Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

MỘT SỐ HÌNH THỨC TỔ CHỨC DẠY HỌC MÔN LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC & TRUNG HỌC CƠ SỞ CLC SKY-LINE

Trong những năm gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, không ít lần, chúng ta được nghe phản ánh về việc dạy học và thi môn Lịch sử trong các trường học, qua các kì thi tốt nghiệp THPT. Làm sao để các em học sinh yêu Lịch sử, học tốt môn Lịch sử? Đây là một vấn đề nói thì tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế lại vô cùng khó khăn.
Việc tổ chức các hình thức dạy học Lịch sử sao cho có hiệu quả là cả một vấn đề mà các nhà trường phải có sự quan tâm đúng mức. Ngoài những giờ học chính khóa, trên lớp; việc tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa thật cần thiết như tham quan các di tích lịch sử và đặc biệt là Bảo tàng.
Cô TRịnh Phương Hiền trong buổi Bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ GV Tiểu học 
Như chúng ta đã biết, Bảo tàng là nơi tái hiện sinh động những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, nuôi dưỡng tình yêu lịch sử, yêu đất nước con người Việt Nam, bảo tồn những giá trị tinh thần của dân tộc qua hơn bốn nghìn năm, đưa các em đến gần hơn với quá khứ vẻ vang của đất nước.
Hôm nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm phối hợp với Phòng GD&ĐT Hải Châu tổ chức tọa đàm nhằm tìm hiểu về chương trình giảng dạy tại trường Tiểu học; tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của các trường trong việc kết hợp với Bảo tàng nhằm xây dựng các hoạt động giáo dục; ngoại khóa cho học sinh. Đây là dịp để chúng ta cùng chia sẻ, bàn bạc và đẩy mạnh công tác giáo dục nói trên.
Được sự cho phép của Ban tổ chức, chúng tôi xin tham gia và trình bày cùng quý vị tham dự buổi tọa đàm MỘT SỐ HÌNH THỨC TỔ CHỨC DẠY HỌC MÔN LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG TH & THCS CLC SKY-LINE.
Đây chính là các giải pháp và một số hoạt động tiêu biểu của nhà trường nhằm mang lại hiệu quả cao trong công tác dạy học môn Lịch sử.
Và thông qua Hội nghị này chúng tôi xin đề đạt một số ý kiến trong việc phối hợp với Bảo tàng tiếp tục tổ chức các lớp học ngoại khóa cho HS.
Trên cơ sở thực hiện chương trình chính khóa, chúng tôi đã thực hiện việc giảng dạy Môn Lịch sử đảm bảo nguyên tắc, dựa vào việc xác định: mục tiêu, nội dung, phương pháp và các hình thức tổ chức dạy học. Cụ thể:
1. Mục tiêu:
- Cung cấp cho HS các sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu có hệ thống theo dòng thời gian của lịch sử VN từ buổi đầu dựng nước cho tới cuối thế kỉ XX.
- Hình thành cho HS những kĩ năn quan sát, thu thập tìm kiếm tư liệu lịch sử và trình bày lại kết quả bằng lời nói, bài viết, hình vẽ, sơ đồ…
- Góp phần bồi dưỡng và phát triển ở HS tình yêu thiên nhiên, con người, văn hóa, và những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta. Tôn trọng, có ý thức bảo vệ các di tích lịch sử, giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc.
2. Nội dung chương trình
- Cung cấp cho học sinh các kiến thức về: những sự kiện, những nhân vật lịch sử phản ánh những mốc thời gian đánh dấu sự phát triển của các giai đoạn lịch sử, những thành tựu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của ông cha ta.
- Cung cấp cho học sinh những hiểu biết về Lịch sử địa phương.
3. Phương pháp giảng dạy:
- Tập trung và chú trọng vào dạy cách học, giúp học sinh có nhu cầu và biết cách tự học.
- Đặt ra vấn đề, tình huống để học sinh tự tìm hiểu, khai thác tri thức, tài liệu, tranh ảnh liên quan đến nội dung bài học.
- Tăng cường hoạt động nhóm để giúp học sinh có kĩ năng hợp tác, làm việc khoa học, tự tìm hiểu và cùng nhau khám phá lịch sử dân tộc.
- Tổ chức nhiều hoạt động vừa mang tính đặc thù của trường, vừa giúp các em tìm hiểu các địa danh gắn liền với những giai đoạn lịch sử của địa phương.
4. Một số hình thức tổ chức dạy học của trường
4.1. Hình thức tổ chức dạy học trên lớp:
Nhà trường đã thực hiện nghiêm túc chương trình chính khóa. Để tạo điều kiện cho học sinh nắm bài kĩ, dễ hiểu; để có được những tiết học nhẹ nhàng, hiệu quả, ngoài tài liệu tham khảo và các hướng dẫn của Bộ GD & ĐT, GV đã sưu  tầm thêm các tư liệu như các hình ảnh, các thước phim tài liệu nhằm minh họa cụ thể cho các tiết học.
4.2. Hình thức tổ chức dạy học ngoại khóa
Mặc dù mới đi vào hoạt động chưa đầy 3 năm nhưng trường TH & THCS CLC Sky-line đã tham gia rất tích cực các phong trào của Quận, Thành phố, cũng như tổ chức khá nhiều chương trình ngoại khóa nhằm giúp HS tìm hiểu lịch sử địa phương, giáo dục tình yêu quê hương, rèn ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử tốt đẹp của dân tộc.
  1. a. Giáo dục lịch sử địa phương:
Ngay từ năm học đầu tiên, các em HS đã được tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm, viết bài thu hoạch bày tỏ cảm tưởng của mình sau buổi tham quan. Nhiều bài thu hoạch của các em sau chuyến tham quan đã thể hiện rõ những cảm xúc mà các em đã cảm nhận được về truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trong năm học 2011-2012,  đội tuyển HS THCS tham gia dự thi Tìm hiểu về di tích lịch sử địa phương- Thành Điện Hải đã đạt giải Nhì cấp quận.
Trong Hội thi Văn nghệ Mừng Đảng đón Xuân , tiết mục Múa Chăm Siva do đội văn nghệ học sinh nhà trường biểu diễn đã đạt giải A cấp Quận và Thành phố, giúp các em hiểu hơn về nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Chăm.
Nhằm xây dựng và hun đúc tinh thần yêu quê hương Tổ quốc, ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước, trong tuần lễ Công dân nhỏ toàn cầu (năm 2011), Công dân nhỏ thành phố Đà Nẵng (năm 2012), nhà trường đã phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự Vùng III Hải quân tổ chức cho các em tham quan đơn vị tàu chiến, học tập tác phong làm việc quân sự, đời sống của các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ lãnh hải của Tổ quốc.
Đặc biệt, vào dịp hè năm 2011 và 2012, nhà trường đã phối hợp cùng Ban Chỉ huy Quân sự Vùng III Hải quân, Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức một hoạt động nổi bật, đó là chương trình Trại hè quân ngũ . Trong những ngày này, HS không chỉ được tham gia vào những hoạt động bổ ích để rèn luyện bản thân, ý chí...mà còn tự mình bày tỏ lòng biết ơn đến những bậc anh hùng đã hi sinh cho sự nghiệp vẻ vang của dân tộc; biết ơn những chiến sĩ thầm lặng đang làm nhiệm vụ cao cả giữ gìn Biển đảo quê hương. Cụ thể, các em được thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hòa Khương, thăm đơn vị tàu chiến ở vùng III Hải quân…
Vào Ngày kỉ niệm Thương binh - Liệt sĩ, để tỏ lòng biết ơn đến những người đã hy sinh cho hòa bình, độc lập tự do của dân tộc, nhà trường còn tổ chức thăm các gia đình có công cách mạng, thương binh, liệt sĩ ở Hòa Vang.
Nhân kỉ niệm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nhà trường đã mời các nhân chứng sống Bảy dũng sĩ Thanh Khê và Lãnh đạo của Vùng III Hải quân về nói chuyên, tiếp thêm lửa nhiệt huyết trong các em.
Vào dịp Trung thu, để chia sẻ với các bạn nhỏ ở Trung tâm mồ côi, nhà trường tổ chức Ngày hội VUI HỘI TRĂNG RẰM để các em học sinh được giao lưu và tặng quà Trung thu cho các bạn.
Trong dịp Thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa Quốc tế, nhà trường cũng đã tổ chức cho các em bệnh nhi ung thư liên hoan và xem bắn pháo hoa.
Song song với việc giúp các em tìm hiểu giai đoạn lịch sử đã qua, nhà trường còn chú trọng việc bồi dưỡng kiến thức về thời kì phát triển, dất nước trong giai đoạn hiện nay. Nhằm giúp các em hiểu được sự phát triển kinh tế của Thành phố; đồng thời giáo dục các em lòng yêu mến người lao động và trân trọng công sức, giá trị của các sản phẩm lao động, trong tuần lễ Công dân nhỏ thành phố Đà Nẵng (năm 2012), nhà trường còn tổ chức cho các em tham quan Nhà máy dệt Hòa Thọ và Làng đá mỹ nghệ Non  Nước.
b. Giáo dục đạo đức, hình thành giá trị thẩm mĩ, thế giới quan khoa học cho học sinh
Nhận thức được: Môn Lịch sử ở nhà trường phổ thông có vị trí rất quan trọng trong việc đào tạo con người. Là một môn khoa học, lịch sử có vai trò quan trọng trong việc đào tạo, giáo dục học sinh trở thành một con người toàn diện. Môn lịch sử có nhiều ưu thế trong giáo dục đạo đức, thẩm mĩ, thế giới quan khoa học,… cho học sinh. Lịch sử không chỉ giáo dục cho học sinh tình cảm yêu ghét trong đấu tranh giai cấp mà còn bồi dưỡng cho các em năng lực đối xử với mọi người xung quanh, biết yêu quý cái đẹp, yêu lao động, sự căm thù quân cướp nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy ở học sinh sự thông cảm sâu sắc và lòng kính yêu đối với quần chúng nhân dân. Bởi vì, lịch sử chính là “người thầy của cuộc sống”; giúp các em có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước từ bao đời nay.
Chính vì vậy, nhà trường rất chú trọng đến vấn đề này và thông qua nhiều hoạt động để giáo dục các em:
Vào dịp kỉ niệm Ngày thành lập trường hàng năm, nhà trường đã tổ chức tuần lễ Công dân nhỏ toàn cầu (năm 2011), Công dân nhỏ thành phố Đà Nẵng (năm 2012) và năm 2013 sẽ tổ chức tuần lễ Tự hào người Việt. Đây là dịp để toàn thể HS cùng tìm hiểu về lịch sử, văn hóa các dân tộc trên thế giới, các vùng miền trên đất nước ta và từng quận, huyện ngay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng của chúng ta và khơi dậy lòng tự hào dân tộc và yêu Tổ quốc ta.
Vào dịp Tết Tân Mão, nhà trường đã tổ chức Chương trình Xuân yêu thương, cùng Sky-line thắp sáng ước mơ của Thúy với tiết mục mở đầu là Bản hùng ca chim lạc hết sức hoành tráng, gợi lên niềm tự hào dân tộc lớn lao trong lòng HS. Số tiền ủng hộ, quyên góp được trong đêm văn nghệ này, nhà trường đã dành trọn để giúp các bệnh nhi ung thư. Hằng năm, vào dịp Tết, nhà trường còn tổ chức thăm và tặng quà cho các bệnh nhi nặng, nhi ung thư, các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở trường Tiểu học Hòa Nhơn ... nhằm chia sẻ nỗi bất hạnh và những khó khăn của các em.
Vào dịp Trung thu, để chia sẻ với các bạn nhỏ ở Trung tâm mồ côi, nhà trường tổ chức Ngày hội VUI HỘI TRĂNG RẰM để các em học sinh được giao lưu và tặng quà Trung thu cho các bạn.
Trong dịp Thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa Quốc tế, nhà trường cũng đã tổ chức cho các em bệnh nhi ung thư liên hoan và xem bắn pháo hoa.
  1. c. Công tác bồi dưỡng chuyên đề cho đội ngũ:
Nhằm giúp các thầy giáo, cô giáo nắm vững phương pháp dạy học các môn học nói chung và môn Lịch sử - Địa lý nói riêng, nhà trường thường xuyên tổ chức các chuyên đề như: Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học môn Địa lí (năm học 2011-2012); Nâng cao hiệu quả dạy học phân môn Lịch sử (năm học 2012-2013) và tổ chức các tiết dạy minh họa chuyên đề.
Trên đây là một số công việc mà trường chúng tôi đã thực hiện trong hơn 2 năm qua. Với mong muốn công tác dạy và học của nhà trường nói chung và giảng dạy, học tập môn Lịch sử nói riêng, chúng tôi rất mong đón nhận những ý kiến góp ý và chia sẻ kinh nghiệm của các đơn vị bạn.
Qua buổi tọa đàm này, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ngoại khóa nhằm tăng cường công tác giáo dục Lịch sử cho học sinh Tiểu học, cho phép nhà trường chúng tôi đề xuất một số ý kiến sau:
Một là: Bảo tàng nên có sự phối hợp với các đơn vị trường học để tổ chức nhiều đợt tham quan cho HS tìm hiểu lịch sử. Trong quá trình tham quan, có thể chia nhỏ các nhóm HS luân phiên nhau nghe thuyết trình, tham gia chơi trò chơi dân gian, học những động tác múa hát, hay tham quan thực tế các di tích, xem tranh ảnh hiện vật…vừa tránh nhàm chán, vừa tăng hiệu quả các chuyến tham quan. Sau đó HS sẽ viết thu hoạch dưới nhiều hình thức như vẽ tranh, làm một bài thơ, viết một đoạn văn, hay vẽ bản đồ tư duy hệ thống những điều mình ghi nhận được.
Hai là: Vào những Ngày lễ lớn (Kỉ niệm Giỗ Tổ Vua Hùng, Kỉ niệm Ngày Giải phóng Đà Nẵng, kỉ niệm Ngày Giải phóng Miền Nam...), Bảo tàng cần xây dựng kế hoạch và hợp tác với các trường giới thiệu những di tích, tranh ảnh, hiện vật liên quan đến một giai đoạn lịch sử cụ thể đến HS.
- Ba là: Tổ chức những cuộc thi văn nghệ, vẽ tranh, thi đố vui giao lưu tìm hiểu lịch sử dân tộc giữa các trường trên địa bàn thành phố, Quận.
 Cô Trịnh Thị Phương Hiền
- Tư vấn chuyên môn Nhà Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét