Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Tạo cảm hứng cho những giờ học lịch sử


Một tiết học lịch sử bằng phương tiện nghe nhìn tại Trường tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh).Một tiết học lịch sử bằng phương tiện nghe nhìn tại Trường tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh).
Hiện nay, nhiều trường tiểu học tại TP Hồ Chí Minh vận dụng các phương pháp mới vào dạy môn lịch sử, trong đó áp dụng các phương tiện nghe nhìn (PTNN). Những tiết học sinh động này giúp học sinh dễ cảm thụ nội dung bài học, bồi đắp thêm kiến thức lịch sử cho mình.
Bài học "Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ năm 1954" của học sinh lớp 5, Trường tiểu học Phan Ðình Phùng (quận 3) cuốn hút học sinh với những đoạn phim ngắn về ba đợt tiến công của quân ta trong chiến dịch này. Học sinh hào hứng theo dõi hình ảnh lực lượng bộ đội chiến đấu với thực dân Pháp và giành thắng lợi vẻ vang. Giáo viên Nguyễn Ngọc Hảo, Trường tiểu học Phan Ðình Phùng cho biết, trước đây các giờ học lịch sử chỉ được dạy bằng lý thuyết hay minh họa bằng một số hình tư liệu trong sách giáo khoa nên học sinh khó tiếp thu bài học. Ðến nay, trong giờ lịch sử chúng tôi  chiếu đoạn phim tư liệu giúp học sinh say mê với môn học hơn.
Tại Trường tiểu học Trần Bình Trọng (quận 5), những bài học lịch sử lớp 4 được minh họa bằng các đoạn phim ngắn. Với hai bài học: Bài 8 "Cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất (năm 981)" và Bài 9 "Nhà Lý dời đô ra Thăng Long (năm 1010)" giáo viên đã dẫn dắt bài giảng bằng thước phim chiếu về Nhà Lý dời đô ra Thăng Long. Hai sự kiện lịch sử với khoảng thời gian gần 30 năm có nhiều biến đổi, nhiều sự kiện nhưng đã lôi cuốn học sinh trong suốt giờ học. Sau khi xem đoạn phim, học sinh sôi nổi  phát biểu về nội dung bài học.
Phương pháp dạy lịch sử bằng PTNN được nhiều trường học tại TP Hồ Chí Minh áp dụng. Một số trường học đã cho học sinh hóa thân thành những nhân vật lịch sử hay đi tham quan các bảo tàng, để trực tiếp xem các hiện vật, tư liệu lịch sử... Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) thường xuyên đưa học sinh tham quan các bảo tàng trong thành phố. Các bảo tàng được chọn đều phù hợp, bổ sung kiến thức cho từng bài học. Tại đây, những kiến thức trừu tượng đã được diễn đạt bằng hiện vật, hình ảnh cùng phần thuyết minh của nhân viên bảo tàng. Những  chuyến tham quan này giúp học sinh tiếp thu bài học nhanh và sâu sắc hơn.
Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh, tại nhiều quận, huyện, tỷ lệ giờ học được ứng dụng phương pháp dạy lịch sử bằng PTNN ngày càng cao. Các quận: Bình Thạnh, Bình Tân, quận 1, quận 3, quận 5...,  tiết dạy  môn lịch sử khối 4 bằng PTNN chiếm từ 19 đến 34%, ở khối 5 chiếm đến gần 40%. PTNN sử dụng trong quá trình dạy học khá phong phú từ đèn chiếu, ra-đi-ô, phim điện ảnh, băng ghi hình, ghi âm, vi-đê-ô, máy tính... đến các phương tiện trực quan khác như: mô hình, vật mẫu, tranh ảnh, sa bàn, lược đồ, tham quan, du lịch. Bằng cách tạo hiệu ứng mầu sắc, âm thanh, hình ảnh động... học sinh  có thể vừa nghe, vừa nhìn, suy nghĩ về các sự kiện lịch sử. Ðại diện Trường tiểu học Tân Quý Tây 3 (huyện Bình Chánh) cho biết: "Việc ứng dụng PTNN giúp học sinh có thể tưởng tượng cụ thể các sự kiện lịch sử. Các em hiểu và nhớ sự kiện lịch sử lâu hơn. Những kiến thức lịch sử sơ đẳng sẽ là nền tảng vững chắc, tạo niềm đam mê cho các em ở các bậc học cao hơn".
Trong điều kiện hiện nay, việc vận dụng PTNN vào giảng dạy môn lịch sử không khó. Giáo viên Võ Thị Kiều Trang, Trường tiểu học Hiệp Phú, quận 9 cho rằng: "Ðể áp dụng phương pháp này, giáo viên chỉ cần chủ động tìm kiếm tư liệu hình ảnh, đoạn phim, lược đồ từ các bảo tàng, sách báo, in-tơ-nét... sao cho chính xác rồi thiết kế bài giảng một cách sinh động. Bên cạnh đó, khi giáo viên hướng dẫn học sinh tự tìm hiểu, sưu tầm thêm tư liệu sẽ tạo thêm hứng thú cho các em  học môn lịch sử.
Những sự kiện lịch sử được thể hiện bằng những hình ảnh trực quan sinh động sẽ cuốn hút học sinh đến với môn học lịch sử. Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh) Lê Ngọc Diệp cho biết: "Dạy lịch sử cần giúp học sinh hiểu được lịch sử chứ không chỉ dừng lại thuộc lòng các sự kiện. Các PTNN giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn kiến thức lịch sử. Từ đó, các em có cái nhìn toàn diện, cảm nhận sâu sắc, chủ động tìm hiểu về lịch sử và yêu môn học này hơn".
THÙY LINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét