Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Thử đề xuất giải pháp dạy học lịch sử


Thử đề xuất giải pháp dạy học lịch sử
Hàng năm, sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hay tuyển sinh đại học, dư luận xã hội lại xôn xao quanh các đề thi và kết quả thi môn Lịch sử. Lời giải đáp cho những vấn đề được xã hội quan tâm chỉ có thể tìm được trong thực trạng của việc dạy học lịch sử ở nhà trường hiện nay.
Khô khan...
Mọi người đều biết nhà trường phổ thông đã và đang phải thực hiện một chương trình học quá tải rất nặng nề; trong đó chương trình bộ môn Lịch sử là quá tải và nặng nề nhất.
Do nhận thức không đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của tri thức lịch sử đối với mục tiêu giáo dục, người ta đã dành cho môn này một quỹ thời gian ít ỏi nhất so với các môn khác (1,5 tiết/tuần cho lớp 10 và lớp 12; 1 tiết/tuần cho lớp 11), nên Lịch sử đã trở thành “môn phụ” mà học sinh ít quan tâm. Trong một thời lượng hết sức hạn hẹp như vậy, người ta đã nhồi vào chương trình hàng loạt chủ đề với bề rộng mênh mông nhưng rất thiếu chiều sâu. Vì vậy, các bài viết trong sách giáo khoa thường chứa đựng rất nhiều sự kiện được trình bày giản lược và khái quát với những khái niệm trừu tượng, hoặc được viết rườm rà mà không bảo đảm được tính khách quan, hiếm có bài nào tường thuật sự kiện một cách cụ thể và sinh động với những nhân vật được khắc họa đầy đủ. Do đó, sách giáo khoa rất khô khan, không hấp dẫn và khó lĩnh hội đối với học sinh. Hơn nữa, sách còn quy định cụ thể thời gian dạy từng bài, từng tiết, hoàn toàn không có thời gian để học sinh làm bài tập hay thực hành.
Chương trình bộ môn như vậy là rất kém hiệu lực để có thể dạy học có hiệu quả.
Như vẹt...
Phải thực hiện đúng chương trình và sách giáo khoa như trên, giáo viên thường chỉ giảng bài “như sách”, cốt sao cho khỏi bị “cháy giáo án” và học sinh chép được một bài để về nhà học thuộc, hầu như không có thực hành và luyện tập. Đó chính là kiểu dạy học “đọc-chép” của bộ môn đã được mệnh danh là “môn học thuộc lòng”. Mặc dù vẫn có những giáo viên giàu tâm huyết và năng lực luôn cố gắng làm cho bài học dễ hiểu và hấp dẫn, bằng những đồ dùng trực quan và phương tiện nghe nhìn sinh động kết hợp với hỏi-đáp (và vẫn tìm được một số học sinh ham thích Lịch sử), nhưng những cố gắng đó không đủ để xoay chuyển thực trạng của kiểu dạy học đã tồn tại lâu dài và tràn lan như trên.
Giảng dạy để cho học sinh học thuộc lòng, nên thi và kiểm tra chỉ là để xem các em có “thuộc bài” hay không. Tất cả các đề đều cấm dùng tài liệu, hầu như không có một đề thi hay kiểm tra nào nhằm đánh giá trình độ nhận thức, kỹ năng tư duy hay khả năng thực hành của học sinh. Với những đề như vậy, học sinh chỉ có cách duy nhất để đạt yêu cầu là học thuộc lòng những trang sách giáo khoa hoặc “đề cương tóm tắt” do các thầy cô trao cho. Do cách học đó, môn Lịch sử đã thực sự trở thành một vấn nạn đối với thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hay tuyển sinh đại học; bởi vì học thuộc lòng hàng trăm trang sách hay “đề cương” khô khan khó hiểu không chút hấp dẫn với hàng đống sự kiện và niên đại chồng chất là một thách thức khủng khiếp đối với trí óc con người. Để giúp các sĩ tử vượt vũ môn, nhiều trường đã phải “cấm túc” để nhồi chữ vào óc học sinh bằng những biện pháp cứng rắn mà phản giáo dục, nhằm đạt “thành tích” thi cử cao. Muốn học như vẹt cũng khó! Rồi ngay trong lúc thi, nhiều thí sinh đã phải trang bị “phao” để sử dụng khi cần thiết dưới cặp mắt khoan dung của các giám thị. Thật dễ hiểu vì sao mỗi khi không chọn Lịch sử làm môn thi tốt nghiệp thì học sinh (và cả một số giáo viên bộ môn) đã reo mừng phấn khởi!

Giải pháp nào?
Sự bất cập trong dạy học Lịch sử xuất phát từ chương trình học, nên muốn nâng cao chất lượng dạy học thì trước hết phải xác định đúng tầm quan trọng, để trả lại vị trí xứng đáng cho bộ môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông. Ở các nước tiên tiến, Lịch sử thường là 1 trong 3 môn được dành nhiều thời gian dạy học nhất (hai môn kia là Quốc văn và Toán). Từ vị trí và thời lượng thích đáng, chương trình học bộ môn sẽ được thiết kế lại, theo hướng giảm bớt chủ đề, giảm bề rộng và tăng chiều sâu cho các chủ đề quy định, chú trọng các khâu luyện tập và thực hành. Với một chương trình như vậy, việc đổi mới dạy học sẽ được tiến hành đồng bộ về mục tiêu, nội dung, phương pháp và đánh giá. Kiểu dạy học “đọc-chép” sẽ chấm dứt để thay thế bằng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực và chủ động của học sinh, kiểu thi “thuộc bài” cũng sẽ được thay thế bằng các công cụ đánh giá hiện đại. Nhờ đó, Lịch sử sẽ không còn là môn “học thuộc lòng” khiến học sinh phải sợ hãi, mà sẽ trở thành một môn học vừa quan trọng lại vừa hấp dẫn đối với các em.
TS LÊ VINH QUỐC
(Nguyên Trưởng khoa Lịch sử - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét