Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Ở Singapore, môn sử được dạy và học như thế nào?


Ở Singapore, môn sử được dạy và học như thế nào?


Điểm thi môn lịch sử là chuyện được bàn sôi nổi trong vài tuần qua trên các trang báo, trên các diễn đàn. Các nhà quản lý, các chuyên gia về lĩnh vực xã hội, giáo dục, lịch sử đã đưa ra ý kiến nhận định, đánh giá về sự kiện được nhiều người coi là “thảm họa” này. Singapore là quốc gia láng giềng có nhiều điểm tương đồng về văn hóa với VN. Hệ thống giáo dục ở đây được đánh giá cao. Chúng ta cùng “ngó” qua Singapore để xem người ta dạy & học môn Sử như thế nào ở trường phổ thông qua cuộc trò chuyện với những người trong cuộc.

Ở đất  nước của bạn, trong suốt quá trình phổ thông, môn lịch sử được dạy như thế nào?

Angeline Marie Therese Tan (người Singapore, 19 tuổi) vừa tốt nghiệp trường National Junior College: Ở Singapore, các chủ đề chính được dạy trong giáo trình A level (giống như giáo trình trung học phổ thông ở Việt Nam – PV ) là Thời kì Chiến tranh lạnh, Kinh tế thế giới, Liên hợp quốc và Lịch sử Đông Nam Á. Mặc dù môn lịch sử được chia ra thành các chủ đề khác nhau, học sinh được dạy để đánh giá nhiều cách nhìn đa dạng về cùng một vấn đề và cố gắng để tìm ra cách nhìn cân bằng, không thiên vị .

Bạn có thích môn lịch sử không?

-  Mình yêu môn lịch sử! Nói "thích" thôi thì vẫn còn là nhẹ (cười). Bởi vì mình cảm thấy rằng lịch sử cho chúng ta cái nhìn toàn diện hơn về quá khứ, cũng như một khuôn khổ để hiểu hơn các sự kiện đương thời trên thế giới. Thêm vào đó, mình rất thích đọc truyện mà đọc lịch sử thì như là đọc một câu chuyện hàn lâm thật dài. Học lịch sử mà không thấy như mình đang phải học. Bạn thân của mình cũng rất yêu thích lịch sử. Bọn mình thường hay cùng nhau ngồi trong thư viện tìm đọc tài liệu và bàn bạc hăng say về các bài giảng của thầy cô giáo.

Bạn có biết nhiều về lịch sử Việt Nam không?


-  Mình không dám nói là mình biết rất nhiều về Việt Nam. Mình có học một chút về phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam thời kì tiền Chiến tranh thế giới thứ 2 cũng như quá trình chống đô hộ, chính sách Đổi mới và các bước gia nhập ASEAN.                               

Là người Việt Nam theo học phổ thông ở Singapore, bạn có phải học về lịch sử của Singapore không?

- Lã Diệu Hằng (20 tuổi là du học sinh Việt Nam, nhận học bổng 100% A*STaR school-based của chính phủ Singapore): Có. Học về quá trình xây dựng đất nước và quá trình gia nhập ASEAN  của Singapore.
Bạn đã từng học sử ở Việt Nam, bạn có thể kể ra những điểm khác biệt khi dạy và học môn sử ở Singapore so với ở Việt Nam?

- Có những điểm khác cơ bản. Về mục đích giảng dạy: Ở Singapore, môn lịch sử giúp học sinh đạt được những mục đích hiểu và nắm rõ từng giai đoạn lịch sử (trong nước/trong vùng/quốc tế); giải thích quá khứ đã ảnh hưởng đến hiện tại như thế nào; nắm được những quy luật nhất định, mối quan hệ nhân quả giữa các sự kiện, mối quan hệ giữa các dân tộc, tổ chức chính trị, các nước, và các vùng trên thế giới.

Quan trọng không kém là học sinh có thể phát triển tư duy logic, sự hứng thú với môn học và sự đồng cảm với con người trong các giai đoạn lịch sử khác nhau. Giáo trình môn lịch sử ở phổ thông Singapore chủ yếu tập trung về lịch sử quốc tế đương đại (thế kỷ XX) và lịch sử vùng Đông Nam Á hiện đại, tập trung hơn vào Singapore.

Về phương pháp giảng dạy: Trong lớp học, giáo viên sẽ soạn giáo trình cho từng phần học và phát cho học sinh nghiên cứu kĩ trước đến khi nghe giảng chính ở lớp. Giáo trình phải chuyển tải được các nội dung chính, các khái niệm quan trọng cũng như phải giúp học sinh đạt các mục đích nêu trên. Học sinh được dạy về các nguyên nhân dẫn đến 1 sự kiện nào đấy, các nhân vật/nhóm đóng góp vào sự kiện đó, quá trình xảy ra và ảnh hưởng của các sự kiện đó.

Quan trọng hơn, học sinh phải phân tích được các loại nguyên nhân khác nhau, tẩm quan trọng của nguyên nhân cũng như đóng góp ít hay nhiều của chúng trong giai đoạn lịch sử, tầm sâu sắc của ảnh hưởng và đánh giá được ảnh hưởng đó là tốt hay xấu đối với 1 nhóm. Học sinh được khuyến khích tích cực đóng góp ý kiến trong lớp. Không ý kiến nào là sai, nhưng suy luận phải logic, có tính sâu sắc và mang tính thuyết phục cao;

Trong kỳ thi, nếu học sinh học H2 level, họ sẽ phải hoàn thành 2 đề: Lịch sử quốc tế và lịch sử ĐNA, mỗi đề dài 3.5 tiếng, bao gồm 3 bài luận và 1 Source-based question (Các bài phân tích dựa trên nguồn cho sẵn - PV). Câu hỏi luận sẽ chủ yếu rơi vào 1 trong 3 dạng sau: Câu hỏi nguyên nhân - câu hỏi quá trình - câu hỏi hậu quả (causation - process - consequences), hoặc nó có thể tổng hợp 2 hoặc cả 3 dạng trên.

Để làm tốt trong kỳ thi, nhất là kỳ thi tốt nghiệp A-level cuối năm, học sinh được yêu cầu rèn luyện kỹ năng viết luận, và phải tham gia các buổi thi thử ở lớp/trường. Tương tự áp dụng cho Source-based questions (Các bài phân tích dựa trên nguồn cho sẵn - PV), khi học sinh phải sử dụng các nguồn thông tin có sẵn để trả lời câu hỏi.

Bạn có thích môn lịch sử không? Những bạn cùng lớp thì sao?

- Tôi rất thích vì môn học này giúp tôi hiểu được thế giới mình đang sống, tại sao nó lại như ngày hôm nay, cũng như am hiểu hơn về các dân tộc, đất nước, vùng miền khác nhau. Đăc biệt, học lịch sử giúp tôi hiểu 1 cách sâu sắc hơn bản chất loài người chúng ta, và do đó, có cái nhìn cảm thông và sâu rộng hơn về thế giới.
- Cảm ơn Angeline và Diệu Hằng!

Theo laodong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét