Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Một vài kinh nghiệm trong việc tạo biểu tượng về nhân vật trong dạy học lịch sử các cuộc cách mạng tư sản thời cận đại ở trường THPT


Một vài kinh nghiệm trong việc tạo biểu tượng về nhân vật trong dạy học lịch sử các cuộc cách mạng tư sản thời cận đại ở trường THPT


Nguyễn Trung Thành – Tổ Sử - Địa – GDCD. THPT Hồng Quang, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái

Bộ môn lịch sử với tư cách là bộ môn khoa học xã hội, có ưu thế trong việc góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo của nhà trường phổ thông. Với việc cung cấp cho học sinh những tri thức cơ bản, có hệ thống về lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới, nhằm góp phần xây dựng vốn văn hoá phổ thông không thể thiếu được của mỗi người. Trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, việc giảng dạy lịch sử ở trường phổ thông cần phải tạo ra được sự chuyển biến căn bản về chất lượng dạy học, quán triệt nguyên lý “học đi đôi với hành”. Muốn có được sự chuyển biến đó, ngoài việc cải cách nội dung chương trình còn phải cải tiến phương pháp và phương tiện dạy học sao cho giờ học lịch sử thu hút được sự chú ý tự giác của học sinh. Từ đó làm cho học sinh hiểu sâu sắc, nhớ lâu những nội dung cơ bản và biết vận dụng sự hiểu biết sâu sắc đó trong thực tiễn. 
Nhiều năm qua, chất lượng dạy học lịch sử ở nhà trường phổ thông do nhiều nguyên nhân, chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu giáo dục. Trong đó nổi bật lên vấn đề nội dung và phương pháp dạy học. Nhiều giáo viên còn dạy học theo phương pháp thông báo kiến thức, hoặc cho học sinh về nhà đọc sách giáo khoa, ít chú ý đến việc tạo biểu tượng, hình thành khái niệm…Nhìn chung vẫn là dạy chay, kể lể dài dòng. Như vậy học sinh sẽ rất nhàm chán khi học bộ môn và không thể tiếp thu trọn vẹn những tri thức mà giáo viên cung cấp. 
Vì vậy, qua thời gian được đào tạo ở trường Đại học cũng như trong quá trình giảng dạy ở trường THPT Hồng Quang tôi rút ra một số kinh nghiệm trong việc “Tạo biểu tượng về nhân vật trong dạy học lịch sử các cuộc cách mạng tư sản thời cận đại ở trường THPT” để các đồng nghiệp cùng tham khảo. 
1. Nội dung cơ bản 
            Các cuộc cách mạng tư sản thời cận đại ở trường phổ thông trung học (chương trình chuẩn, theo sách giáo khoa hiện hành), bắt đầu từ:  Cách mạng Hà Lan và cách mạng tư sản Anh, kéo dài cho đến các cuộc cách mạng cuối thế kỉ XIX. Việc học tập cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về lịch sử đấu tranh giai cấp và cách mạng, sự xác lập của chủ nghĩa tư bản trên phạm vi thế giới. 
            Trước hết, học sinh hiểu rằng, ngay từ thời trung đại ở Châu Âu đã diễn ra mạnh mẽ quá trình tích luỹ tư bản bằng nhiều con đường. Chủ nghĩa tư bản ra đời và phát triển trong lòng chế độ phong kiến, kéo theo sự khủng hoảng tột độ của chế độ bóc lột nô lệ. Sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Tây Âu dẫn đến bước chuyển từ chế độ phong kiến sang chế độ tư bản. Do công thương nghiệp phát triển, giai cấp tư sản ngày càng trở thành giai cấp có thế lực kinh tế những chưa có địa vị chính trị, vì chế độ chính trị chưa phục vụ quyền lợi của nó. Những tiền đề của cách mạng tư sản đã hình thành. Giai cấp tư sản cần lật đổ chế độ phong kiến đã lạc hậu, để phát triển nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và xác lập địa vị thống trị của mình. Bước chuyển ấy được hoàn thành trước hết ở Tây Âu qua hàng loạt các cuộc cách mạng tư sản. 
            Trong sách giáo khoa lịch sử lớp 10, ở phần ba - lịch sử thế giới cận đại, các chương I và chương II, giới thiệu cho học sinh về các cuộc cách mạng tư sản:  Cách mạng Hà Lan thế kỉ XVI, Cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII, cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 bang thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ thế kỉ XVIII, cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII, thống nhất Đức, Italia và Nội chiến ở Mĩ. Các cuộc cách mạng tư sản nổ ra và thắng lợi, đã lật đổ chế đổ chế độ phong kiến, đưa giai cấp tư sản lên địa vị cầm quyền, nhưng không thoả mãn những yêu cầu cao hơn của người lao động, tuy vậy nó cũng đem lại những thay đổi vĩ đại cho loài người. Các cuộc cách mạng tư sản thành công đã dần xác lập sự thắng lợi của chủ nghĩa tư bản trên phạm vi thế giới, mở ra thời kì mới của lịch sử nhân loại. 
            Nội dung chủ yếu của các cuộc cách mạng tư sản thời cận đại thế kỉ XVI – XIX nêu trên là những kiến thức cơ bản mà hoc sinh phải nắm vững qua việc dạy học lịch sử ở trường phổ thông trung học. Qua mỗi cuộc cách mạng tư sản này, việc xây dựng biểu tượng về các nhân vật lịch sử sẽ giúp học sinh hiểu sâu sắc lịch sử hơn, thấy được vai trò của cá nhân trong mỗi cuộc cách mạng, đồng thời thấy được mối quan hệ giữa cá nhân và quần chúng nhân dân …Vì vậy cần xác định những kiến thức cơ bản cho học sinh. 
            Các cuộc cách mạng tư sản thời cận đại (thế kỉ XVI – XIX), lớp 10 THPT gồm các các cuộc cách mạng:  Cách mạng Hà Lan, Cách mạng tư sản Anh, chiến tranh giành độc lập của 13 bang thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ, cách mạng tư sản Pháp 1789, cuộc đấu tranh thống nhất Đức và Italia, nội chiến ở Mĩ. 
2. Một số nhân vật lịch sử trong các cuộc Cách mạng tư sản thời cận đại 
Sách giáo khoa lớp 10 phổ thông trung học đề cập đến nhiều nhân vật lịch sử trong khoá trình lịch sử thế giới cận đại. Trong đó tạo biểu tượng trước hết là những nhân vật tiêu biểu, gắn liền với sự phát triển của một thời đại, một thời kì hay giai đoạn lịch sử nhất định. Khi tạo biểu tượng các nhân vật lịch sử này sẽ giúp các em hình dung được lịch sử, thấy được vai trò to lớn của cá nhân với cách mạng. Có các biểu tượng phong phú với nhiều nét đặc thù của chúng là cái thể hiện tiêu biểu các đặc điểm cá biệt của cá nhân con người. 
   * Ôlivơ Crômoen (1599 – 1658). 
Crômoen sinh năm 1599, ông là một trong những lãnh tụ xuất sắc của phái Độc lập, tiêu biểu cho tầng lớp quý tộc mới loại vừa. 
Bộ dạng Ô.Crômoen không gây được ấn tượng cao thượng, ông ăn vận rất giản dị trong bộ đồ bằng da, kiếm đeo ngang sườn. Ô.Crômoen thân hình khá cao lớn, mặt béo đỏ, giọng hơi gắt và vang xa, nhưng lời nói thì thật hùng hồn. Khuôn mặt ông biểu thị sự sáng suốt thiên bẩm và chiều sâu của tư tưởng, đôi mắt xám với cái nhìn xuyên suốt. Khi muốn người ta hiểu rõ mình, ông nói mạnh mẽ và có sức thuyết phục dù không văn hoa và không mấy hùng biện. Trước năm 1649, ông đã ban hành một số chính sách có tính cách mạng tiến bộ. Nhưng sau năm 1649, Crômoen lại bảo vệ quyền lợi của Quý tộc và tư sản. Với tất cả những điều đó, cộng với trí tuệ thiên bẩm và lòng dũng cảm, Crômoen trở thành người đại biểu cho những tư tưởng dân chủ ở Anh về nhiều mặt. 
  * Gioocgio Oasinhton (1732 – 1799) 
Gioocgio Oasinhton sinh trưởng trong một gia đình chủ nô giàu có ở bang Virgilia. Ông là người to lớn và mạnh mẽ, ông cao 1,88m, có lúc nặng đến 90kg. Ông có đôi vai rộng và rắn chắc, đôi bàn chân và bán tay to. Khuôn mặt dài với gò má cao, mũi thẳng, to, cái cằm cương nghị, cặp mắt xanh xám ẩn dưới hàng lông mày rậm và mái tóc nâu sẫm. Nước da của ông trắng những bị rỗ do khi còn trẻ ông bị bệnh đậu mùa, ông ăn mặc rất hợp thời. 
Năm 1787, Đại hội đại biểu 13 bang ở Bắc Mĩ được triệu tập ở Philađenphia đã quyết định thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kì, thông qua hiến pháp 1787, Oasinhton được cử làm Chủ tịch đại hội. Năm 1789, Oasinhton được bầu làm Tổng thống đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kì và tái cử năm 1792. Gioocgio Oasinhton được xếp thứ hai trong số năm Tổng thống “vĩ đại” của nước Mỹ. 
* Macximiliêng dơ Rôbexpie (1758 – 1794) 
Rôbexpie sinh năm 1758 ở Arat - một tỉnh nhỏ phía Bắc nước Pháp, trong một gia đình luật sư. Lớn lên ở thành phố quê hương, năm 11 tuổi Rôbexpie đến Pari học. Ông hoàn toàn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những tư tưởng cách mạng thời đại mình. Rôbexpie là tín đồ nhiệt tình của Rutxô, là người tuyên truyền sự bình đẳng giữa mọi người và chính quyền của toàn dân trong các các phẩm của mình. 
Đến nay ông vẫn được đánh giá là một nhà dân chủ cách mạng lớn ở Pháp trong thế kỉ XVIII. 
3. Một số biện pháp sư phạm tạo biểu tượng về nhân vật lịch sử 
- Xác định thời gian, không gian, hoàn cảnh xuất hiện nhân vật lịch sử. 
 -  Sử dụng tài liệu tiểu sử nhân vật lịch sử và tài liệu tham khảo liên quan. 
- Miêu tả và nêu đặc điểm nhân vật  lịch sử. 
 - Tạo biểu tượng nhân vật lịch sử bằng cách kết hợp lời nói sinh động, giàu hình ảnh của giáo viên với các phương tiện trực quan. 
-  Tạo biểu tượng các nhân vật lịch sử thông qua việc cho học sinh tự trình bày các hiểu biết về nhân vật  lịch sử. 
-  Sử dụng tranh ảnh lịch sử để tạo biểu tượng các nhân vật lịch sử. 
-  Xác định những yếu tố thông thường của một biểu tượng nhân vật lịch sử. 
Trên đây chỉ là đề xuất có tính chất chủ quan của cá nhân, không phải là một sơ đồ bất biến, không có phương án nào là tối ưu nhất. Chúng ta tuỳ theo yêu cầu của nội dung chương trình, mà có thể đưa biện pháp thích hợp cho từng chương, từng bài và từng nhân vật lịch sử.  Không có một phương pháp, biện pháp nào là vạn năng có thể đáp ứng mọi yêu cầu của quá trình dạy học lịch sử. Ngược lại, mỗi phương pháp đều có ưu điểm, khả năng riêng khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ bộ môn, mặt khác nó cũng có những hạn chế và điểm yếu nhất định. Cho nên khi tạo biểu tượng các nhân vật lịch sử, phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn, hợp lý với các phương pháp khác trong một hệ thống hoàn thiện mới có thể phát huy hết ưu điểm, hạn chế những nhược điểm, để nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy học bộ môn

3 nhận xét:

  1. nhưng để cho học sinh hiểu hết được cuộc cách mạng tư sản thì 1 biểu tượng về nhân vật là chưa đủ

    Trả lờiXóa
  2. bài này tác giả đang lên chỉ mang tính tham khảo. Dạy về cách mạng tư sản thì người ta sẽ chuẩn bị sẵn tư liệu, tranh ảnh minh họa. Ngoài biểu tượng về nhân vật, người ta sẽ có biểu tượng về sự kiện 14/7/1789 - dạy rõ biểu tượng này hs sẽ biết sự kiện mở đầu cách mạng Pháp để hs khi nhắc đến biểu tượng này thì nó sẽ khẳng định đây là cách mạng Pháp. Mặc khác, để hiểu rõ cách mạng tư sản Pháp thì cần có các khái niệm liên quan đến khái niệm, định nghĩa chung là "cách mạng tư sản" như "Hội nghị 3 đẳng cấp", "chuyên chính cách mạng Jacobin", "Quốc hội lập hiến"; "cách mạng tư sản kiểu mới" (so với kiểu cũ). các khái niệm này nên xem trước ở nhà => để hs rút ra quy luật, bản chất của các cuộc cách mạng tư sản (tính triệt để và không triệt để của nó). Cũng có thể tạo biểu tượng cách mạng tư sản qua các videos - hs nhìn thấy thực tế để học tập vì lịch sử là ko thể tái hiện được; lồng vào videos là những câu chuyện kể về cách mạng tư sản

    Trả lờiXóa
  3. Cho em hỏi: trình bày các biện pháp sư phạm tiến hành tạo biểu tượng cho môn lịchĐề : Tìm hiểu các biện pháp sư phạm tiến hành tạo biểu tượng lịch sử cho học sinh THPT ? Tự chọn một biện pháp lấy ví dụ minh hoạ? sử ở trường THPT? Cho ví dụ minh họa?

    Trả lờiXóa