Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

CHUYÊN ĐỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC LỊCH SỬ


CHUYÊN ĐỀ
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC LỊCH SỬ
“Tổ chức hoạt động nhóm qua sưu tầm tư liệu và thông tin”

Mục tiêu môn Lịch sử - Địa lí phần Lịch sử ở Tiểu học:
a) Cung cấp cho HS một số kiến thức cơ bản, thiết thực về : các sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử tiêu biểu ở các giai đoạn phát triển của lịch sử Việt Nam từ buổi đầu dựng nước tới nay.

b) Bước đầu hình thành và rèn luyện cho học sinh các kĩ năng:
-         Quan sát sự vật, hiện tượng; thu thập, tìm kiếm tư liệu lịch sử từ các nguồn khác nhau.
-         Nêu thắc mắc, đặt câu hỏi trong quá trình học tập và chọn thông tin để giải đáp.
-         Phân tích, so sánh, đánh giá các sự vật, sự kiện, hiện tượng lịch sử.
-         Thông báo những kết quả học tập bằng lời nói, bài viết, hình vẽ, sơ đồ,...
-         Vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn đời sống.

c) Góp phần bồi dưỡng và phát triển ở HS những thái độ và thói quen:
-         Ham học hỏi, ham hiểu biết thế giới xung quanh.
-         Yêu thiên nhiên, con người, thiên nhiên, đất nước.
-         Có ý thức và hành động bảo vệ thiên nhiên và các di sản văn hoá.

Học sử không phải để nhồi nhét vào trí nhớ một cách vô cảm những sự kiện, con số, ngày tháng, mà học sử để sống và rung động với sự kiện lịch sử. Học sử để rút ra những bài học về nhân văn, về lòng yêu nước, theo phương châm học để hiểu và hành.

Chương trình GDPT ban hành kèm theo quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/6/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là: “Phát huy tính tích, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc trưng bộ môn, đặc điểm đối tượng học sinh, điều kiện của từng lớp học, bồi dưỡng cho học sinh phương pháp tư học, khả năng hợp tác, rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập”. 

Mục tiêu của Hội thảo:
Hội thảo nhằm giúp giáo viên và học sinh có được những kiến thức cơ bản, hình thức và cách thức hoạt động của giáo viên và học sinh trong những điều kiện dạy học hiện nay về lịch sử Việt Nam nói chung và địa phương nói riêng.

Mục đích đổi mới phương pháp dạy học ở trường tiểu học là thay đổi lối dạy học truyền thụ một chiều sang dạy học theo phương pháp dạy học tích cực nhằm giúp HS phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo, rèn luyện khả năng và thói quen tự học, tinh thần hợp tác, kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tạo hứng thú trong học tập cho HS . Qua đây HS chủ động tìm tòi, khám phá, phát hiện, rèn luyện và xử lí thông tin, tự hình thành hiểu biết, năng lực, phẩm chất. Học để đáp ứng những yêu cầu cuộc sống hiện tại và tương lai.

1. Cán bộ quản lý – giáo viên:
-         Bồi dưỡng kĩ năng dạy học tích cực môn Lịch sử và Địa lý lớp  4, 5 thông qua tiết dạy Lịch sử địa phương cho đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên nhằm đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảng dạy Lịch sử Việt Nam nói chung ở các trường Tiểu học.
-         Đa dạng hoá hoạt động dạy học, phát huy tích chủ động và sáng tạo trong dạy học.
-         Chú trọng dạy học cá thể, sát với đối tượng, tổ chức hoạt động phù hợp vối trình độ học sinh.

2. Học sinh:
-         Nâng cao kỹ năng thu thập thông tin, sử dụng nguồn tư liệu có sẵn từ sách giáo khoa và qua các phương tiện tuyền thông khác.
-         Gợi cho học sinh lòng yêu thương đất nước, công đồng xã hội Việt Nam với mong muốn bảo vệ toàn vẹn đất nước, giữ gìn bản sắc dân tộc và sống chung hoà bình cùng các dân tộc trên thế giới; có sự hiểu biết và lòng tự hào về cội nguồn của dân tộc, lịch sử nước nhà, lịch sử địa phương nơi mình đang sinh sống.
-         Giáo dục các em lòng say mê, yêu thích học tập môn Lịch sử - Địa lý một cách tự tin, chủ động và tích cực. 

Hiện trạng của việc dạy và học môn Lịch sử - Địa lí ở tiểu học:
Hiện nay, có một số tiết học Lịch sử Việt Nam nói chung, Lịch sử địa phương nói riêng được tiến hành một cách sinh động nhờ có sự quan tâm đầu tư cho soạn giảng, đổi mới hình thức tổ chức hoạt động cho học sinh trên lớp.
Tuy nhiên, việc dạy học này chưa được thực hiện đều ở đại bộ phận giáo viên của các trường. Nhiều tiết dạy vẫn chưa tổ chức được cho học sinh sưu tầm tư liệu và chuẩn bị bàichu đáo, chưa tạo được sự hứng thú cho học sinh tham gia học hỏi và tìm hiểu kĩ bài học. Điều này dẫn đến nhiều học sinh không biết gì về truyền thống lịch sử cha ông hay nhầm lẫn rất nhiều các khái niệm với nhau. Đây là một điểm yếu cần được khắc phục.
Cũng có thể nói thêm, giáo viên gặp không ít khó khăn khi dạy Lịch sử Việt Nam. Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng trên là các sách lịch sử của chúng ta viết về các thời kì còn nặng về chính trị và quân sự, nêu quá chi tiết về diễn tiến của các trận chiến, . . . mà ít chú ý đến nội dung trọng tâm của việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Cần làm gì để nâng cao chất lượng dạy - học môn Lịch sử ?
Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm về đổi mới dạy - học môn Lịch sử ở các trường. Những kinh nghiệm này cần tiếp tục được tập hợp, phổ biến và nhân rộng như: Tiếp tục sử dụng hợp lí các phương pháp dạy học Lịch sử, đảm bảo đặc trưng bộ môn và gây hứng thú cho học sinh; Gây xúc cảm và giáo dục tư tưởng cho học sinh qua từng tiết học Lịch sử; Đảm bảo sự cân đối giữa hoạt động của giáo viên và học sinh trong giờ học. Trong đó đặc biệt coi trọng việc thiết kế các hoạt động nhận thức độc lập của học sinh. Tiếp tục phấn đấu theo hướng giảm phần thuyết trình của giáo viên để học sinh được hoạt động nhiều hơn; Tiếp tục làm phong phú những kinh nghiệm rèn kĩ năng học tập bộ môn cho học sinh, kinh nghiệm tổ chức những tiết ôn tập. Trong thực tế, còn có nhiều GV tỏ ra lúng túng khi dạy các tiết ôn tập và tổ chức kiểm tra, đánh giá; Đồng thời cũng cần phổ biến rộng rãi những kinh nghiệm biên soạn và dạy giờ học Lịch sử địa phương, dạy học qua ứng dụng công nghệ thông tin…

Việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực đã khiến mối quan hệ thầy - trò trong nhà trường bắt đầu có sự thay đổi. Vị trí trung tâm của người thầy giáo không còn ở nghĩa truyền thống và đã bắt đầu dịch chuyển sang học sinh. Giáo viên không chỉ đơn thuần truyền thụ kiến thức cho học sinh tiếp nhận mà còn là sự phản ảnh trở lại của các em. Trong thời đại bùng nổ thông tin, khi học sinh có nhiều kênh tiếp nhận thông tin thì trường học phải là kênh duy nhất truyền đạt kiến thức một cách có hệ thống, trong đó, giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn. Trên quan điểm như vậy, các trường cần khuyến khích mọi học sinh phải chuẩn bị bài mới trước khi đến lớp để có thể hình dung trước những khái niệm, kiến thức sẽ phải tiếp thu và khắc sâu.

Nhân cách con người không thể phát triển qua việc tiếp thu tri thức mà phát triển bằng hoạt động và trong các hoạt động của chính người ấy. Tính chất của hoạt động ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành nhân cách: hoạt động rập khuôn, bắt chước máy móc, học tập theo lối tái hiện sẽ cho kết quả là những con người chỉ biết thừa hành, thiếu năng động, sáng tạo. Muốn có những con người năng động, sáng tạo cần phải tổ chức các hoạt động vui chơi, học tập tích cực, sáng tạo. Muốn có những con người có năng lực hợp tác, có khả năng làm việc cùng đồng đội, cần tổ chức các hoạt động vui chơi, học tập theo nhóm, mang tính chất tập thể.

Do đó để đổi mới phương pháp dạy học đạt hiểu quả cao, chúng ta cần chú ý:
-         Thứ nhất, bồi dưỡng tình cảm, giáo dục thái độ: HS chủ động, sáng tạo; GV dạy học theo phương pháp nêu vấn đề, hướng dẫn, tổ chức hoạt động dạy học cho HS.
-         Thứ hai, thiết kế bài giảng phải khoa học, xác định rõ hoạt động của GV và HS ( câu hỏi đặt ra phải hợp lí có tính chất phân loại HS, bài học cần xác định nội dung trọng tâm, vừa sức, giúp HS nắm vững bản chất kiến thức, tránh ghi nhớ máy móc).
-         Thứ ba, ứng dụng CNTT, sử dụng TBDH, thí nghiệm, thực hành, liên hệ thực tế.
-         Thứ tư, ngôn ngữ, tác phong của GV chuẩn xác.
-         Thứ năm, dạy học sát đối tượng ( bồi dưỡng HS khá giỏi và giúp đỡ HS yếu kém).
-         Thứ sáu bắt đầu tiết học nhẹ nhàng, tự nhiên phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của học sinh tiểu học.


Lời kết:
Mỗi giáo viên cần xác định vai trò chủ đạo của giáo viên trong đổi mới phương pháp dạy học, trước hết phải tìm tòi phương pháp truyền đạt có hiệu quả, kích thích tích tư duy, sáng tạo của học sinh. Chủ động tự bồi dưỡng chuyên môn, tìm tài liệu chuẩn phù hợp với nhận thức của học sinh để cung cấp cho các em như: Giáo viên thường xuyên theo dõi cập nhật những thông tin, những số liệu liệu sự kiện Lịch sử qua các phương tiện thông tin (sách, báo phim ảnh...) để có tư liệu giảng dạy gây hứng thú cho học sinh. Qua đó hướng dẫn học sinh sưu tầm tài liệu để chủ động sáng tạo trong tiếp thu kiến thức.

Trong việc soạn giảng, giáo viên nên thiết kế bài bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của môn học, bài học. Sắp xếp các hoạt động của giáo viên, học sinh mọt cách phù hợp đặc điểm của từng bài và sử dụng thiết bị dạy học: Để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực. Cụ thể: Đối với những bài mới, khó trong chương trình, giáo viên cần thông qua họp tổ chuyên môn, thảo luận và thống nhất những nội dung trọng tâm cần truyền đạt cho học sinh và thống nhất những hoạt động của học sinh trong các mục của bài đó để phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của các đối tượng học sinh.

Do đó để giúp học sinh có thể hiểu nắm đươc nội dung bài học một cách tích cực, giáo viên cần có cách tổ chức cho học sinh biết sưu tầm tư liệu, thông tin nhằm chuẩn bị cho bài học mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng đồ dùng thiết bị, phương tiện trực quan, thăm quan thưc tế phục vụ cho việc dạy học đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh cụ thể của trường cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đặc điểm đối tượng học sinh còn thụ động một chiều để nắm bắt kiến thức, chưa chủ động tích cực, sáng tạo trong học tập, giáo viên cần phải quan tâm hơn cho sự đổi mới phương pháp giảng dạy trong các giờ lên lớp như sau:
1/ Thay đổi tư duy trong dạy học.
2/ Tuỳ thuộc vào đặc trưng của bộ môn giáo viên phải tạo hứng thú cho học sinh trong quá trình nắm bắt kiến thức, tránh sự nhàm chán, căng thẳng trong mỗi giờ học, tích cực dạy học theo phương pháp nêu vấn đề.
3/ Giúp học sinh nâng cao tính tự học, tham gia họt động nhóm đạo hiệu quả cao và cá thể hoá trong học tập.
4/ Nhà trường, chính quyền địa phương, gia đình học sinh cần tạo môi trường đẩy đủ nhắm phát triển toàn diện cho các em (kiến thức, kĩ năng, thái độ). Ngoài giờ học chính khoá nên có những buổi học ngoại khoá, tham quan dã ngoại mang tính thực tế hơn.

Chúng tôi nghĩ, nếu làm được như vậy thì chúng ta sẽ gặt hái được kết quả đáng kể hơn trong việc dạy và học, đặc biệt đối với môn Lịch sử - Địa lí phần Lịch sử, môn học góp phần hình thành phẩm chất con người Việt Nam theo 5 điều Bác Hồ dạy đối với thiếu nhi.

Xin trân trọng và cảm ơn!

                   PHÒNG GIÁO DỤC TIỂU HỌC - Sở Giáo dục Đào tạo Tp. Hồ Chí Minh
                                                                                               Tháng 12 năm 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét