Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP HỌC SINH HỌC TỐT MÔN LỊCH SỬ


MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP HỌC SINH HỌC TỐT MÔN LỊCH SỬ 
Trường THPT Nguyễn Minh Quang - Hậu Giang
Tầm quan trọng của lịch sử đối với cuộc sống không ai có thể phủ nhận, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Việc học tập lịch sử giúp các em hiểu rằng giá trị cuộc sống hôm nay được tạo bởi những hy sinh xương máu trong lao động và chiến đấu của lớp người đi trước. Từ đó, hình thành niềm tin đạo đức , chuẩn mực về thái độ và hành vi đúng đắn, xác định nhiệm vụ bản thân đối với quê hương, đất nước.
Tuy nhiên, ngày nay chất lượng dạy và học lịch sử ở các trường phổ thông chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đa số học sinh chưa yêu thích môn lịch sử, tình trạng học sinh  không nắm vững sự kiện lịch sử cơ bản hay nhớ nhầm sự kiện là điều dễ thấy.
Đặc biệt, đối với học sinh lớp 12 thì lịch sử còn là bộ môn có thể thi tốt nghiệp,  giúp các em vượt qua một ngưỡng cửa quan trọng trên con đường học vấn. Song, tỉ lệ bộ môn lịch sử của trường chúng ta trong mấy năm gần đây còn thấp, tâm lí chung của các em học sinh là “ngại” và “sợ” môn sử. Vì theo các em, môn sử vừa khô khan, khó học và phải “khổ sở lắm” mới học hết chương trình.
Xuất phát từ lí do trên, tôi sẽ chia sẻ  cùng các em một số kinh nghiệm nhỏ, giúp các em có phương pháp học tốt hơn, hứng thú hơn, yêu thích môn học này hơn.
Thứ nhất,  các em cần có kế hoạch học tập ngay từ đầu
Thực tế cho thấy, nhiều học sinh có tâm lí đợi biết môn thi TN thì mới bắt đầu học thì hiệu quả sẽ rất thấp.Vì lúc này, với áp lực của 6 môn thi tốt nghiệp, các em sẽ “học gấp, học vội’’ thì khó có thể học hết chương trình, dễ nhớ nhầm, nhớ sai, dẫn tới tình trạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Hơn nữa, nếu các em có học hết thì cũng sẽ nhanh quên, không hiểu rõ, hiểu sâu kiến thức và sẽ không xác định đúng yêu cầu của đề thi, dẫn tới lạc đề.
Nếu chúng ta học ngay từ đầu,  với phương châm “ mưa lâu thấm đất” thì các em sẽ trang bị đầy đủ kiến thức cho mình, tự tin hơn, vững vàng hơn trong thi cử.
Thứ hai, các em cần đặt ra mục tiêu học tập cho bản thân
Nếu các em đã ý thức việc học sử phải bắt đầu ngay từ đầu thì mỗi ngày, các em cần đưa ra mục tiêu là cần học bao nhiêu câu  ( hoặc vấn đề).Và tất nhiên các em nên thực hiện nghiêm túc điều này.Các em có thể nhờ thầy cô, cha mẹ, anh chị kiểm tra hoặc bạn học cùng kiểm tra chéo.
Thứ ba, trên lớp các em cần chú ý nghe giảng và ôn bài ngay sau đó
Việc chú ý nghe giảng sẽ giúp các em hiểu tường tận vấn đề hơn, nhớ kĩ và nhớ lâu hơn rất nhiều. Do đó , các em sẽ có hứng thú hơn và học bài nhanh thuộc hơn nhiều thay vì các em  chỉ học thuộc lòng nhằm “cố nhớ”. Nghe giảng giúp các em không chỉ “biết sử” mà còn “hiểu sử”
Sau  mỗi bài học trên lớp, thì về nhà, các em cần ôn tập ngay, đừng đợi hôm nào có tiết sử thì tối hôm trước mới đem bài ra học. Vì khi đó các em đã quên bài giảng và coi như các em  phải học lại từ đầu.
Thứ tư, các em cần tích cực phát biểu trong mỗi giờ học
Các em xây dựng bài trong tiết học sẽ giúp mình và giúp các bạn trong lớp học tốt hơn. Để phát biểu ý kiến của mình thì các em đã tư duy và qua việc tình bày ý kiến của mình trước lớp học thì các em được tập diễn đạt ý kiến của mình, mỗi lần nói là mỗi lần nhớ.
Các em cần tránh tình trạng học thụ động “ thứ nhất ngồi ì thứ nhì đồng ý” Như vậy, giờ học của các em sẽ buồn tẻ, không chút hào hứng học tập.Và khi đã không có hứng thú thì các em thấy “ngại” và “sợ” học bài
Thứ năm, các em nên học theo đề cương, chủ đề, chủ điểm
Học theo phương pháp này các emcó thể dễ dàng bao quát, hệ thống hóa kiến thức từng bài, chương trình học.Và các em sẽ tránh được tình trạng nhớ lộn xộn, lung tung…
Ví dụ:
*Đối với phần LS TG hiện đại từ 1945-2000, các em cần nắm được:
+ Trật tự TG sau CT
+Liên Xô và các nước Đông Âu từ 1945- 1991 và Liên Bang Nga từu 1991-2000
+ Các nước Á, Phi, Mĩ la tinh  từ 1945-1991
+Các nước Mĩ, Tây Âu  và Nhật Bản 1945-2000
* Đối với từng bài, các em học từng vấn đề nhỏ:
Bài 1: Sự hình thành trật tự thế giới mới sau chiến tranh thế giới thứ hai(1945-1949)
+Hội nghị Ianta và sự thỏa thuận của ba cường quốc
+Sự thành lập Liên Hợp quốc
+ Sự hình thành hai hệ thống xã hội đối lập
Thứ sáu, các em nên học tập và ôn tập bằng việc “sơ đồ hóa” kiến thức
Đây là một cách học rất hiệu quả, giúp các em học nhanh, khắc sâu kiến thức.
Ví dụ 1: Để khái quát các biện pháp giải quyết khó khăn của nước ta sau cách mạng tháng Tám, các em có thể lập sơ đồ tia như sau:
Ví dụ 2: Khi cần nhớ mốc thời gian về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ 1919-1925 , các em có thể vẽ nhanh sơ đồ thời gian:
Thứ bảy, các em có thể tổ chức học tập, dò bài  theo từng đôi bạn
Hai em cùng học chung một vấn đề rồi dò bài lẫn nhau. Thậm chí các em có thể “đố nhau” “ tranh luận” để tạo nên không khí học tập sôi nổi.
Thứ tám, các em có thể vận dụng những “mẹo nhỏ” để dễ nhớ và nhớ lâu
*Trong quá trình học bài, những số liệu, ngày tháng  có thể ngẫu nhiên trùng với những con số  hay ngày tháng ấn tượng với các em.Khi đó, sẽ tạo nên dấu ấn giúp các em nhớ lâu hơn
Ví dụ: Số đại biểu quốc hội khóa I của nước VNDCCH thì gắn liền với con số ấn tượng của bia 333
* Khi học về chiến dịch nào thì bao giờ cũng có 3 phần: Hoàn cảnh, diễn biến và kết quả
Thứ chín, các em nên “làm quen” với đề thi
Thực hiện điều này, sẽ  giúp các em nhận ra cấu trúc một đề thi như thế nào để có hướng ôn tập hiệu quả. Đồng thời, đây cũng là một cách ôn tập hiệu quả. Và các em sẽ biết được khả năng học tập của mình đến đâu để có hướng điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Để học tốt môn sử là một quá trình vì nó đòi hỏi lòng ham mê, yêu thích môn học và đặc biệt các em phải cần cù chăm chỉ, góp nhặt kiến thức qua thời gian. Trong quá trình học tập, các em đã, đang và sẽ tìm ra những phương pháp phù hợp với môn sử và với khả năng bản thân để học tốt môn sử hơn. Trên đây là những kinh nghiệm của tôi cùng một số đồng nghiệp khi học tập và giảng dạy môn lịch sử, muốn chia sẻ cùng các em. Tôi hi vọng là các em sẽ tham khảo và áp dụng những phương pháp này có hiệu quả. Chúc các em  ngày càng yêu thích và học tập tốt môn lịch sử.
Tác giả bài viết: Lương Thị Hồng Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét