Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Sử dụng tài liệu văn học dân gian phục vụ giảng dạy và học tập lịch sử Việt Nam trong trường phổ thông


Sử dụng tài liệu văn học dân gian phục vụ giảng dạy và học tập lịch sử Việt Nam trong trường phổ thông
   Đặng Hoàng Sang - Hội KHLS Đồng Tháp
Do đặc điểm lịch sử của dân tộc, tài liệu văn học nói chung và Văn học dân gian (VHDG) nói riêng ở nước ta có khả năng biểu hiện nội dung lịch sử rất sâu sắc. Nó không chỉ có giá trị như những tài liệu lịch sử, mà còn phản ánh được bản chất của từng sự kiện lịch sử cụ thể. Trong bài viết này, tác giả xin trình bày vấn đề sử dụng tài liệu VHDG phục vụ giảng dạy và học tập chương trình Lịch sử Việt Nam (Nghiên cứu trường hợp Lịch sử lớp 10), nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông hiện nay.
1. Sự cần thiết của tài liệu Văn học dân gian trong giảng dạy và học tập Lịch sử Việt Nam trong trường phổ thông
Cố nhà văn Vũ Ngọc Phan (1902 – 1987) từng cho rằng : “Văn học dân gian phục vụ rất nhiều cho sử học”[1] khi nghiên cứu tác dụng của VHDG đối với các môn khoa học xã hội khác. Thật vậy, giữa tri thức lịch sử và tri thức văn học nói chung, VHDG nói riêng có mối quan hệ với nhau rất chặt chẽ. Để cho bài giảng lịch sử không phải rơi vào tình trạng “khô, khó, khổ”, người giáo viên (GV) lịch sử phải linh hoạt sử dụng nhiều phương pháp đổi mới trong dạy học, trong đó thiết nghĩ sử dụng tài liệu VHDG là một trong những phương pháp hữu hiệu, nâng cao chất lượng bài giảng được tốt hơn.
VHDG là một phần của sáng tác dân gian, phát triển trong đời sống của nhân dân theo phương thức truyền miệng và tập thể[2]. Là sáng tác nghệ thuật của nhân dân, tác phẩm dân gian phản ánh và biểu hiện đời sống nhân dân, thế giới tinh thần và tình cảm của nhân dân. Đó là cuộc sống lao động, những sự kiện, vấn đề của đời sống xã hội, cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân chống áp bức và cuộc chiến đấu của toàn dân chống ngoại xâm. Hiện thực lịch sử đã được phản ánh trong tác phẩm VHDG như là bộ bách khoa toàn thư về đời sống nhân dân. Vì lẽ đó, nó là “những hòn ngọc quý”[3], là vũ khí tinh thần mạnh mẽ của nhân dân. Việc sử dụng những câu ca dao, truyền thuyết, truyện cổ tích,… trong một bài giảng sẽ làm tăng sự “cảm thụ lịch sử” cho học sinh (HS) thêm phần tinh tế và sâu sắc hơn.
Từ đặc điểm này, tài liệu VHDG đã cơ bản phản ánh được “cái thần” của sự kiện, của mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể. Ví dụ, khi cung cấp cho HS nội dung : công cụ sản xuất bằng đồng thau đã trở nên phổ biến và bước đầu làm ra được công cụ bằng sắt, trong mục 1 của bài 14 Các quốc gia cổ đại trên đất nước Việt Nam, GV tóm tắt ngắn gọn nội dung truyền thuyết Thánh Gióng và sử dụng chi tiết Thánh Gióng yêu cầu với : “Sứ giả hãy mau về tâu với nhà vua đúc cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt, một áo giáp sắt và một cái nón sắt. Ta sẽ đánh tan quân giặc”[4]. GV đặt câu hỏi : Tại sao Thánh Gióng không yêu cầu sứ giả đúc cho các loại vũ khí bằng công cụ khác mà phải bằng sắt? Sau khi HS trả lời, GV bổ sung : vào thời Hùng Vương tương ứng với giai đoạn văn hóa Đông Sơn nhân dân thời cổ đã sử dụng được công cụ bằng sắt tuy mới ở “bước đầu”. Từ đó, giúp HS nhận thức được rằng nhờ sử dụng công cụ mới nên người Việt cổ có được một nền kinh tế phát triển mạnh để từ đây tạo nên những chuyển biến to lớn về mặt xã hội.
Ngoài ra, để chứng minh cho công cụ sản xuất thời Đông Sơn tinh tế hơn, GV có thể giới thiệu tóm tắt truyện Bánh chưng bánh dày để cho HS thấy được vào thời gian này công cụ sản xuất tương đối tinh tế, cư dân thời cổ mới nghĩ đến việc cải thiện sinh hoạt, thi nhau làm thức ăn, xem ai tài ai khéo hơn, để chọn lấy thứ ngon và đơn giản hơn.
Nói tóm lại, khi sự giảng dạy, phân tích có tính chất lý luận không đủ để HS hiểu đầy đủ một vấn đề và sự kiện lịch sử thì tài liệu VHDG phát huy được tác dụng tích cực của nó. Bởi vì, nhận thức lịch sử không chỉ có một hướng, một nội dung mà là sự kết hợp, bổ sung sâu sắc giữa cảm thụ và tư duy lý trí, giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính. Hiểu được như vậy, người GV lịch sử mới thấy rõ sự cần thiết của tài liệu VHDG trong dạy học lịch sử (DHLS) trong trường phổ thông hiện nay.
2. Một số biện pháp sử dụng tài liệu Văn học dân gian trong giảng dạy và học tập Lịch sử Việt Nam (Nghiên cứu trường hợp Lịch sử lớp 10)
Trong DHLS, cũng như các bộ môn khác ở trường phổ thông, việc tiến hành bài học trong giờ học nội khóa là một hình thức cơ bản nhất, chiếm vị trí chủ đạo trong các hoạt động dạy và học. Có nhiều biện pháp sử dụng tài liệu VHDG trong giờ học nội khóa môn Lịch sử nhưng phải đảm bảo việc sử dụng đúng SGK, phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của HS trong học tập. Tùy thuộc vào mục đích, nội dung của từng bài, từng hoạt động, hình thức tổ chức giờ học mà GV có biện pháp hướng dẫn HS sử dụng tài liệu VHDG khác nhau. Sau đây, xin được đi sâu vào từng biện pháp cụ thể :
2.1. Sử dụng tài liệu Văn học dân gian kết hợp với nêu câu hỏi và bài tập nhận thức
Trong mỗi tiết học, việc xác định nhiệm vụ nhận thức có ý nghĩa cực kỳ quan trọng mang tính quyết định đối với hiệu quả của nó. Mục đích của việc nêu nhiệm vụ nhận thức là giúp HS ý thức được những vấn đề cơ bản nhất cần phải hiểu và nắm chắc của bài sắp học, tức là đặt ra ngay từ đầu nhiệm vụ để HS hình dung trước những sự kiện và hiện tượng lịch sử cơ bản, then chốt của tiết học.
Thông thường, nhiệm vụ nhận thức được GV nêu lên bằng một hoặc vài câu hỏi trước khi vào dạy bài mới để kích thích tư duy của HS, giúp các em suy nghĩ, tập trung vào những nhiệm vụ cốt lõi. Cuối tiết học, HS trả lời được những câu hỏi đó là bài học đạt hiệu quả. Việc kết hợp sử dụng tài liệu VHDG với nêu câu hỏi, bài tập nhận thức là một biện pháp cần thiết, góp phần làm cho bài giảng có tính hiệu quả cao.
Ví dụ, dạy bài 26 Tình hình xã hội ở nửa đầu thế kỉ XIX và phong trào đấu tranh của nhân dân, ở mục 1, GV có thể đọc cho HS nghe câu ca dao :
“Con ơi, mẹ bảo con này,
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”[5].
Sau đó, đặt cho các em bài tập nhận thức : Câu ca dao trên phản ánh thực tế gì của xã hội đương thời? HS dễ dàng nêu được : câu ca dao là lời cha (hoặc mẹ) dặn con nhớ lấy cái thực tế phủ phàng và tội ác cướp bóc dã man của bọn quan lại phong kiến. Nó cung cấp một hình ảnh cụ thể : “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Nó được chia làm hai vế đối nhau, các từ ngữ cũng đối nhau : “quan” đối với “giặc” ; “cướp ngày” đối với ‘cướp đêm”. Nghệ thuật đối đã đặt bọn quan lại phong kiến ngang hàng với bọn giặc cướp. Tất cả đã nói lên bộ mặt xấu xa và tệ tham quan ô lại của bọn được xem là “công bộc” cho dân.
Lấy một ví dụ khác. Muốn cho HS nhận thức sâu sắc được truyền thống yêu nước đấu tranh anh dũng của người phụ nữ Việt Nam, GV có thể hỏi HS bằng một câu tục ngữ : “Tục ngữ Việt Nam có câu : “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh”[6], bằng truyền thống lịch sử dân tộc, hãy nêu và chứng minh qua những sự kiện lịch sử mà em biết?”. Có thể cho HS bài tập về nhà hoặc thảo luận trên lớp dưới sự hướng dẫn của GV. Với bài tập nhận thức này, GV có thể kiểm tra kiến thức HS một cách hệ thống và khoa học. Câu tục ngữ dễ dàng đi vào lòng HS bởi sự cô động và hình ảnh hết sức cụ thể. Sau khi HS có câu trả lời, GV giúp cho HS hiểu rõ câu tục ngữ nói lên tinh thần, ý chí và quyết tâm chống xâm lược giữ nhà giữ nước của nhân dân ta. Nó đồng thời cũng là kinh nghiệm, tổng kết lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Đây là chân lý của lịch sử Việt Nam. Trải qua lịch sử lâu dài, nhân dân ta đã bao phen “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh” và đánh thắng quân xâm lược hơn mình gấp bội. Các nữ anh hùng dân tộc : Hai Bà Trưng, Bà Triệu, nữ tướng Tây Sơn Bùi Thị Xuân,… đã làm rạng ngời chân lí đó. Đàn bà, phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa vẫn thường được coi là phái yếu. Việc đánh giặc thường xem là việc chính của đàn ông, nam giới. Nhưng khi “nghiên cứu xã hội Việt Nam, ta sẽ ngạc nhiên vì một điều trái ngược về vai trò của người phụ nữ : sự biểu hiện mờ nhạt hay vắng bóng trong xã hội và vị trí thực sự của họ đã được lịch sử xác nhận và được khẳng định bằng những truyền thuyết hay biểu tượng”[7]. Từ “phải” ở đây nhấn mạnh đến cái tất yếu : đàn bà, phụ nữ tuy là phái yếu nhưng khi gặp phải hoàn cảnh “giặc đến nhà”, quân xâm lược kéo vào bờ cõi thì đàn bà, phụ nữ cũng ra trận, giáp mặt với quân cướp nước, cướp nhà. Từ “phải” còn diễn đạt quyết tâm đánh giặc của phụ nữ. Câu tục ngữ như nhát dao đâm thẳng vào quân thù.
Ngoài ra, có thể ra bài tập về nhà bằng việc cho HS sưu tầm những tài liệu VHDG về một giai đoạn hay một chủ đề lịch sử như truyền thống yêu nước của dân tộc, các vị anh hùng dân tộc, đời sống của nhân dân trong xã hội phong kiến,… Đặc biệt, khuyến khích các em sưu tầm những vấn đề có tính chất địa phương giúp cho HS có những hiểu biết về quê hương mình nhằm bồi dưỡng lòng yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc mình hơn. Làm được điều này, chẳng những HS tự mình bổ sung thêm những hiểu biết về VHDG, về lịch sử dân tộc mà còn giúp cho các em làm quen bước đầu với công tác nghiên cứu khoa học.
2.2. Sử dụng tài liệu Văn học dân gian để nêu quy luật, rút ra bài học lịch sử
Trên cơ sở tạo biểu tượng lịch sử để hình thành khái niệm, HS đã có sự khái quát lý luận, song chưa phải đã dừng ở đấy, mà cần tiến hành nắm quy luật và rút ra bài học lịch sử. Bởi vì “nghiên cứu khoa học cũng như học tập lịch sử phải đạt đến trình độ nắm quy luật và ý nghĩa thực tiễn của việc học lịch sử là biết vận dụng những bài học của quá khứ trong cuộc sống hiện tại. Công việc này cũng là một bộ phận quan trọng của việc phát triển tư duy và năng lực thực hành của học sinh”[8].
Lịch sử Việt Nam có rất nhiều bài học sâu sắc, quý báu đã được các nhà nghiên cứu tổng kết và đúc rút ra, có sẵn trong giáo trình và SGK Lịch sử. Tuy nhiên, nhiệm vụ của người GV không phải là thông báo cho HS những quy luật, bài học lịch sử, mà “phải dạy cho HS hiểu biết những sự kiện lịch sử, những quy luật lịch sử qua các thời đại chứ không thể nói ba hoa về chính trị ở đây”[9]. Mặt khác, SGK hiện nay được viết theo hướng giảm rất nhiều phần kết luận khái quát. Vì vậy, việc tổ chức, hướng dẫn HS rút ra quy luật, bài học lịch sử là một yêu cầu không thể thiếu. Song, không phải tài liệu VHDG nào cũng có thể sử dụng để rút ra bài học lịch sử được. Điều này đòi hỏi GV cần phải đầu tư nhiều công sức trong việc lựa chọn tài liệu VHDG.
Ví dụ, cho HS dễ dàng rút ra được bài học về sự đoàn kết, thống nhất trong cuộc đấu tranh gian khổ, quyết liệt để giữ nước và dựng nước, GV không thể không dẫn truyện Thánh Gióng, hay những câu ca dao như :
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
“Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
“Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”[10].
Qua đây, GV cho HS một bài học đắt giá của cha ông để lại : muốn tồn tại buộc các thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam phải cố kết lại với nhau, có nhu cầu đùm bọc lẫn nhau, phải thực sự thương yêu nhau. Tình yêu thương được vun đắp từ trong gia đình, họ hàng đến láng giềng, thôn xóm và mở rộng ra cả đất nước. Từ đó, HS hiểu được bài học về cách đối xử các mối quan hệ trong xã hội.
2.3. Sử dụng tài liệu Văn học dân gian để kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của học sinh
Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS trong quá trình dạy học có tầm quan trọng đặc biệt. Nó là “khâu cuối cùng, đồng thời khởi đầu cho một chu trình khép kín tiếp theo với một chất lượng cao hơn của quá trình giáo dục”[11]. Kiểm tra, đánh giá không phải lúc nào cũng thực hiện một cách máy móc là yêu cầu HS trả lời các câu hỏi trong SGK hoặc từ “ngân hàng đề thi” có sẵn vì như vậy sẽ dễ lặp lại và nhàm chán. Chủ trương đổi mới kiểm tra, đánh giá cả về nội dung cũng như hình thức hiện nay cho phép người GV linh hoạt, sáng tạo hơn. Do đó, việc sử dụng tài liệu VHDG để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS trong DHLS cũng là một biện pháp cần thiết.
Ví dụ, để kiểm tra miệng hay viết, sau khi dạy xong bài 28 Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam thời phong kiến, GV có thể cho HS kiểm tra bằng câu hỏi: “Qua các truyện Thánh Tản Viên và Thánh Gióng, em rút ra được bài học gì cho lịch sử dân tộc ta?”. HS sẽ nhớ lại hai truyện trên và dễ dàng cho rằng, nhìn từ góc độ lịch sử và văn hóa, hình ảnh của Sơn Tinh (tức Thánh Tản Viên) chính là hình ảnh phản ánh năng lực trị thủy của cư dân Việt cổ. Không có thực tiễn sinh động phản ánh năng lực trị thủy đó, quyết không thể có hình ảnh Sơn Tinh. Bởi vì, để có thể quần cư và lập nghiệp dọc theo lưu vực những con sông lớn dữ dội như sông Hồng và sông Mã, yêu cầu đầu tiên là phải biết trị thủy. Và hơn hết, “trị thủy – nhiệm vụ chủ yếu và quan trọng nhất của quá trình chinh phục thiên nhiên sẽ chẳng bao giờ thành công nếu khối đoàn kết của cả xã hội rộng lớn không được thường xuyên chăm lo vun đắp”[12]. Đó chính là lời khuyên chân thành về ý thức xây dựng khối đoàn kết để chinh phục thiên nhiên và tạo lập cuộc sống ấm no. Còn truyện Thánh Gióng có giá trị như một khúc tráng ca về lịch sử chống ngoại xâm. Nó nói với muôn đời rằng, khi vận nước lâm nguy, chiến thắng chỉ thuộc về những ai biết tập hợp, huy động sức mạnh cũng như trí tuệ của toàn dân. Qua bài kiểm tra nếu đa số HS hiểu được như vậy, thì việc kết hợp biện pháp trên về cơ bản đạt được hiệu quả như mong muốn.
3. Kết luận
Cùng với các tài liệu tham khảo khác, tài liệu VHDG là một nguồn tài liệu tham khảo vô cùng cần thiết và quan trọng. Nó vừa là phương tiện để minh họa cho nội dung bài học, tạo hứng thú học tập cho HS ; đồng thời, tài liệu VHDG cũng được sử dụng với mục đích giao nhiệm vụ học tập, kiểm tra, đánh giá và qua đó, yêu cầu HS tìm hiểu và làm việc bước đầu với tài liệu, thực hiện hoạt động học tập nhằm đạt được mục tiêu kiến thức, kỹ năng, thái độ của môn học hay của từng bài học. Vì vậy, chúng ta cần có phương pháp sử dụng đúng đắn đối với loại tài liệu quý giá này.
Từ kết quả nghiên cứu bước đầu, cùng với việc đối chiếu những vấn đề thực tiễn trong giáo dục lịch sử trong trường phổ thông hiện nay, tác giả xin mạnh dạn đề xuất một số kiến nghị như sau :
Đối với giáo viên
Thứ nhất, không phải lúc nào và ở đâu cũng có thư viện đầy đủ tài liệu tham khảo cần thiết. Do vậy, GV không nên ỷ lại vào nhà trường mà trước hết phải tự mình tìm kiếm tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy, trong đó có tài liệu VHDG. GV cần phải tích lũy cho mình một tủ sách cá nhân phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy. Nếu làm tốt điều này, chẳng những HS sẽ kính phục vì tinh thần, thái độ và trách nhiệm nghề nghiệp cao của GV đã mang lại cho các em những giờ học bổ ích, lôi cuốn, hấp dẫn, mà lãnh đạo nhà trường và đồng nghiệp cũng sẽ cảm phục, tin tưởng vì năng lực chuyên môn và sự tha thiết yêu nghề của GV.
Thứ hai, khai thác triệt để những giá trị lịch sử được phản ánh trong các tác phẩm VHDG. Điều này làm cho chất lịch sử trong VHDG tách hẳn ra, để GV dễ dàng vận dụng vào bài giảng. Tuy nhiên, khi lựa chọn tài liệu VHDG phải mang tính điển hình, cụ thể và khoa học. Nếu đã chọn để sử dụng vào bài giảng thì cần xem xét kỹ nguồn gốc xuất xứ và nội dung phản ánh của nó.
Thứ ba, tăng cường sử dụng tài liệu văn học nói chung và VHDG nói riêng, cũng như các tài liệu tham khảo khác trong DHLS làm cho HS nhận thức dễ dàng hơn, hứng thú học tập hơn. Song việc sử dụng tài liệu VHDG trong DHLS là cần thiết nhưng không được lạm dụng. Nếu sử dụng quá nhiều loại tài liệu này trong một tiết dạy mà không áp dụng cùng với các PPDH khác thì nhất định sẽ tạo ra sự nhàm chán cho HS ; mặt khác, vô tình GV biến giờ học môn Lịch sử thành giờ học môn Ngữ văn. Đây là một vấn đề đáng lưu ý khi sử dụng loại tài liệu này.
Thứ tư, GV sử dụng tài liệu VHDG vào trong bài giảng lịch sử không được đi chệch mục đích, yêu cầu của bài giảng. Phải hiểu rằng, tài liệu VHDG là công cụ để giúp GV hoàn thành tiết học tốt nhất. Vì thế, nó chỉ mang tính chất minh họa, chứng minh cho những nội dung lịch sử nhằm đảm bảo tính hiệu quả cao nhất cho bài giảng. Để làm được điều đó, GV phải biết sử dụng tài liệu VHDG phù hợp với nội dung, không vì sử dụng tài liệu VHDG mà để “cháy giáo án” ảnh hưởng đến chất lượng tiết dạy và xin đặc biệt nhấn mạnh rằng không phải trong bài giảng nào, GV cũng sử dụng tài liệu VHDG, nó được dẫn ra khi đảm bảo tính cần thiết và hiệu quả cần đạt.
Đối với các cấp lãnh đạo ngành Giáo dục và các trường Đại học sư phạm
Về phía Ban lãnh đạo nhà trường phổ thông, cùng với việc xây dựng và tiến tới sử dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại trong dạy học, cần chỉ đạo cho thư viện nhà trường phổ thông sưu tầm, tập hợp các loại sách, tài liệu tham khảo phục vụ nhu cầu dạy và học các bộ môn của GV và HS, trong đó có Lịch sử. Mỗi thư viện trường cần phải phong phú về mặt số lượng cũng như chất lượng các đầu sách. Ngoài ra, lãnh đạo nhà trường cần phải tạo điều kiện cả về vật chất cũng như tinh thần để GV được tham gia các lớp tập huấn, học tập đổi mới phương pháp dạy học. Trong điều kiện cụ thể, cần hỗ trợ và ủng hộ các tổ chuyên môn làm tốt hoạt động ngoại khóa của các tổ bộ môn.
Đối với các Sở Giáo dục và đào tạo, tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn cho GV, trong nội dung tập huấn cần hướng dẫn cụ thể các cách thức lựa chọn nội dung và phương pháp sử dụng các loại tài liệu tham khảo trong DHLS, trong đó có tài liệu VHDG. Khuyến khích các GV thường xuyên sử dụng tài liệu tham khảo bằng cách phối hợp với các công ty sách và thư viện nhà trường phổ thông cung cấp thường xuyên các đầu sách phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập của GV và HS. Ngoài ra, trong các kỳ thi GV giỏi cấp tỉnh, thành phố cần đòi hỏi GV vận dụng trong bài thi nhiều hơn đối với phương pháp này.
Bộ Giáo dục và đào tạo cần cho các chuyên viên nghiên cứu thành chuyên đề về việc sử dụng các loại tài liệu tham khảo trong DHLS, trong đó có tài liệu VHDG. Sau khi nghiệm thu công trình sẽ công bố về các trường phổ thông cho GV tham khảo và sử dụng rộng rãi để góp phần nâng cao chất lượng DHLS.
Các trường Đại học sư phạm đào tạo GV Lịch sử cần khuyến khích sinh viên tiếp xúc nhiều với việc sử dụng tài liệu văn học khi học tập các chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, làm bài tiểu luận tốt nghiệp, luận văn tốt nghiệp,... Nếu cần thiết có thể phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo hoặc Hội Giáo dục lịch sử thuộc Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo (cấp trường, khu vực hay quốc gia) về việc khám phá và vận dụng chất lịch sử trong văn học (dân tộc và thế giới) vào DHLS ở trường phổ thông và đại học – cao đẳng.
Với những đề xuất thiết tha như trên, tác giả hy vọng rằng nếu được thực hiện một cách nghiêm túc và khoa học thì việc đổi mới phương pháp DHLS tất yếu sẽ có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục LS trong nhà trường PT hiện nay để không phụ lời dạy đầy tâm quyết của Bác Hồ kính yêu HƠN 70 năm về trước :
“Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
Chú thích
[1] Vũ Ngọc Phan : Qua những trang văn, Nxb Văn học, Hà Nội, 1976, tr., 174.
[2] Hoàng Tiến Tựu : Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999, tr., 7.
[3] Hồ Chí Minh : Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr., 250.
[4] Kiều Thu Hoạch (Chủ biên) : Tinh tuyển văn học Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr., 37.
[5] Câu này theo cố nhà văn Vũ Ngọc Phan còn có dị bản khác : “Con ơi, nhớ lấy câu này ; Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Theo Vũ Ngọc Phan : Bộ hai tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003, tr., 583.
[6] Câu này có dị bản khác là “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Câu trích dẫn trên theo Kiều Thu Hoạch (Chủ biên) : Sđd, tr., 290.
[7] Nguyễn Văn Ký : Phụ nữ Việt Nam qua lịch sử và truyền thuyết, Tạp chí Xưa & Nay, Số 61, tháng 03-1999, tr., 5.
[8] Phan Ngọc Liên (Chủ biên) : Phương pháp dạy học lịch sử, tập 1, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội, 2002, tr., 215.
[9] Phạm Văn Đồng : Đào tạo thế hệ trẻ của dân tộc thành những người chiến sĩ cách mạng dũng cảm, thông minh, sáng tạo, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1989, tr., 245.
[10] Kiều Thu Hoạch (Chủ biên) : Sđd, tr., 414.
[11] Phan Ngọc Liên (Chủ biên) : Phương pháp dạy học lịch sử, tập 2, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội, 2002, tr., 213.
[12] Nguyễn Khắc Thuần : Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập 1, Nxb Giáo dục, TP. Hồ Chí Minh, 2004, tr., 97.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Giáo dục và đào tạo : Lịch sử 10 (Ban cơ bản), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006.
2. Nguyễn Thị Côi : Các con đường, biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học lịch sử ở trường phổ thông, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội, 2008.
3. Nguyễn Anh Dũng : Tích hợp các môn khoa học xã hội trong sự phát triển nội dung chương trình ở trường phổ thông, Tạp chí Giáo dục, Số 17, tháng 11-2001.
4. Kiều Thu Hoạch (Chủ biên) : Tinh tuyển văn học Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004.
5. Nguyễn Văn Ký : Phụ nữ Việt Nam qua lịch sử và truyền thuyết, Tạp chí Xưa & Nay, Số 61, tháng 03-1999.
6. Phan Ngọc Liên (Chủ biên) : Phương pháp dạy học lịch sử, tập 1, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội, 2002.
7. Phan Ngọc Liên (Chủ biên) : Phương pháp dạy học lịch sử, tập 2, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội, 2002.
8. Vũ Ngọc Phan : Qua những trang văn, Nxb Văn học, Hà Nội, 1976.
9. Vũ Ngọc Phan : Bộ hai tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003.
10. Nguyễn Khắc Thuần : Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập 1, Nxb Giáo dục, TP. Hồ Chí Minh, 2004.
11. Hoàng Tiến Tựu : Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét