Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Có nên dạy lịch sử qua tên phố?

Có nên dạy lịch sử qua tên phố?
 Báo Người đưa tin

Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT, trong đó có Lịch sử. Trước thông tin này, các trường lập tức “lên dây cót” tăng số giờ học để “bù” lại thời gian dạy qua quýt cho môn học cả năm bị coi là “phụ”.
Tên phố
Còn nhớ mới đây, Hà Nội đề xuất học sử qua tên phố. Với ý tưởng này, nhiều chuyên gia hy vọng sẽ nhen nhóm, thậm chí thổi bùng ý thức học sử, yêu sử trong mỗi thế hệ học sinh. Thế nhưng, ý tưởng vừa đưa vào thực hiện thì đã nảy sinh sai sót.
Hà Nội thí điểm trên một số tuyến đường nhưng còn nhiều kiến thức chưa chuẩn xác. Chẳng hạn, trên tấm biển giới thiệu về địa danh Điện Biên Phủ có ghi: “Điện Biên Phủ: Tên địa danh thuộc tỉnh Lai Châu, nơi diễn ra trận đánh quyết liệt của quân và dân ta tiêu diệt đoàn cứ điểm thực dân Pháp kéo dài 55 ngày đêm”.
Trên thực tế, địa danh này đã thuộc về TP Điện Biên từ 9 năm về trước (năm 2003) nhưng người làm biển vẫn ghi thuộc tỉnh Lai Châu mà không có chú thích nào phía dưới.
Và thêm một lần nữa, vấn đề dạy và học sử lại tiếp tục được đưa lên bàn cân. Nhiều ý kiến cho rằng, có một thực tại cố hữu là các nhà giáo dục và Sử học cần thẳng thắn nhìn nhận về phương pháp học sử còn mang nặng tính hình thức hiện nay.
Nếu ý thức tiếp thu không xuất phát từ bản thân mỗi học sinh thì du thầy cô có dốc hết tâm huyết trên bục giảng, hay các thành phố lớn có in hàng trăm ngàn biển hiệu… cũng chỉ là cách thay đổi lượng, chứ chưa thay đổi về chất.
Con số hàng nghìn học sinh bị điểm 0 trong kỳ thi Đại học năm 2011 vẫn luôn được dư luận nhắc đến như “thảm họa” của ngành Giáo dục. Nhiều ý kiến cho rằng, môn Lịch sử được đưa vào 6 môn thi tốt nghiệp THPT lần này sẽ khắc phục được tình trạng bị điểm thấp trong kỳ thi Đại học năm nay.
GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã có lần khẳng định trên báo chí rằng: Học sinh không thích học Lịch sử là do người lớn?!. Thiết nghĩ, trong khi tranh cãi nguyên nhân còn chưa đến hồi kết, có lẽ việc cải thiện phương pháp dạy và học vẫn là chuyện trước mắt phải bàn.
Không thể gọi là phương pháp dạy lịch sử
Nhắc đến ý tưởng học sử qua tên phố, trao đổi với Người đưa tin, PGS. TS Phạm Hồng Tung - ĐHQG Hà Nội cho biết:
“Không thể gọi đây là phương pháp mà chỉ đơn thuần là một cách phổ biến và truyền bá lịch sử trong đời sống của nhân dân. Cách làm này đã được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng. Tại Việt Nam, địa phương đầu tiên thử nghiệm là TP.HCM. Tiếp đó, Hà Nội nối gót với cách làm khá cầu kì, cẩn thận.
Đây là một hoạt động rất đáng khuyến khích và trân trọng song cũng vẫn tồn tại mặt trái. Nếu biển bảng chú thích thiếu chính xác hoặc sơ sài sẽ khiến người dân hiểu sai lịch sử.
Ngoài ra, hầu hết các con phố đều mang tên các danh nhân, anh hùng đất nước. Cách ghi chú về cuộc đời họ phải được thực hiện trang trọng, nếu không sẽ rất dễ gây phản cảm”
“Bắt” thi cũng là một cách khắc phục
Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết: “Hạn chế trong dạy và học sử đang là tình trạng chung của toàn nhân loại. Tôi đã đi nhiều nước, tiếp xúc với nhiều nền giáo dục và họ đều thừa nhận về những điểm hạn chế ấy. Tôi không quá bất ngờ trước phát ngôn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng điểm sử trong kỳ thi năm 2011 là chuyện bình thường.
Thực chất, Bộ trưởng đang đánh giá về sự sai lầm của cả một hệ thống giáo dục. Theo ông, cứ hoạt động theo cơ chế biên soạn sách giáo khoa theo chương trình có sẵn, rồi các thầy cô dựa vào sách để dạy cho học trò… thì kết quả điểm 0 là tất yếu.
Khi phát hiện ra sai lầm, những người cầm cân nảy mực phải sửa. Và tôi biết họ đã vào cuộc rồi đấy. Theo tôi, biện pháp bắt buộc thi cũng là một cách sửa”.
Có trực quan sinh động sẽ dễ tiếp thu
Chị Dương Thu Hương, phóng viên truyền hình Quảng Ninh (Giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Sử năm 2005 - 2006) cho rằng: "Ai cũng biết học sử để hiểu về những năm tháng đã qua của dân tộc là một điều cần thiết và đáng quý. Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng để các em học sinh yêu sử quả thật không đơn giản.
Nhất là khi các môn học khác có trực quan sinh động dễ tiếp cận hơn, còn Lịch sử chủ yếu vẫn dựa vào sách giáo khoa và tập trung vào số liệu. Các em ít có cơ hội đến với các di sản, các địa điểm chiến tích gắn liền với lịch sử hào hùng dân tộc.
Hoặc nếu được đặt chân đến cũng dễ thất vọng vì tình trạng xuống cấp, lấn chiếm di tích phổ biến…Chính vì thế muốn học sinh “yêu” sử cần có một thay đổi tổng thể”.
Cần xem lại quan niệm về học sửã
ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng: “Chúng ta cần xem lại quan niệm về học sử. Nghề sử là ngụ ngôn chứ không phải tri thức chính xác. Nếu cần biết trận đánh này tiêu diệt bao nhiêu quân địch chỉ cần mở máy tính là có thể biết được.
Cái quan trọng là ý nghĩa sâu xa của mỗi sự kiện lịch sử. Học sinh ở nước Mỹ học sử thảo luận là chính. Các em phải tìm xem trong sự kiện thầy giáo nêu có ý nghĩa gì, tích cực, tiêu cực ra sao. Từ đó các em sẽ hình thành được phương pháp tư duy cho mình.
Mong muốn nâng cao chất lượng dạy và học Sử không chỉ của Bộ GD&DT, Hội Khoa học Lịch sử mà là của toàn xã hội. Nhưng mong muốn ấy phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Cần nỗ lực điều chỉnh cơ chế cũ, thay đổi hệ thống chương trình, hình thức biên soạn SGK những năm qua. Tất cả những việc làm trên cần phải có lộ trình, tránh những điều chỉnh vội vàng”.
Chán học sử vì tâm lý... môn phụ
Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bịnh nhận định: “Thực trạng dạy và học môn sử thời gian qua được liên tiếp dậy sóng trong dư luận. Đa số học sinh coi môn Sử là môn phụ, môn học thuộc nên rất thờ ơ. Nhiều nơi xem nhẹ môn học này tới mức thi thì học, không thi thì học dồn vào một thời gian cho hết chương trình.
Kết quả trong các kỳ thi chính thức do ngành GD&ĐT tổ chức, nhiều em đến kiến thức sơ đẳng cũng không biết. Thực tế này là kết quả của sự nhận thức sai lệch về vị thế môn Sử trong giáo dục phổ thông. Học Sử mà vẫn a dua theo tâm lý đám đông là điều hết sức thiển cận”.
Điều mà TS. Trịnh Hòa Bình đặc biệt quan tâm là phương pháp dạy Sử. “Phải làm sao để học sinh tự nguyện, say mê và phải kích thích được trí thông minh, sáng tạo của các em. Dạy Sử không phải chỉ dạy các chứng cứá lịch sử mà là khắc vào tình cảm, trong tâm khảm các em niềm yêu thích lịch sử của đất nước mình, dân tộc mình”, TS. Bình nói.

Có thể học qua các ca khúc
Trao đổi với Người đưa tin, PGS. TS Nguyễn Duy Bính- Khoa Lịch sử - Trường ĐHSP Hà Nội nhận định:
“Tôi đồng ý với quan điểm khi cho rằng để mọi người và học sinh yêu thích môn Lịch sử là cả một quá trình, cần phải có nhiều cải cách từ việc biên soạn lại sách giáo khoa cho tới thay đổi phương pháp của người truyền tải.
Nếu như chúng ta vẫn tiếp tục dạy học theo phương pháp như hiện nay thì sẽ không mang lại hiệu quả.
Cụ thể, cần liên tục đưa ra những hoạt động ngoại khóa, như chương trình Sử ca học đường. Qua những ca khúc hay viết về đề tài Lịch sử, học sinh được tiếp cận với nhân vật, sự kiện một cách nhẹ nhàng, tự nhiên”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét