liệu, chỉ chú ý đến việc ghi nhớ sự kiện của học sinh, mà không hướng dẫn học sinh nắm được khái niệm. Vì thế, sự hiểu biết về lịch sử không sâu, dễ quên và không gây được hứng thú học tập bộ môn cho học sinh.
Như vậy, chất lượng dạy học lịch sử hiện nay ở trường phổ thông bị giảm sút là do nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là không tiến hành tốt việc hình thành khái niệm trong dạy học lịch sử. Điều này đặt ra vấn đề cần tiến hành việc hình thành khái niệm như thế nào để góp phần đổi mới phương pháp dạy học lịch sử ở trường phổ thông?
Thứ nhất: là cần phải thay đổi suy nghĩ và nhận thức của cả người dạy và người học lịch sử cả về việc học lịch sử và nắm khái niệm lịch sử, theo tôi đó là việc quan trọng nhất và cần thiết để nâng cao chất lượng dạy học môn lịch sử nói chung. Không chỉ có học sinh mà ngay cả nhiều giáo viên cũng chưa có nhận thức đúng về việc hình thành khái niệm lịch sử cho học sinh. Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa thuật ngữ và khái niệm lịch sử. Nên việc hình thành khái niệm cho học sinh mới chỉ dừng ở việc định nghĩa một cách đơn giản.
   Sự khác biệt giữa từ (thuật ngữ) và khái niệm: Thuật ngữ chỉ là danh từ chỉ bề ngoài của khái niệm mà không đi vào bên trong, vì vậy từ có thể là một thuật ngữ đơn thuần. Hay nói cách khác không phải thuật ngữ nào cũng là khái niệm nhưng mọi khái niệm đều được thể hiện bằng thuật ngữ và đã là khái niệm bao giờ cũng đi sâu vào bản chất bên trong của sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan và không dừng ở bên ngoài.
Giải nghĩa được thuật ngữ chưa có nghĩa là nắm được khái niệm. Dấu hiệu ngôn ngữ còn xa mới đạt được tính hiện thực vật chất mà khái niệm đó biểu đạt. Thuộc được thuật ngữ nhưng nếu chưa hiểu được ý nghĩa của nó cũng đồng nghĩa với việc chưa nắm được khái niệm mà thuật ngữ ấy mang chứa. Vậy nên người phương Tây mới có câu cách ngôn: nghĩ như Côpecnich nhưng lại nói như Ptôlêmê. Đó là khoảng cách có thể có giữa thuật ngữ và khái niệm.
Thứ hai: Để việc hình thành khái niệm cho học sinh, cần phải có sự vận dụng của nhiều phương pháp lịch sử:
 - Kết hợp nhần nhuyễn, hợp lý các phương pháp dạy học của thầy với hoạt động của trò để tổ chức cho học sinh nắm những đặc trưng cơ bản của nội hàm khái niệm.
+ Sử dụng bài tập nhận thức để định hướng nội dung cơ bản và khái niệm cần nắm cho học sinh.
Ví dụ: Khi chuyển từ mục 2 sang mục 3 của bài 36Sự hình thành và phát triển của phong trào công nhân (SGK Lịch sử 10 CB): Sự hình thành và phát triển của phong trào công nhân, giáo viên có thể dùng câu chuyển: Cùng với sự phát triển của phong trào công nhân ở nửa đầu thế kỉ XIX, những trào lưu tư tưởng cũng xuất hiện đại diện cho cuộc đấu tranh của công nhân mà đầu tiên ở đây chúng ta phải nhắc đến: Chủ nghĩa xã hội không tưởng xuất hiện vào đầu thế kỉ XIX. Vậy nội dung cơ bản của Chủ nghĩa xã hội không tưởng là gì? Nó có ý nghĩa như thế nào với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong mục 3 của bài.
+ Sử dụng đồ dùng trực quan kết hợp với lời nói để tạo biểu tượng lịch sử chân thực, chính xác làm cơ sở cho việc hình thành khái niệm.
Ví dụ: Để học sinh có thể nắm được chân dung cũng như tư tưởng của những đại diện tiêu biểu này, giáo viên yêu cầu các em vừa chú ý vào sách giáo khoa vừa chú ý lên bảng, giáo viên sử dụng đồ dùng trực quan kết hợp với miêu tả có phân tích để khắc họa rõ nét chân dung của những nhà tư tưởng đại diện cho Chủ nghĩa xã hội không tưởng. Đây là biện pháp quan trọng để hình thành biểu tượng cho học sinh về những đại diện của chủ nghĩa xã hội tưởng.
+ Kết hợp các dạng tổ chức học tập để phát huy tính tích cực của học sinh trong việc phân tích, so sánh nhằm hiểu rõ các đặc trưung cơ bản của nội hàm khái niệm. Ví dụ: Với khái niệm Chủ nghĩa xã hội không tưởng, khi tìm hiểu và mặt tích cực và hạn chế của nó để hoạt động nhóm giáo viên chia lớp thành 2 nhóm, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm như sau:
·Nhóm 1: Thảo luận và trả lời câu hỏi: Nêu những mặt tích cực của chủ nghĩa xã hội không tưởng.
·Nhóm 2: Nêu những mặt hạn chế của chủ nghĩa xã hội không tưởng.
+ GV hướng dẫn học sinh nêu mối quan hệ giữa các đặc trưng, thuộc tính của khái niệm.
VD: Sau khi dạy xong bài: Các quốc gia cổ đại phương Tây – Hi Lạp và Rô Ma, giáo viên có thể hỏi học sinh, em hãy so sánh nô lệ ở các quốc gia cổ đại phương Đông và các quốc gia cổ đại phương Tây, chỉ ra những điểm giống nhau và khác nhau về các điểm: nguồn gốc, địa vị, vai trò đối với xã hội các nước. Từ những tiêu chí trên phải so sánh để thấy được điểm tương đồng và khác biệt của hai cuộc cách mạng này. Từ đó hiểu được nội hàm và ngoại diên của khái niệm nô lệ.
+ Giáo viên hướng dẫn học sinh học sinh nêu khái quát khái niệm.
Ví dụ như sau khi dạy xong mục 3: Chủ nghĩa xã hội không tưởng, giáo viên có thể hướng dẫn cho học sinh sâu chuỗi những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, tuy có nhiều điểm khác nhau, nhưng tư tưởng của Xanh – xi – mông, Ooen, Rútxô đều thống nhất ở điểm là mong muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp và công bằng hơn cho công nhân và những người lao động, nhưng lại không vạch ra được con đường và phương pháp đấu tranh đúng đắn, nên mong muốn của các ông không thể thực hiện được và chủ nghĩa xã hội mà các ông vạch ra chỉ là không tưởng.
- Gợi mở, hướng dẫn học sinh nêu tên khái niệm.
VD: như sau khi đã giúp học nêu những đặc trưng của khái niệm cách mạng công nghiệp, giáo viên có thể đặt câu hỏi gợi mở cho học sinh: Cuộc cách mạng trên lĩnh vực kĩ thuật sản xuất như ta vừa tìm hiểu gọi bằng tên gì?
- Hướng dẫn học sinh nêu định nghĩa khái niệm.
Ví dụ: Chủ nghĩa xã hội không tưởng là học thuyết xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa trong chế độ tư bản, do Xanh Ximông, Phuriê ở Pháp và Ôen ở Anh sáng lập hồi đấu thế kỉ XIX. Chủ nghĩa xã hội không tưởng tố cáo mạnh mẽ việc bóc lột tư bản chủ nghĩa, những không đề ra được con đường đấu tranh cách mạng đúng đắn để giải phóng công nhân và nhân dân lao động. Họ chỉ dừng ở ước mơ một xã hội mới tốt đẹp hơn, công bằng hơn. Song chỉ tiến hành tuyên truyền, cổ động mà không đấu tranh; công việc này chỉ là không tưởng, không thể thực hiện được.
- Hướng dẫn học sinh vận dụng khái niệm: Khi đã nắm khái niệm Chủ nghĩa xã hội không tưởng, học sinh sẽ có cơ sở lí luận để đánh giá tính chất khoa học và đúng đắn của chủ nghĩa xã hội khoa học của Mác và Enghen sau đó, cũng như có sự so sánh, đánh giá với các chủ nghĩa xã hội khác.
Để hình thành khái niệm lịch sử cho học sinh là một công việc không đơn giản chút nào, giáo viên phải trau dồi và không ngừng bổ sung kiến thức lịch sử. Phải biết vận dụng các phương pháp dạy học mới vào từng bài cụ thể để hình thành khái niệm cho học sinh, giúp các em đi tới chân lý khoa học. Nếu ta làm được điều đó thì kể như ta đã từng bước hoàn thành mục tiêu đào tạo con người xã hội chủ nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét