Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Vận dụng phương pháp lịch sử và lô-gic trong giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sảng Việt Nam phần Cách mạng xã hội chủ nghĩa

Vận dụng phương pháp lịch sử và lô-gic trong giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sảng Việt Nam phần Cách mạng xã hội chủ nghĩa

Th.s Phan Quốc Huy - Đại học Vinh

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đưa sự nghiệp đổi mới đi đến thành công, đây là một phần lịch sử cần phải được giảng dạy vừa đảm bảo tính khoa học và tính thực tiễn. Vì vậy, việc đổi mới phương pháp giảng dạy lịch sử Đảng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho học viên và sinh viên trong các trường Đại học, trường Chính trị là một việc làm hết sức cấp thiết. Đặc biệt là đổi mới phương pháp giảng dạy các môn khoa học Mác- Lênin nói chung, trong đó có môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
 Giảng dạy chính trị, đường lối nói chung đến với người nghe được đã khó, giảng dạy hấp dẫn lại càng khó hơn. Trong nhiều năm qua khi giảng dạy môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cho các đối tượng học viên, sinh viên nhờ vận dụng phương pháp dạy học đặc trưng của Lịch sử Đảng là phương pháp Lịch sử và lôgíc chúng tôi đã phần nào tạo ra hứng thú cho người học. Nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các phương pháp dạy học tích cực của các môn khoa học xã hội trong quá trình lên lớp đã giúp cho giáo viên vững vàng hơn về một cách dạy học hứng thú người học, người nghe. Sau đây là một vài trao đổi.
 Lịch sử là phương pháp phản ánh trong tư duy quá trình lịch sử - cụ thể của sự vật với những chi tiết của nó trong sự vận động phát triển vốn có. Chẳng hạn việc nghiên cứu chủ nghĩa tư bản bằng phương pháp lịch sử đòi hỏi phải bắt đầu mô tả quá trình phát sinh, phát triển của chủ nghĩa tư bản trong các nước riêng lẻ ở châu Âu, châu Mỹ với vô số các chi tiết và các hình thức cụ thể bao gồm cái phổ biến, tất nhiên, đặc thù, đơn nhất, ngẫu nhiên.
 Phương pháp lịch sử có giá trị to lớn và quan trọng nhờ nó con người có thể nắm bắt tương đối trọn vẹn quá trình đã diễn ra sự vật. Do đó nếu không có phương pháp lịch sử thì không có khoa học lịch sử. Tuy nhiên phương pháp lịch sử có hạn chế ở chỗ, phương pháp này chưa chỉ rõ mối liên hệ bản chất, tất yếu xuyên suốt bên trong một sự vật hay nhiều sự vật.
  Lôgíc là phương pháp vạch ra bản chất, tính tất nhiên, tính quy luật của sự vật dưới hình thức lý luận trừu tượng và khái quát.
So với phương pháp lịch sử, phương pháp lôgíc có nhiệm vụ dựng lại cái lôgíc khách quan trong sự phát triển của sự vật nên có ưu thế ở chỗ nó không những phản ánh được bản chất, tất yếu, quy luật phát triển của sự vật mà nó còn phản ánh được lịch sử phát triển của sự vật ấy (một cách tóm tắt, khái quát, trên những giai đoạn chủ yếu). Phương pháp lôgíc có khả năng kết hợp trong bản thân mình hai yếu tố của sự nghiên cứu: Nghiên cứu kết cấu của sự vật cùng với hiểu biết lịch sử của sự vật trong sự thống nhất chặt chẽ của chúng.
 Phương pháp lịch sử và phương pháp lôgíc là hai phương pháp nghiên cứu khác nhau, nhưng lại gắn bó chặt chẽ với nhau. Bởi vì muốn hiểu biết bản chất và quy luật của sự vật thì phải hiểu lịch sử phát sinh, phát triển của nó. Mặt khác có nắm được bản chất và quy luật của sự vật mới nhận thức thức được lịch sử của nó một cách đúng đắn và sâu sắc. Phương pháp lịch sử cũng phải nắm lấy cái lôgíc, phải rút ra sợi dây lôgíc chủ yếu của lịch sử thông qua việc phân tích các sự kiện và hiện tượng cụ thể. Còn phương pháp lôgíc phải dựa trên các tài liệu lịch sử để khái quát và chứng minh và rốt cuộc phải đem lại lịch sử trong tính bản chất của nó. Lịch sử mà thiếu lôgíc sẽ mù quáng, còn lôgíc mà thiếu lịch sử thì không có đối tượng, dễ rơi vào chủ quan, tư biện.
 Để phát huy tính tích cực của cả người dạy và người học đối với môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (nay trong chương trình đào tạo đại học được gọi với tên mới là môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam). Đặc biệt để giữ vững tính độc lập tương đối của môn học so với các môn khoa học lịch sử nói chung. Trong quá trình truyền đạt nội dung môn học, bản thân người cán bộ giảng dạy phải hội đủ các phẩm chất và năng lực như:
 Thứ nhất, phái có lập trường, quan điểm, tư tưởng vững vàng, kiên định với đường lối của Đảng.
 Thứ hai, là có năng lực nắm bắt và thông hiểu các quy luật vận động của Triết học, Kinh tế chính trị học và các khoa học luận khác.
 Thứ ba, là có sự nhạy cảm về chính trị và thời cuộc để kểt hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn.
 Dạy học tích cực đối với môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là nhằm từng bước tạo ra hứng thú say mê học tập cho từng đối tượng sinh viên chỉ có thể là đổi mới phương pháp dạy học. Dưới góc độ tiếp cận ấy, bài viết này xin viện dẫn về cách lên lớp phần cách mạng XHCN trong chương trình môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cho sinh viên.
 Vận dụng vào giảng bài "Cuộc cách mạng XHCN ở miền Bắc 1954-1975"
 Trước hết cần phải nêu đầy đủ tình hình đặc điểm của miền Bắc khi bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH. Tính tất yếu của miền Bắc lên CNXH. Một ngoại lệ của lịch sử là cả nước chưa thống nhất nhưng Đảng ta vẫn quyết định đưa miền Bắc đi lên CNXH, trong khi trên thế giới chưa hề có một đất nước nào bắt đầu như thế. Quá trình lên lớp cần làm nổi bật vấn đề này. Từ đó để rút ra kết luận miền Bắc phải tiến lên CNXH, đó là một tất yếu khách quan, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.
 - Về đường lối chung và đường lối kinh tế tại Đại hội III cũng như kế hoạch 5 năm 1961-1965 cần làm rõ những vấn đề sau:
 Nghị quyết Đại hội III của Đảng có giá trị như một Cương lĩnh trong gần hai thập kỷ. Vì thế khi phân tích đường lối cứ sa đà vào sự kiện lịch sử mà không đề cập tới lôgic của mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng. Điều cần làm rõ là vị trí của mỗi chiến lược cách mạng, trong đó cuộc cách mạng XHCN ở miền Bắc giữ vai trò "quyết định nhất" và cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam giữ vai trò "quyết định trực tiếp". Đó là sự sáng tạo để làm tăng thêm giá trị khoa học, cách mạng và sáng tạo trong đường lối chỉ đạo của Đảng.
 - Về thành tựu, những sai lầm khuyết điểm của cuộc cách mạng XHCN ở miền Bắc (1954-1975) cần nêu rõ những hạn chế là tư tưởng chủ quan, nóng vội, duy ý chí trong cải tạo XHCN, trong vấn đề hợp tác hoá... Nhưng cần phải tránh khuynh hướng lạm dụng quan điểm đổi mới của Đảng thổi phòng quá mức những sai lầm khuyết điểm để làm cho quần chúng mất lòng tin.
 - Điều quan trọng nhất là đánh giá như thế nào cho đúng về vai trò của công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc. Muốn vậy phải đặt trong hoàn cảnh 20 năm chiến tranh, xây dựng CNXH thời chiến. Đã là CNXH thời chiến thì vừa có những mặt tốt và có những mặt chưa tốt, thậm chí là cả những sai lầm, khuyết điểm và cả những nhận thức non nớt. Nhưng để có cái nhìn toàn diện thì nếu không có 20 năm xây dựng CNXH ở miền Bắc thì liệu chúng ta có thể giải phóng được miền Nam, thống nhất đất nước được hay không? Miền Bắc là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn, là nơi chi viện sức người, sức của tối đa cho chiến trường. Đó là một thực tế khách quan. Là lôgíc để tạo nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
 Vận dụng vào giảng bài "Cả nước quá độ lên CNXH và bảo vệ Tổ quốc 1975 - 1985"
 Thời kỳ 1976-1985, Đảng Cộng sản Việt Nam trãi qua hai kỳ đại hội. Những thành tựu và những sai lầm khuyết điểm cần được xem xét một cách nghiêm túc, khách quan và thực sự cầu thị. Đây là giai đoạn chúng ta đứng trước những khó khăn, thử thách. Đường lối của Đại hội IV chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của 20 năm xây dựng CNXH ở miền Bắc trước đó, trong khi bối cảnh lịch sử đã thay đổi. Những sai lầm về cải tạo XHCN, về hợp tác hoá, tập đoàn hoá ở miền Nam, các bước đi của CNH và những chỉ tiêu đề ra cho kế hoạch 5 năm (1976-1980) là không phù hợp với thực tiễn. Trong lúc đó mô hình của CNXH đang bộc lộ sự trì trệ, khủng hoảng và sụp đổ là điều không thể tránh khỏi.
 Những vấn đề tồn tại của Đại hội IV đến Đại hội V được Đảng ta điều chỉnh và cụ thể hoá về thời kỳ quá độ và xác định đúng vai trò của nông nghiệp. Vì vậy để có cái nhìn lịch sử đúng chúng ta cần phải làm rõ những sai lầm khuyết điểm cả về khách quan lẫn chủ quan. Đó là lôgíc của vấn đề, là sự dũng cảm dám nhìn thẳng vào sự thật, là duy ý chí, nóng vội, chủ quan và thiếu cơ sở khoa học.
 Vận dụng vào giảng bài "Cuộc cách mạng XHCN trong thời kỳ đổi mới đẩy mạnh CNH, HĐH 1986-2006"
 Trong suốt 20 năm đổi mới, Đảng ta đã trãi qua 5 kỳ đại hội (từ ĐH VI đến ĐH X), cùng với những biến động khôn lường của thế giới và trong nước. Đất nước đứng trước những thử thách nghiêm trọng, song chúng ta đã thành công. Để đạt được những thành tựu to lớn như hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam với bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên trì đổi mới theo định hướng XHCN. Giữ vững mô hình kinh tế hàng hoá nhiều thành phần.    Kiên trì con đường đã chọn. Vững vàng trước những thử thách khó khăn. Để đạt được thành tựu đáng tự hào sau 20 năm đổi mới.
 Mô hình CNXH được phác thảo tại Cương lĩnh Đại hội VII (1991) qua các kỳ đại hội tiếp theo Đảng ta đã từng bước bổ sung, phát triển. Đến Đại hội X (2006), Đảng ta đã đưa ra được mô hình phù hợp thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở nước ta. Đây là phần trong khi lên lớp chúng ta phải nêu rõ cả về thành tựu và khuyết điểm, những nguy cơ và thời cơ lớn để có cái nhìn thông thoáng hơn. Cần làm rõ sự sáng tạo của Đảng khi vận dụng những thành tựu của các mô hình kinh tế khác nhau phục vụ tốt hơn mục tiêu của CNXH. Thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao song những mặt trái tồn tại không ít, nhiều "quốc nạn" đang làm xói mòn lòng tin. Để có một bài giảng tốt cần phải có bản lĩnh và niềm tin cùng với xử lý thuần thục các phương pháp. Ngần ấy thao tác, người giáo viên mới gọi là mãn nguyện cho một bài lên lớp.
 Tóm lại, đổi mới phương pháp giảng dạy Lịch sử Đảng từng phần quả là một công việc khó khăn. Nếu không xuất phát từ một lập trường kiên định, một cơ sở lý luận vững chắc, sẽ không tránh khỏi những thiên hướng khác nhau trong giáo dục và giáo dưỡng sinh viên, học viên. Cơ sở lý luận của phương pháp dạy học là thuần thục các phương pháp lên lớp và thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét