Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Dạy lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa cho học sinh: Bộ GD-ĐT nói gì?


Dạy lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa cho học sinh: Bộ GD-ĐT nói gì?


Trước hàng loạt ý kiến bức xúc về vấn đề dạy - học lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa cho học sinh, tại "Hội thảo khoa học quốc gia về dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam" vừa được tổ chức ở Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã có ý kiến như thế nào?
Dạy lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa cho học sinh: Bộ GD-ĐT nói gì?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trả lời về vấn đề dạy - học lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa tại "Hội thảo khoa học quốc gia về dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam" - Ảnh: HC
Đã có, đã dạy?
Như Infonet đã nêu, tại hội thảo kể trên, Giáo sư - Viện sĩ, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) cùng GS-TS Nguyễn Quang Ngọc (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển), PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ (Chủ tịch Hội đồng bộ môn Lịch sử, Bộ GD-ĐT), PGS-TS Trịnh Đình Tùng (ĐHQG Hà Nội), GS-TS Nguyễn Thị Côi (ĐH Sư phạm Hà Nội) đều tha thiết đề nghị Bộ GD-ĐT sớm bổ sung nội dung giáo dục về chủ quyền biển đảo, về Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa (SGK) môn Lịch sử, nhất là trong bối cảnh biển Đông đang 'dậy sóng' như hiện nay.
"Nếu chậm trễ cái này, để cho các em lớn lên mù tịt về biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa là cái tội của chúng ta, cái tội của người lớn và của nền giáo dục đối với lớp trẻ!" - GS-VS, NGND Phan Huy Lê đã phát biểu thẳng thắn như thế trước Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cùng hàng trăm đại biểu là cán bộ quản lý ngành giáo dục từ TƯ đến địa phương, các nhà giáo, nhà sử học thuộc nhiều thế hệ... trong cả nước về dự hội thảo.
Đáp lại, khi bế mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã khiến nhiều người không khỏi hụt hẫng bằng một phát biểu hết sức ngắn gọn và bình thản đến... lạ lùng trước sự cấp bách của vấn đề:
"Biển, đảo là vấn đề cấp bách nhưng không phải chúng ta không có. SGK đã có, chương trình đã có, đã dạy, nếu chưa đủ thì ta bù đắp, nếu giáo viên khó khăn thì mình hướng dẫn thêm. Vừa rồi chúng ta nhớ là bộ môn Địa lý ra những câu hỏi về biển, đảo được xã hội rất đồng tình. Kể cả thi tốt nghiệp, kể cả thi tuyển sinh đều có vấn đề biển, đảo cả. Nếu nói rằng chương trình không có làm sao hỏi được? Nhưng rõ ràng là do tính yêu cầu của lúc này khác với lúc ta viết sách nên vẫn cần có sự điều chỉnh cần thiết. Và hiện nay Bộ GD-ĐT đang xúc tiến việc này theo yêu cầu của TƯ. Tôi nghĩ rằng với sự chủ động của các địa phương, ngay Đà Nẵng đã có phần dạy về biển, đảo riêng; Khánh Hoà cũng đã có phần dạy về biển, đảo để hướng dẫn cho giáo viên ở địa phương mình!".
Chúng tôi không bình luận nhiều về phát biểu này mà chỉ xin hỏi rõ thêm một ý: Không hiểu do vô tình hay hữu ý, trong khi các đại biểu tập trung đặt vấn đề về giảng dạy lịch sử (LS) Hoàng Sa, Trường Sa "là trang sử bi hùng được viết bằng máu xương của các lớp thế hệ người Việt Nam từ thời kỳ Vương quốc Chămpa cho đến chúa Nguyễn, Vương triều Nguyễn và tiếp diễn cho đến ngày nay" (GS-TS Nguyễn Quang Ngọc) thì Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lại "chuyển hướng" sang môn Địa lý, để nói rằng đã có dạy cho học sinh (HS)?
Dạy lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa cho học sinh: Bộ GD-ĐT nói gì?
Các em học sinh Đà Nẵng tìm hiểu bản đồ hành chính của huyện đảo Hoàng Sa. Nhưng với việc thiếu một nền tảng kiến thức về lịch sử, liệu các em sẽ hiểu tấm bản đồ này đến đâu? - Ảnh: HC
Các địa phương "chủ động" đến đâu?
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói đến sự "chủ động" của các địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hoà trong việc tổ chức giáo dục về chủ quyền biển đảo, về Hoàng Sa, Trường Sa... Ai cũng biết, Đà Nẵng có Hoàng Sa, Khánh Hoà có Trường Sa, nên họ tương đối có lợi thế để tổ chức dạy - học về vấn đề này. Nhưng cả nước không chỉ có Đà Nẵng và Khánh Hoà. Còn hàng triệu em HS ở các địa phương khác thì sao? Và ngay cả với Đà Nẵng, Khánh Hoà thì sự "chủ động" và hiệu quả mà họ đạt được đến đâu? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng về vấn đề này:
Xin ông cho biết việc giảng dạy về chủ quyền biển, đảo, về Hoàng Sa, Trường Sa đã được ngành giáo dục Đà Nẵng thực hiện như thế nào?
Cái này chúng tôi sẽ đưa vào phần giáo dục địa phương. Tức là lồng ghép giáo dục về chủ quyền biển, đảo vào tài liệu giáo dục địa phương và giảng dạy cho HS. Mấy năm trước mình cũng có đưa vào nhưng chỉ ở mức vừa phải vì tài liệu của mình cũng ở mức độ thôi. Năm nay mình phối hợp với Sở Nội vụ với các văn bản chỉ đạo cụ thể hơn nên sẽ đưa vào trong giáo dục địa phương.
Văn bản chỉ đạo cụ thể hơn mà ông vừa nói là của ai?
Tức là bây giờ thông tin đầy đủ, ví dụ như vừa rồi Sở Nội vụ có tài liệu về vấn đề này, là cuốn "Kỷ yếu Hoàng Sa". Đây là một cái cơ sở pháp lý, chứ trước đây mình cũng nghe báo, đài rồi nhiều lúc mình đưa vào. Với lại thông tin nhạy cảm ấy mà, cho nên nhiều lúc... Giờ thì mình với Sở Nội vụ đã phối hợp rồi nên đưa vấn đề này vào giảng dạy giáo dục địa phương cho các em HS toàn TP.
Định lượng cho giáo dục địa phương như thế nào trong thời khoá biểu của các trường?
Giáo dục địa phương không phải là một môn học nên không chia thời khoá biểu là tuần này phải dạy cái gì, tuần kia dạy cái gì. Nó chỉ tích hợp và lồng ghép thôi, với lại các hoạt động ngoại khoá, chứ nó không phải giống như các môn học nên không chia thời khoá biểu mỗi tuần dạy bao nhiêu tiết.
Lâu nay dạy môn Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân thì mình lồng ghép vào. Cái này có sự chỉ đạo của Bộ nữa, không phải riêng chỗ Hoàng Sa mà tất cả các hoạt động khác mang tính chất chủ quyền mình đều lồng ghép, tích hợp hết. Việc giáo dục về Hoàng Sa, Trường Sa mình đưa vào khoảng 2 năm rồi, nhưng đưa ở mức độ vừa phải, còn năm nay sẽ rõ nét hơn.
Ông có thể nói rõ hơn về cái "rõ nét hơn" mà ông vừa đề cập?
Thì mình có tài liệu biên soạn rồi đó, rồi mình cụ thể luôn. Năm vừa rồi mình phối hợp với Sở TN-MT, Bộ đội Biên phòng tổ chức thi tìm hiểu biển, đảo nhưng ở mức độ có những câu hỏi mà mình với liên ngành cũng không thể nói rõ. Năm nay thì có tài liệu, căn cứ vào cuốn "Kỷ yếu Hoàng Sa". Mình với Sở Nội vụ bàn rất kỹ rồi. Đây là sơ sở rất quan trọng mà mình sẽ sử dụng để giảng dạy lồng ghép vào trong giáo dục địa phương.
Cuốn "Kỷ yếu Hoàng Sa" đề cập chủ yếu về Hoàng Sa chứ chưa nói nhiều đến Trường Sa. Hơn nữa, Đà Nẵng có cuốn "Kỷ yếu Hoàng Sa", còn các địa phương khác không có thì lấy cái gì để đưa vào?
Cái Hoàng Sa của Đà Nẵng mình thì rõ nét, còn cái Trường Sa thì bây giờ mình cũng đưa vào. Lâu nay người ta cũng khẳng định, ví dụ nói vấn đề bộ đội mình đang ở Trường Sa này nọ, mình cũng lồng ghép vào hết chứ. Luật biển, đảo mình cũng sẽ đưa vào. "Kỷ yếu Hoàng Sa" chỉ là một nội dung và còn nhiều nội dung khác, ví dụ như vừa rồi công bố các bản đồ. Các tư liệu đó người ta có hết chứ, thì người ta sẽ tích hợp vào.
Nhưng các tư liệu đó chưa phải là kiến thức đã được chuẩn hoá vào SGK để truyền đạt cho HS? Như vậy liệu đã đáp ứng yêu cầu giảng dạy cho HS về vấn đề chủ quyền biển, đảo, về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa hay chưa?
Tại "Hội thảo khoa học quốc gia về dạy và học Lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam" vừa được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức cũng đã nhấn mạnh vấn đề đưa nội dung kiến thức về Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK. Tôi nghĩ đưa vào môn Lịch sử là hay nhất. Đó mới là tài liệu về mặt pháp lý cho giảng dạy ở trường phổ thông.
Theo đánh giá của ông, với tầm mức quan trọng của vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa thì việc giáo dục cho HS như hiện nay đã đạt yêu cầu hay chưa?
SGK môn Lịch sử viết cách đây mấy năm rồi, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa không được đặt nhiều lắm. Có lẽ trong thời gian đến người ta sẽ bổ sung một số nội dung liên quan tới Hoàng Sa, Trường Sa. Đưa các nội dung này vào môn Lịch sử thì khi đó sẽ có bài học cụ thể. Đưa vào sách tức là có chương trình, chia cụ thể từng tiết rất rõ rồi. Mà chương trình là pháp lệnh nên phải thực hiện.
Còn hiện nay các trường rất quan tâm vấn đề giảng dạy về chủ quyền biển đảo, Hoàng Sa, Trường Sa cho HS nhưng chủ yếu là công tác tuyên truyền, dạy lồng ghép thôi, chứ còn để có một tài liệu riêng thì chúng tôi chưa dám. Cái này phải chờ chủ trương của Bộ. Hiện chưa có SGK nào với các bài học cụ thể về vấn đề này.
Theo lộ trình của Bộ GD-ĐT thì phải đến sau năm 2015 mới có SGK mới. Ông thấy như vậy có chậm trễ quá hay không?
Tôi nghĩ việc đưa vấn đề chủ quyền biển, đảo, biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK là rất cần thiết. Nhưng SGK thì không biên soạn ngay được mà phải có lộ trình, không thể ngày hôm nay nói đổi SGK là ngày mai đổi được. Và đổi SGK thì phải đồng bộ hết tất cả các môn, chứ không phải môn nào muốn đổi thì đổi. Vấn đề là việc điều chỉnh chương trình, nội dung dạy học để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Xin cám ơn ông!
Xin được chuyển đến Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển phần trả lời của Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng Lê Trung Chinh về sự "chủ động" của ngành giáo dục TP này trong việc tổ chức dạy - học về chủ quyền biển đảo, về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa cho HS, và xin không bình luận gì thêm!
HẢI CHÂU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét