Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ



SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ 

 Lê Thị Mai _ Trường THPT Nậm Tằm, Lai Châu
Ngày nay, khi công nghệ thông tin càng phát triển thì việc phải ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực là một điều tất yếu. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, CNTT bước đầu đã được ứng dụng trong công tác quản lý, một số nơi đã đưa tin học vào giảng dạy, học tập. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn hiện nay, việc ứng dụng CNTT trong giáo dục ở các trường nước ta còn rất hạn chế. Chúng ta cần phải nhanh chóng nâng cao chất lượng, nghiệp vụ giảng dạy, nghiệp vụ quản lý, chúng ta không nên từ chối những gì có sẵn mà lĩnh vực CNTT mang lại, chúng ta nên biết cách tận dụng nó, biến nó thành công cụ hiệu quả cho công việc của mình, mục đích của mình.
           Hơn nữa, đối với giáo dục và đào tạo, công nghệ thông tin có tác dụng mạnh mẽ, làm thay đổi nội dung, phương pháp dạy và học. CNTT là phương tiện để tiến tới “xã hội học tập”. Mặt khác, giaó dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của CNTT thông qua việc cung cấp nguồn nhân lực cho CNTT. Bộ giáo dục và đào tạo cũng yêu cầu  đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giáo dục đào tạo ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học theo hướng dẫn học CNTT như là một công cụ hỗ trợ đắc lực nhất cho đổi mới phương pháp dạy học ở các môn.  
     Nhưng làm thế nào để ứng dụng CNTT hiệu quả trong các tiết dạy, đặc biệt là đối với bộ môn Lịch sử đó là vấn đề mà bất cứ một giáo viên nào cũng gặp phải khi có ý định đưa CNTT vào giảng dạy. Trong quá trình dạ học tôi xin đưa ra những ý kiến, kinh nghiệm của cá nhân mình, cũng như một số tiết dạy tôi đã thử nghiệm trong thời gian vừa qua để cùng các bạn đồng nghiệp thảo luận tìm ra những giải pháp tốt nhất cho những tiết dạy của mình và các hoạt động ngoại khóa của bộ môn Lịch sử.
1. Đặc trưng của bộ môn lịch sử ở trường phổ thông.
     Tồn tại ở trường phổ thông với tính cách là một khoa học, bộ môn lịch sử ở trường phổ thông không phải là toàn bộ khoa học lịch sử mà chỉ bao gồm những kiến thức cơ sở của khoa học lịch sử.
     Bằng những nội dung được chọn lọc và cấu tạo theo yêu cầu của từng cấp học, bộ môn Lịch sử khôi phục lại cho học sinh những kiến thức lịch sử, bức tranh lịch sử gần đúng như nó đã từng tồn tại trong qúa khứ. Tính khoa học của bộ môn đòi hỏi kiến thức lịch sử không chỉ cung cấp cho việc miêu tả vẻ bề ngoài của sự kiện, mà còn phải giải thích chúng, chỉ ra bản chất của sự kiện, hiện tượng lịch sử. Trên cơ sở những sự kiện lịch sử cụ thể, bộ môn lịch sử khái quát sự thật lịch sử để hình thành cho học sinh các khái niệm lịch sử, từ đó giúp các em ngày càng đi sâu hơn vào bản chất của sự kiện lịch sử, theo đúng con đường nhận thức lịch sử.
     Tuy nhiên, do đối tượng học tập của bộ môn Lịch sử thuộc về quá khứ, cho nên thời gian càng lùi xa thì việc nhận thức bản chất của sự kiện và hiểu sâu về sự kiện lịch sử càng khó. Thêm vào đó, học sinh không thể trực tiếp quan sát ( trực quan sinh động ) đối tượng nghiên cứu như các môn khoa học tự nhiên. Giáo viên cũng không thể tiến hành các thí nghiệm làm sống lại, xây dựng lại các nhân vật lịch sử như đã từng tồn tại trong qúa khứ. Vì vậy, giáo viên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp học sinh khôi phục lại “bức tranh qúa khứ”, lĩnh hội tri thức lịch sử và hiểu chúng, vận dụng những kiến thức đã học được vào thực tiễn.
    Với đặc trưng trên của bộ  môn, việc dạy học lịch sử với sự hỗ trợ của CNTT tỏ ra khá hiệu quả và khả thi. Nhờ sự hỗ trợ của CNTT với các công cụ  và phương tiện (multimedia) bao gồm văn bản, hình ảnh, phim diễn hoạt, âm thanh, người giáo viên có thể thực hiện giáo án điện tử  với đầy đủ các kênh chữ, kênh hình, âm thanh, qua đó, học sinh không chỉ được rèn luyện các khả năng đọc, nghe, viết nói mà còn quan sát và cảm nhận được các sự kiện. Như vậy, bài giảng điện tử đem lại hiệu qủa đặc biệt trong việc giúp học sinh hình thành biểu tượng lịch sử thông qua trực quan sinh động, nắm bắt và hình dung được các sụ kiện lịch sử đã diễn ra trong quá khứ.
2. Ý nghĩa của việc sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học lịch sử.
     Từ những năm 1970 trở lại đây, sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin (CNTT) với những tiện ích của nó trong việc quản lí và cung cấp thông tin đã có tác dụng to lớn đối với sản xuất và đời sống xã hội. Công nghệ thông tin đã trở thành công cụ trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó có giáo dục và đào tạo. Công nghệ thông tin- truyền thông là một trong những công cụ được sử dụng thực hiện đổi mới trong giáo dục đào tạo và đang được các nước trên thế giới quan tâm ứng dụng.
     Thấy được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 58-CT/TW về việc: “…đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác giáo dục và đào tạo ở các cấp học, bậc học, ngành học”. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo có chỉ thị  29/CT-BGDĐT (tháng 7/2001) đề ra nhiệm vụ ứng dụng CNTT cho các trường phổ  thông từ  năm 2002-2005, là phải ứng dụng từ 5-10% thời gian lên lớp có sử dụng phương tiện CNTT và thực hiện giáo án điện tử.
      Thực hiện giáo án điện tử hay bài giảng điện tử giáo viên cần có sự hỗ trợ của máy tính. Toàn bộ kế hoạch lên lớp của giáo viên phải được lập trình sẵn. Các hoạt động dạy và học được thiết kế hợp lý trong một cấu trúc chặt chẽ, sử dụng các công cụ đa phương tiện (multimedia) bao gồm: các văn bản hình ảnh, âm thanh, phim minh hoạ để chuyển tải tri thức và điều khiển người học.
      Khi lên lớp bằng giáo án điện tử, giáo viên phải thực hiện một bài giảng điện tử với toàn bộ hoạt động giảng dạy đã được chương trình hóa một cách sinh động nhờ sự hỗ trợ của các công cụ đa phương tiện đã được thiết kế trong giáo án điện tử.
      Cũng với sự hỗ trợ của máy tính người giáo viên có thể ứng dụng công nghệ vào thiết kế, xây dựng bộ câu hỏi học tập, các bài tập thực hành, đố vui lịch sử,  thư viện thông tin… cho học sinh.
     Việc giảng dạy bằng bài giảng điện tử có những ưu điểm của nó.
       Đối với giáo viên, tuy phải đầu tư khá nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị một giáo án điện tử nhưng việc dạy học lịch sử bằng giáo án điện tử giúp giáo viên hạn chế bớt phần thuyết giảng, có thời gian thảo luận và tăng cường kiểm soát đối với học sinh. Giáo án đện tử giúp đa dạng hoá việc cung cấp kiến thức cho học sinh thông qua các công cụ  trình diễn, người giáo viên có thể cung cấp cho học sinh một khối lượng hình ảnh, phim tài liệu lịch sử… liên quan đến nội dung bài học lịch sử mà học sinh được học, như vậy mà giờ học trở nên sôi nổi và sinh động hơn.
      Đối với học sinh, việc học tập lịch sử thông qua bài giảng điện tử tạo nhiều hứng thú cho các em trong học tập, các em được tiếp cận, nhận thức các sự  kiện lịch sử và bài học lịch sử sống động hơn, gần với qúa khứ hơn. So với những bài giảng thông thường, học sinh phải mường tượng trong đầu những sự kiện, nhân vật mà thầy cô thuyết giảng thì với việc học trên bài giảng điện tử học sinh đã được trực quan sinh động với những sự kiện, nhân vật lịch sử một cách cụ thể  giúp  kích thích quá trình tư duy của học sinh, từ đó, nội dung kiến thức lịch sử học sinh thu thập đủ  hơn và in sâu hơn vào trong trí nhớ của các em.
3. SỬ DỤNG PHẦN MỀM POWER POINT VÀO VIỆC XÂY DỰNG BÀI GIẢNG ĐIỆN TỬ MÔN LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG
3.1 Giới thiệu khái quát về phần mềm PowerPoint.
      Để thiết kế bài giảng điện tử trong dạy học các bộ môn ở trường phổ thông, giáo viên có thể chọn lựa nhiều phần mềm khác nhau như: Flash, PowerPoint, Violet (Tiếng Việt)… kết hợp với các phần mềm bổ trợ khác. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc trưng, yêu cầu của bộ môn lịch sử cũng như khả năng tiếp cận của giáo viên, việc lựa chọn phần mềm PowerPoint qua thực tế sử dụng đã khẳng định được ưu thế so với các phần mềm khác.
     PowerPoint là phần mềm đồ họa diễn hình có trong bộ Microsoft Office. Phần mềm PowerPoint hầu như đã hiện diện sẵn trong hầu hết máy tính của người sử dụng Việt Nam và giao diện của nó cũng rất quen thuộc khi phần lớn giáo viên biết sử dụng Word để đánh văn bản.
      Phần mềm Powerpoint có thể đáp ứng tốt nhiều yêu cầu khác nhau trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông: từ việc xây dựng BGĐT của bài nghiên cứu kiến thức mới, cho đến khâu củng cố, ôn tập, sơ kết, tổng kết, kiểm tra đánh giá và cả hoạt động ngoại khóa.
* Khởi động phần mềm PowerPoint:
1. Nhấp vào nút Start trên thanh tác vụ
2. Trỏ vào Progame
3. Trỏ vào Microsoft Office
4. Nhấp vào Microsoft Office PowerPoint
* Phần mềm này có thể giúp giáo viên:
+ Dễ dàng chèn nội dung văn bản (Text), hình ảnh, video clip, âm thanh (Insert Picture/ Movie? Sound) làm cho các kênh thông tin về sự kiện lịch sử trở nên đa dạng, phong phú, sinh động. Qua đó, góp phần tạo biểu tượng lịch sử một cách rõ nét, giúp học sinh cảm nhận và “xích lại” gần với hiện thực qúa khứ, tránh nhận thức sai lầm, hiện đại hóa lịch sử và hiểu lịch sử đầy đủ, sâu sắc hơn. Đồng thời tạo hứng thú, hình thành trong học sinh tình cảm, thái độ đúng đắn đối với lịch sử cũng như việc học tập bộ môn lịch sử.
      Ví dụ: khi giảng bài Cách mạng tư sản Pháp, giáo viên có thể giới thiệu cho học sinh hình ảnh vua Luix XVI, hoàng hậu Mari Antônét, bức tranh biếm họa người nông dân Pháp, hay hình ảnh về hội nghị Ba đẳng cấp… từ đó giúp học sinh có được biểu tượng rõ nét về các đẳng cấp và giai cấp trong xã hội nước Pháp lúc bấy giờ.
    + Tạo các biểu đồ, đồ thị, sơ đồ (Insert Chart), niên biểu, bảng so sánh (Insert Table)… với nhiều màu sắc, độ chính xác cao, có hiệu ứng hoạt hình và được trình chiếu theo trình tự nội dung vấn đề, theo xu hướng phát triển… giúp học sinh hiểu được bản chất, các mối liên hệ, vận động, phát triển của các sự kiện, hiện tượng lịch sử , hay hệ thống, khái quát những kiến thức đã học, hay làm rõ những điểm giống và khác nhau của các sự kiện, hiện tượng lịch sử….
      Ví dụ: Khi giảng bài Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ. Để giúp học sinh nắm được tính chất của cuộc cách mạng tư sản, cũng như hình thành khái niệm cách mạnh tư sản, giáo viên có thể sử dụng bảng so sánh tính chất giữa cuộc cách mạnh tư sản Anh với cuộc chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mĩ (về mục tiêu, nhiệm vụ, động lực cách mạng, giai cấp lãnh đạo, hình thức, kết qủa, ý nghĩa) bằng cách làm ẩn nội dung trong bảng so sánh đi để học sinh trả lời, sau đó trình chiếu lại nội dung cho các em xem.
    + Tạo các liên kết (Hyperlink) linh hoạt, cho phép kết nối một nội dung bất kỳ trên một slide của giáo án điện tử đến một trang Web trên Internet (nếu máy tính có nối mạng hay đến bất kỳ một tập tin nào trong máy tính…để tìm kiếm thông tin, mở rộng nội dung đang trình bày hoặc sử dụng nút kích hoạt (Trigger) để bật / tắt tức thì các dạng tư liệu ngay trên slide đang trình chiếu nhằm bổ sung, cung cấp thông tin, hay tiến hành so sánh, đối chiếu nhận thức của học sinh.
   + Dễ dàng tạo và chèn các dạng ký hiệu, biểu tượng thích hợp có sẵn trong Auto Shapes với các định dạng theo điểm, theo đường, theo diện tích… và có thể tăng giảm kích cỡ, thay đổi hướng các ký hiệu tùy ý. Ngoài ra, còn có thể tự biên vẽ các lược đồ, tự thiết kế các biểu tượng đặc biệt, thể hiện được đặc trưng sự kiện lịch sử. Các dạng ký hiệu, lược đồ trên khi được tạo hiệu ứng thích hợp sẽ giúp học sinh nhận thức rõ trình tự qúa trình diễn biến, xác định rõ các địa điểm, khu vực, các hướng di chuyển… qua đó góp phần tạo biểu tựơng rõ nét về không gian, thời gian hay giúp học sinh nắm được các mối liên hệ giữa các yếu tố, sự kiện, hiện tượng lịch sử.
   + Tạo các hiệu ứng hoạt hình sinh động cho các đối tượng (văn bản, hình ảnh, biểu tượng, sơ đồ, bảng biểu…) là một trong những chức năng ưu thế của Powerpoint. Từ Menu Slide Show > Custom Animation >Add Effect giáo viên có thể chọn nhiều hiệu ứng khác nhau cho đối tượng đã được chèn trên Slide. Trong thẻ Add Effect, GV chỉ nên chọn dạng hiệu ứng Entrance, trong dạng này có khoảng hơn 50 kiểu hiệu ứng cụ thể, nhưng chỉ có một số kiểu hiệu ứng thuộc mục Basic, Subtle là phù hợp với yêu cầu xây dựng BGĐT (có thể biểu hiện tốt mục đích sư phạm). Chẳng hạn như : khi muốn trình chiếu một đối tượng mới trên slide nên chọn hiệu ứng Fader,  Fly In, Wipe, Diamond, Dissovle In…
   * Xây dựng BGĐT bằng PowerPoint đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian và công sức nhưng khi tiến hành BGĐT trên lớp lại rất dễ dàng, thuận tiện. GV chỉ cần click chuột hay nhấn phím Enter hay phím Ò là có thể trình chiếu lần lượt nội dung của bài giảng đã được thiết kế trước đó trên Powerpoint. Điều này cho phép giáo viên trình bày nội dung bài học một cách đa dạng, phong phú, sinh động nhưng vẫn tiết kiệm được thời gian mà GV bỏ ra cho việc ghi chép, kẻ vẽ lược đồ… trên bảng đen theo lối dạy truyền thống.
   * Tuy nhiên khi ứng dụng tiện ích của Powerpint vào việc thiết kế BGĐT người giáo viên cần phải chú ý đến những hạn chế dễ mắc phải, đó là:
     Quá lạm dụng đến hiệu ứng, kỹ thuật trình diễn trên bài giảng điện tử ví dụ như: tạo các hiệu ứng “bay nhảy” kèm theo âm thanh, trang trí các slide với mầu sắc sặc sỡ, loè loẹt, kết nối với các phim, ảnh lôi  cuốn người học, nhưng chuyển tải nội dung rất ít, có khi phản tác dụng giáo dục; lựa chọn nhiều background, phông chữ, màu sắc khác nhau… thiếu tính nhất quán, ít hài hòa và nhất là không thể hiện được tính sư phạm trong cả hình thức lẫn nội dung trình bày.
       Một hạn chế khác mà giáo viên phổ thông thường hay mắc phải là ít chú ý tính hệ thống của kết cấu bài giảng (cách trình bày bảng đen truyền thống thường bảo đảm được yêu cầu này cho đến khi kết thúc tiết học), nội dung trình bày trên các slide gần như độc lập nên khi trình chiếu sang một đề mục mới thì các đề mục trước đó hầu như không còn xuất hiện nữa khiến cho nhận thức lịch sử của học sinh dễ rơi vào sự tản mạn thiếu tính hệ thống.
      Các dạng thông tin trình bày trên slide của một số bài giảng điện tử còn nghèo nàn, chủ yếu là trình bày một văn bản để trình chiếu trên màn hình thay cho việc ghi chép, mà chưa chú ý đến kiến thức cơ bản, trọng tâm hay sơ đồ hóa các nội dung văn bản. Ngược lại nhiều giáo viên ôm đồm, muốn đưa nhiều dạng thông tin Multimedia để trình chiếu cùng một lúc trên các slide khiến cho bố cục trình bày rối rắm và các thông tin đến với học sinh bị nhiễu loạn, khó nhận ra đâu là kiến thức cơ bản, trọng tâm. Từ đó, những kiến thức còn đọng lại nơi học sinh sau giờ học không rõ ràng, thiếu tính hệ thống và không bền vững.
       Nhiều bài giảng điện tử do giáo viên lạm dụng về thời gian trình chiếu đã không  đảm bảo về chấtt lượng giờ học, không bao quát được tình hình lớp  học, tình trạng học sinh ghi chép bài không kịp hoặc không ghi chép nội dung bài học vẫn xảy ra.
3.2  QUY TRÌNH XÂY DỰNG MỘT BÀI GIẢNG ĐIỆN TỬ.
     Để đạt được một bài học lịch sử hiệu qủa, GV cần tuân thủ quy trình xây dựng BGĐT gồm các bước sau:
- Xây dựng giáo án: bao gồm chuẩn bị nội dung, sưu tập tư liệu điện tử.
- Thiết kế BGĐT: sử dụng phần mềm Powerpoint để thiết kế bài giảng.
- Kiểm định sự hoàn thiện của BGĐT: trình chiếu thử, phát hiện lỗi.
3..2.1  Xây dựng giáo án.
a/ Xác định rõ mục đích yêu cầu của bài học
b/ Xác định những kiến thức cơ bản, trọng tâm mà học sinh cần nắm vững trong tiết học.
c/ Sưu tầm, chọn lọc các nguồn tư liệu viết, tranh ảnh, phim tư liệu, băng ghi âm có liên quan đến những kiến thức cơ bản đã được xác định. Xử lý, số hoá các tư liệu đã chọn lọc sau đó đóng gói vào trong một Folder và đặt file name phù hợp (Ví dụ: Data bai 15 ) để dễ tìm và nhớ đưa kèm theo khi ghi BGĐT vào CD.
3.2.2 Thiết kế bài giảng:
      Xây dựng kế hoạch thiết kế cụ thể của các Slide trình diễn (kịch bản). Dự kiến số slide thích hợp với số lượng đối tượng được lựa chọn để trình diễn và tương ứng với kế hoạch cụ thể mà giáo án lên lớp đã xác định.
       Bảng kế hoạch có thể được trình bày như sau:
Thời gian
Đối tượng được trình bày trên các Slide
Biện pháp khai thác, sử dụng
Mục đích
sư phạm
Văn bản; Đồ họa, hình ảnh, âm thanh, phim TL
3.2.3 Kiểm định sự hoàn thiện của BGĐT.
      Tiến hành thiết kế và chạy thử từng phần rồi toàn bộ các slide (có đối chiếu với trình tự các hoạt động được trình bày trong giáo án), chỉnh sửa nội dung, hình thức các slide, kiểu và thứ tự trình bày các hiệu ứng… cho hợp lý hơn với mục tiêu, kế hoạch sư phạm mà giáo án và kịch bản đã đề ra.
      Ghi lại tập tin Powerpoint của BGĐT lên đĩa CD để lưu trữ, sử dụng trên lớp và phòng tránh tình trạng máy tính có tập tin lưu trữ bị gặp sự cố. (Lưu ý: phải ghi lại các tập tin có liên kết, nhất là các tập tin âm thanh, phim tư liệu có sử dụng trong bài giảng điện tử.)
Ngày 08/03/2013 - 01:44:17
Tác giả: Lê Thị Mai

1 nhận xét: